Những từ "tuyệt vời", "quá tốt"; "không chỗ chê..." cùng nụ cười của người nông dân là thước đo cao nhất cho công tác mà Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu phải thực hiện trên diện rộng này.
Chuyện cánh đồng Gò Quýt
Cánh đồng Gò Quýt nằm lọt thỏm dưới những triền đồi trồng keo. Dù địa thế không mấy thuận lợi, nhưng cánh đồng này bằng phẳng tuyệt đối, các thửa ruộng vuông vức. Những con đường nội đồng lớn đủ cho xe tải di chuyển tạo thành vòng tròn tiếp giáp từng thửa rộng.
Cụ Võ Đình Khai (89 tuổi), nhà ngay cánh đồng kể về thời trồng lúa một vụ, lệ thuộc vào nước trời. "Ngày trước cực lắm, ruộng nhấp nhô nên năng suất rất thấp mà bỏ công nhiều. Gò Quýt mang tiếng là đất lúa, nhưng đa phần bỏ hoang. Giờ nước vô tận ruộng, khoẻ re", cụ Khai nói.
Theo cụ Khai, cuộc đổi thay bắt đầu từ 2019. Lúc đó, xã Bình Chương mời dân họp bàn chuyện dồn điền đổi thửa xứ đồng Gò Quýt. Bà con đi họp trong sự hồ nghi, chẳng ai tin ruộng đồng sẽ bằng phẳng sau cải tạo, thậm chí sau cải tạo sẽ chẳng còn đất thịt để sản xuất.
Hàng loạt câu hỏi được người dân đưa ra chất vấn cán bộ xã lẫn Công ty Vương Thắng. Ông Hà Thanh Vương, giám đốc Công ty Vương Thắng nhớ lại "Dân hỏi đến đâu, tôi giải trình đến đó. Trong quá trình san ủi bà con giám sát, chỗ nào chưa được góp ý, công ty sẽ chỉnh sửa ngay. Quan trọng nhất là lớp đất mặt được giữ nguyên phục vụ canh tác. Chúng tôi chỉ rời đi khi hoàn thành giao ruộng".
Từ chỗ không tin, đến ủng hộ tuyệt đối. Ngày đo đạt, trả ruộng cho bà con sản xuất, ai cũng vui ra mặt. Sướng nhất là hệ thống kênh mương được đấu nối, đưa nước đến từng thửa. Bà Trần Thị Thuyết (61 tuổi) đang phát bờ, dọn cỏ tâm sự "Từ ngày cải tạo xứ đồng Gò Quýt này, bà con làm nhiều vụ, năng xuất cao hơn trước. Khỏe nhất là máy gặt dễ dàng hoạt động, chuyển lúa về nhà không còn khuân vác như trước".
Ông HÀ THANH VƯƠNG
Việc xã hội hóa cải tạo đồng ruộng là chủ trương đúng, doanh nghiệp cũng có lợi khi tận dụng nguồn đất dư thừa. Nhưng quan trọng nhất là bà con tin tưởng, ủng hộ
Mong cải tạo nhiều xứ đồng khác
Thành công từ Gò Quýt khởi đầu cho niềm tin dồn điền đổi thửa ở Bình Chương, người dân lẫn chính quyền đều mong những ruộng đồng nhấp nhô khác ở xã sẽ tiếp tục được chỉnh trang.
Cánh đồng xóm 4 (thôn Ngọc Trì, xã Bình Chương), sau một năm cải tạo hiện đang hoàn tất công đoạn cuối cùng để dồn thửa giao cho dân xuống giống vụ mới.
Dứng bên đồng ruộng, ông Lộ Ngọc Dọi (71 tuổi) nhìn cánh đồng 12 ha bằng phẳng lòng tỏ ra sung sướng. Ông Dọi bảo trước khi cải tạo, cánh đồng này chia đôi. Một bên luôn trong tình trạng thiếu nước, bên còn lại ngập nước triền miên. "Hôm trước, tôi góp ý nên mở rộng những điểm cua để xe dễ di chuyển. Vậy là họ làm ngay. Công ty biết lắng nghe. Làm như vậy bà con ủng hộ tuyệt đối", ông Dọi tâm tình.
Nói về việc chỉnh trang ruộng đồng ở địa phương, ông Phạm Thanh Hải, chủ tịch UBND xã Bình Chương, khẳng định bà con ủng hộ 100%. "Xã Bình Chương luôn ủng hộ những doanh nghiệp cải tạo ruộng đồng có tâm. Bởi chủ trương đúng mà người làm sai sẽ ảnh hưởng đến cái chung. Nhất là hướng đến sản xuất cánh đồng mẫu lớn sau cải tạo", ông Hải nói.
Chủ trương đúng, người làm đúng
"Việc cải tạo đồng ruộng, dồn điền đổi thửa là chủ trương đúng đắn để tiến đến ngành nông nghiệp sản xuất qua mô lớn, dần xóa bỏ sản xuất nhỏ lẻ. Có những đơn vị xã hội hóa nhiệm vụ này làm đúng quy định của pháp luật, hợp lòng dân như công ty Vương Thắng, huyện rất ủng hộ.
Sắp đến, huyện sẽ tổng hợp những cánh đồng không bằng phẳng, lấy ý kiến của người dân việc cải tạo, dồn điền đổi thửa, nếu người dân có nhu cầu, UBND huyện sẽ tiếp tục thực hiện công tác này. Chủ trương đã đúng, chỉ cần người làm đúng là sẽ mang lại hiệu quả cao nhất", ông Ung Đình Hiền - phó chủ tịch UBND huyện Bình Sơn nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận