TTCT - Những chuyển động ngoại giao tấp nập diễn ra ở Đông Nam Á, với nhiều động thái quan trọng liên tiếp của các nước lớn bên bờ Thái Bình Dương trước ngày Tòa trọng tài thường trực (PCA) tuyên nghị đơn kiện của Philippines. Ông Daniel Russel - trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương - bước vào phòng họp báo tại Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội sáng 10-5 -Hoàng Đình Nam Ngày nào trong tháng 5 này hay đầu tháng 6 tới tòa tuyên thì chưa rõ. Tuyên như thế nào, “phó thường dân” các nước làm sao biết. Song ở cấp quốc gia, nhất là các nước lớn, có lẽ đó không hẳn là một bí mật tuyệt đối. Bởi thế các nước lớn đang ráo riết đối phó, tranh thủ một cái gì đó bằng những chuyến công du. Mới nhất là chuyến thăm Việt Nam của trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel, ngay sau chuyến thăm Hà Nội của Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Fumio Kishida. Trước đó là vòng công du Brunei, Campuchia, Lào của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. Tuy xa mà gần Trợ lý ngoại trưởng Mỹ Russel cho biết ông đến Hà Nội lần này để “thúc đẩy mối quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam” mà lãnh đạo hai nước đã loan báo vào tháng 7-2015, khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp Tổng thống Barack Obama ở Mỹ. Có hai cách để thúc đẩy quan hệ đó: (1) tăng cường đối thoại và (2) tăng cường các cơ chế hợp tác, ông Russel nói. Nói đến đối thoại, đây là cuộc đối thoại Mỹ - Việt về châu Á - Thái Bình Dương lần thứ tư và lần thứ nhì mà ông tham dự. Đối tác đối thoại của ông Russel là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Thanh Sơn. Cuộc đối thoại này hầu như đã chiếm gần hết ngày 7-5, mà theo ông Russel là cả một lô tham vấn nhau về các vấn đề khu vực và đó đã là “một buổi có kết quả”. Còn những vấn đề khu vực cụ thể nào hai bên đã họp cả ngày vẫn còn là điều bí mật. Dẫu sao cũng có thể dự đoán hai chiều: hoặc là để giải quyết những tồn tại của quá khứ, hoặc là để sẵn sàng cho một tương lai gần, rất gần là sau khi PCA tuyên định về vụ kiện ở Biển Đông. Song khi ông Russel nói rằng đó là “một buổi làm việc có kết quả”, chắc rằng tương đồng phải nhiều hơn là khác biệt. Ông Russel cũng cho biết hôm sau, 8-5, ông đã có một cuộc gặp “rất cụ thể” với Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, các quan chức của Đảng, Văn phòng Chính phủ và cả với đại diện xã hội dân sự. Có thể nghĩ rằng nội dung cuộc họp đầu tiên chủ yếu về các vấn đề của khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông. Trợ lý ngoại trưởng Russel tiết lộ: “Chẳng có gì bất ngờ cả, chúng tôi đã thảo luận sâu rộng về tình hình ở Biển Đông. Đó là vấn đề then chốt của cuộc đối thoại tham vấn giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trong những năm mà tôi đã được tham gia vào chính sách châu Á”. Tiết lộ của ông cho thấy không rõ trong các vấn đề khác thì sao, chứ trong vấn đề Biển Đông thì hai bên đang trao đổi những điều thiết thực. Theo lời ông Russel: “Phía Việt Nam đã thông báo cho tôi về những diễn biến liên quan đến các giàn khoan dầu của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa mà Chính phủ hôm qua đã thông báo cho quý vị, báo chí. Và tôi đã giải thích lập trường cùng quan điểm của Hoa Kỳ về các vấn đề Biển Đông nói chung và đặc biệt về sự cố liên quan đến giàn khoan dầu... Hoa Kỳ không đánh giá yêu sách của bên nào ở Biển Đông là thích đáng hơn. Tôi nghĩ sẽ là công bằng khi nói cả Việt Nam và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa (và rằng) có một cuộc tranh chấp. Không phải việc của Hoa Kỳ để nói rằng lập trường bên nào mạnh mẽ hơn. Thế nhưng chính trong quyền lợi của Hoa Kỳ và của cộng đồng quốc tế mà cần kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và xử lý vấn đề này theo cách hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế”. Trong phần hỏi đáp, mấy lần ông Russel bị các nhà báo “quay” về sự thiếu mạnh mẽ của Hoa Kỳ ở Biển Đông, trong đó gay gắt nhất là nhà báo Chris Brummitt của Thông tấn xã Mỹ AP: “Hoa Kỳ sẽ làm gì khác nữa ngoài việc ra hết tuyên bố này đến tuyên bố khác, hầu tìm cách giải quyết hoặc làm giảm căng thẳng?”. Rõ ràng chẳng có chuyện “kết bè hiệp đảng để chống ai đó” như ai đó tưởng. Chỉ cần đề nghị “xử lý vấn đề này theo cách hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế” cũng đủ chọc giận thiên hạ rồi. Còn trong những cuộc gặp với các quan chức khác của Đảng và của Văn phòng Chính phủ, trợ lý ngoại trưởng Russel kể: “Trong cuộc họp của tôi với các quan chức Việt Nam, tôi giới thiệu tóm tắt không chỉ về chính sách của Hoa Kỳ trong khu vực và rộng hơn nữa, mà còn cung cấp một tóm tắt về chuyến thăm gần đây của Tổng thống Obama tới Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Dựa trên chuyến đi đó, tôi nghĩ rằng tôi có thể tái khẳng định cam kết liên tục và mạnh mẽ của Hoa Kỳ cả với toàn thể khu vực rộng rãi lẫn với Việt Nam”. Không chỉ tập trung vào vấn đề Biển Đông, ông Russel cho biết ông còn cùng các đối tác đối thoại, thảo luận về những vấn đề cùng quan tâm, bao gồm vấn đề châu thổ sông Mekong trong các góc độ hệ thống môi sinh và môi trường, cũng như trong lĩnh vực rộng lớn hơn là sự thay đổi khí hậu và thích ứng với điều đó. Những tuyên bố của ông Russel về sông Mekong, tiếp sau những giúp đỡ của Mỹ từ tháng 4 cho nông dân Việt Nam đang bị hạn, mặn, còn hơn là “đúng lúc” khi dân tình đã quá ngao ngán và khốn khổ với “tai trời, ách nước” chẳng phải chỉ do ông Thiên, mà còn do cả những “con ông Thiên” ở thượng nguồn! Có thể thấy quan hệ Mỹ - Việt tuy từng là rất “xa”, song nay đang “gần” hơn. Liệu như thế có phải là gây bất ổn tình hình khu vực như đâu đó có người cáo buộc? Câu trả lời từ chính ông Russel thật rõ ràng: “Các thảo luận của tôi ở Hà Nội tập trung vào Đông Nam Á và mở rộng hơn ra châu Á, về việc Hoa Kỳ và Việt Nam có thể cùng nhau tiếp tục làm gì để thúc đẩy hòa bình và ổn định, tăng trưởng kinh tế và hợp tác”. Bên "đã gần" thêm gần Hai ngày trước khi ông Russel tới Hà Nội, Ngoại trưởng Nhật Kishida đã có mặt ở đó, chặng cuối của vòng công du năm nước đến Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar, Lào và Việt Nam. Với Myanmar, Lào và Việt Nam, đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Kishida sau khi các chính phủ mới lên cầm quyền ở các nước này. Còn với Trung Quốc, đây là chuyến thăm đầu tiên của một ngoại trưởng Nhật trong bốn năm rưỡi qua, một “kỷ lục” nhỏ biểu thị sự căng thẳng Trung - Nhật mà đỉnh cao là việc Trung Quốc hồi tháng 1 đã tuyên bố hoãn việc tiếp ông Kishida vào tháng 4 như dự kiến do những bất đồng lớn, trong đó có vấn đề Biển Đông. Liệu lời mời trở lại này có phải là một bước giải tỏa sự căng thẳng? Về phần mình, Ngoại trưởng Kishida giải thích: “Gần đây tôi đã bày tỏ mong muốn làm việc với nhau trong việc xây dựng một mối quan hệ song phương phù hợp với một kỷ nguyên mới..., thẳng thắn trao đổi quan điểm về cách cải thiện hơn nữa quan hệ Nhật Bản - Trung Quốc”. Đề xuất đối thoại thẳng thắn song phương này đã được ông Kishida đưa ra hôm 25-4 tại Đại học quốc tế Yomiuri ở Tokyo. “Thẳng thắn trao đổi quan điểm” mà ông Kishida nói đến là gì trong thực tế các cuộc gặp kín của ông ở Bắc Kinh với các ông Vương Nghị - bộ trưởng ngoại giao và Dương Khiết Trì - ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc? Trong một diễn văn đọc tại Đại học Chulalongkorn của Thái Lan một ngày sau đó, ông Kishida gián tiếp cho biết ông đã “thẳng thắn” nói gì ở Bắc Kinh: “Lĩnh vực mà nguyên tắc “pháp trị” đang gặp nhiều nguy cơ nhất là an ninh hàng hải. Nhật Bản khẳng định ba nguyên tắc của pháp trị trên biển, đó là (1) các nước sẽ đưa ra và làm rõ các tuyên bố chủ quyền của họ dựa trên luật pháp quốc tế, (2) các nước sẽ không sử dụng vũ lực hay hăm dọa để tìm cách thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền của mình và (3) các nhà nước sẽ tìm cách giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình”. Ông cũng nhắc lại rằng tại Hội nghị bộ trưởng các nước G7 mà ông là chủ nhà vào tháng 4 ở Hiroshima (thành phố quê hương ông), “tầm quan trọng của việc duy trì trật tự hàng hải dựa trên các quy tắc của luật pháp quốc tế đã được tái khẳng định, và sự phản đối mạnh mẽ các nỗ lực nhằm đơn phương thay đổi nguyên trạng ở biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) đã được thể hiện. Chúng ta phải thiết lập một trật tự khu vực mà nhờ đó nguyên tắc “pháp trị” thật sự được gìn giữ và thực hiện. Theo quan điểm này, tôi xin nhắc lại lời kêu gọi của tôi về việc sớm ký kết một Bộ quy tắc ứng xử (COC) hiệu quả ở biển Nam Trung Hoa”. Bên "tuy gần mà xa" Câu hỏi đặt ra là phản ứng của Trung Quốc. Liệu các ông Vương Nghị và Dương Khiết Trì có “lắng nghe” lời kêu gọi “pháp trị” của ông Kishida? Câu trả lời có thể thấy phần nào qua bài bình luận của Li Ruoyu (Lý Nhược Ngu) thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội Trung Quốc ngày 7-5, tức sáu ngày sau khi ông Kishida rời Bắc Kinh, quá đủ thời gian để thu thập thông tin. Li cho rằng “quan hệ Trung - Nhật dựa trên việc tăng cường niềm tin qua lại lẫn nhau” và nhận xét “có thể thấy ông Kishida đã nhận được sự đón tiếp rất cao cấp, phản ánh lòng thành thật cải thiện bang giao của Trung Quốc”. Tác giả lặp lại đề nghị của ông Kishida là “hai nước gia tăng hợp tác, xử lý các quan ngại chung, tăng cường hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau”. Tuy nhiên đến cuối bài, tác giả vẫn “không quên” nhắc lại rằng ông Kishida (cũng như Thủ tướng Shinzo Abe và cánh hữu ở Nhật) có trách nhiệm về quan hệ lạnh lẽo tiếp tục giữa hai nước và rằng hồi tháng 3, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đã tố cáo Chính phủ Nhật nói một đằng làm một nẻo, “không ngừng gây rối cho Trung Quốc”. Sau đó để kết bài, tác giả thắc mắc về chuyến thăm bốn nước ASEAN của ông Kishida, mà theo tác giả là một số nước “đang có chuyện” với Trung Quốc trên biển! Không phải ngẫu nhiên mà một bài viết về chuyến thăm Trung Quốc của ông Kishida lại chậm tới sáu ngày: tác giả đã đợi ngoại trưởng Nhật xong xuôi cuộc công du, kết thúc ở Việt Nam, để tỏ thái độ! Tại sao Bắc Kinh lại nổi đóa, qua ngòi bút của Li? Tại Hà Nội, ông Kishida đã cùng ông Phạm Bình Minh chủ trì phiên họp Ủy ban hợp tác Việt - Nhật lần thứ 8. Trong cuộc họp báo sau đó, hai bên nói đã trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó có tình hình Biển Đông thời gian gần đây và nhất trí rằng các bên liên quan ở Biển Đông cần nỗ lực đảm bảo hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, không có các hành động thay đổi nguyên trạng, gây phức tạp, mở rộng tranh chấp và quân sự hóa trên Biển Đông. Khi cùng trao đổi về “tình hình Biển Đông gần đây”, điều đó có nghĩa là hai bên đã “tâm sự” với nhau những gì đang “đè nén” mình. Khi cùng yêu cầu không “thay đổi nguyên trạng”, tức là đã chỉ rõ “ai” đang thay đổi nguyên trạng. Bắc Kinh bực dọc là phải!■ Tags: Biển Đông
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Tin tức thế giới 23-11: Ông Putin tuyên bố sản xuất thêm tên lửa Oreshnik vì thấy hiệu quả BÌNH AN 23/11/2024 Mỹ hạn chế nhập khẩu thực phẩm, kim loại từ nhiều công ty Trung Quốc; Ukraine cầu cứu xin hệ thống phòng không tốt hơn.
Nghiên cứu chục năm vẫn chưa xong tiến sĩ MINH GIẢNG 23/11/2024 Có nghiên cứu sinh làm chục năm chưa xong tiến sĩ, nhiều người bỏ ngang. Cơ chế hiện nay không khuyến khích giảng viên học tiến sĩ vì quá cực.
Tin tức sáng 23-11: Quốc hội họp bàn về AI; Người Việt đầu tiên giành giải TechWomen 100 TUỔI TRẺ ONLINE 23/11/2024 Một số tin tức đáng chú ý: Quốc hội họp bàn về công nghệ số, phát triển trí tuệ nhân tạo; Người Việt đầu tiên giành giải TechWomen 100; TP.HCM tiêm vắc xin sởi cho trẻ 6 - 9 tháng tuổi...
'Anh cả' công ty chứng khoán bị cơ quan thuế truy thu, xử phạt BÔNG MAI 23/11/2024 Công ty cổ phần chứng khoán SSI vừa báo cáo với cơ quan lãnh đạo thị trường chứng khoán về quyết định liên quan đến Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế).