Thủ đô Bangkok của Thái Lan chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35 - Ảnh: Reuters
Câu chuyện Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) là những trọng tâm, chờ giá trị cốt lõi của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thể hiện.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35, tổ chức tại Bangkok (Thái Lan) từ ngày 2 tới 4-11.
Hoài nghi cam kết của Mỹ
Là loạt hội nghị quan trọng cuối cùng trong nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên ASEAN của Thái Lan, sự kiện ở Bangkok năm nay sớm gặp "trục trặc" khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó tổng thống Mike Pence không tham gia.
Thay vào đó, ông Trump cắt cử Cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien, người không có trong nội các của mình, và Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross đến Bangkok.
Truyền thông Mỹ nhìn nhận đây là động thái "hạ cấp" mức độ quan tâm của Washington đối với sự kiện lớn này, vốn có thể gây thất vọng cho các đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực.
Hãng tin AP dẫn lời nhà phân tích chính trị tại Philippines Richard Heydarian nói: "Tổng thống Trump đang đối phó với hàng loạt khó khăn chính trị trong nước và điều đó cũng gây lo ngại cho sự ủng hộ và cam kết của Mỹ đối với khu vực này".
Theo ông Heydarian, sự vắng mặt của ông Trump "giúp Trung Quốc lột tả hình ảnh của Mỹ như một thế lực không đáng tin cậy trong khu vực", đồng thời xây dựng một trật tự "trọng tâm Trung Quốc" hơn ở nơi đây.
Không khó hiểu khi việc ông Trump vắng bóng ở Thái Lan lại thu hút sự quan tâm đặc biệt trước thềm hội nghị năm nay. Thương mại chỉ là một phần trong cuộc cạnh tranh sức ảnh hưởng trên diện rộng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Nó đã góp phần lớn định hình một số chính sách tại những khu vực khác trong đó có châu Á - Thái Bình Dương, hay Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương theo mô hình của Mỹ. Vì vậy một động tác "hạ cấp" quan tâm như vậy sẽ khiến giới quan sát phải lật lại những dự đoán trước đó về bức tranh địa kinh tế và địa chính trị khu vực.
Việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP, nay là CPTPP) đại diện cho thái độ không cam kết đối với thương mại tự do đa phương. Nó khiến các nước liên quan tới Hội nghị cấp cao ASEAN năm nay càng có xu hướng tìm thêm giải pháp thay thế, mà cụ thể là RCEP.
RCEP chính là một trong những trọng tâm của Hội nghị cấp cao ASEAN năm nay. Mỹ vốn không tham gia RCEP, và sự vắng mặt của những nhân vật chóp bu ở Nhà Trắng càng gợi cảm giác Trung Quốc đang "thắng" thì các nước sẽ theo đuổi sáng kiến do Bắc Kinh dẫn đầu này.
Trước đó trong ngày 31-10, các bộ trưởng, trưởng đoàn phụ trách Cộng đồng kinh tế ASEAN của 10 nước thành viên được cho là đã lạc quan về triển vọng RCEP sau khi kết thúc Hội nghị hội đồng Cộng đồng kinh tế ASEAN (AECC) lần thứ 18.
Hôm 1-11, các bên tiếp tục đàm phán để thống nhất một số vấn đề còn lại, trong đó có sự do dự của Ấn Độ. Báo Economic Times của Ấn Độ ngày 1-11 thẳng thắn nhìn nhận RCEP biến thành một biểu tượng chính trị, trong đó Ấn Độ được xem là thế lực cân bằng trong hiệp định gồm 16 thành viên này (ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Úc và Ấn Độ).
Chờ ASEAN củng cố giá trị
Vấn đề thứ hai phủ bóng Hội nghị cấp cao ASEAN 35 là Biển Đông và COC. Sự kiện diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc vừa có hàng loạt hoạt động vi phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam, vốn cũng kéo theo những bất đồng khiến đàm phán COC chưa có tiến triển.
Việc Mỹ không có sự góp mặt của đại diện cấp cao nhất có thể gây thất vọng, nhưng nó cũng là liều thuốc thử cần thiết cho triết lý của ASEAN.
Các quốc gia Đông Nam Á dù thế nào đi nữa vẫn phải giữ đúng giá trị đoàn kết, tự lực tự cường và đóng vai trò trung tâm trong các sáng kiến định hình khu vực, vốn là những nền tảng đem lại sự thành công cho ASEAN hơn nửa thế kỷ tồn tại.
Đó cũng là tinh thần mà đoàn Việt Nam dưới sự dẫn đầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn truyền tải: thắt chặt và củng cố tinh thần đoàn kết ASEAN, phát huy vai trò trung tâm của hiệp hội, mở rộng và làm sâu sắc quan hệ với các đối tác của ASEAN, kiến tạo môi trường thuận lợi cho phát triển bền vững của từng nước và của cả khu vực; nâng cao hình ảnh Việt Nam tiếp tục đổi mới, tham gia chủ động, tích cực và có trách nhiệm vào các nội dung hợp tác khu vực, từ đó bảo vệ hiệu quả các lợi ích của Việt Nam.
Một chi tiết đáng chú ý là ngay trước thềm diễn ra hội nghị, trợ lý bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương David Stilwell đã kêu gọi ASEAN noi theo gương Việt Nam phản đối hành động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông.
"Đây là sân nhà bạn, đây là khu vực của bạn. Việt Nam đã làm rất tốt trong việc kháng cự. Dựa vào sự đồng lòng của ASEAN, tôi cho rằng nhóm có thể tham gia cùng Việt Nam vào việc chống lại các hành động nhằm gây bất ổn và ảnh hưởng đến an ninh" - ông Stilwell nhấn mạnh.
Cựu ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario, người đi đầu trong vụ Philippines kiện tuyên bố "đường lưỡi bò" của Trung Quốc lên tòa án quốc tế năm 2016, mới đây kêu gọi ASEAN kiên quyết lấy phán quyết của Tòa trọng tài ở The Hague (Hà Lan) làm cốt lõi cho đàm phán COC.
3.000
Hội nghị cấp cao ASEAN năm nay có sự tham gia của hơn 3.000 đại biểu, trong đó có lãnh đạo và đại diện từ 23 nước và 5 tổ chức quốc tế.
17.000 người bảo vệ hội nghị
Chính quyền Thái Lan đã chuẩn bị mức đảm bảo an ninh cao nhất cho các phái đoàn tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN năm nay, với việc triển khai 17.000 viên chức an ninh.
Phát biểu khi thị sát tại đường Witthayu ở Bangkok ngày 1-11, trợ lý cảnh sát trưởng quốc gia Thái Lan Damrongsak Kittiprapas khẳng định "chúng tôi đã sẵn sàng 100%" với những hoạt động kiểm tra an ninh đối với xe cộ và người qua lại quanh khu khách sạn của các phái đoàn Myanmar, Nhật Bản và Liên Hiệp Quốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận