Biển Đông nhìn từ một báo cáo của Quốc hội Mỹ

DANH ĐỨC 09/09/2024 09:29 GMT+7

TTCT - Báo cáo "Tác động của việc Trung Quốc hiện đại hóa hải quân với hải quân Mỹ" đề ngày 16-8-2024 của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ (CRS) đặt ra nhiều vấn đề đáng chú ý về cán cân lực lượng ở Biển Đông và Thái Bình Dương.

Báo cáo cảnh báo Quốc hội Mỹ rằng lần đầu tiên kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc, hải quân Mỹ phải đối mặt với thực tế về một đối thủ xứng tầm trong nỗ lực duy trì quyền kiểm soát Tây Thái Bình Dương.

Biển Đông nhìn từ một báo cáo của Quốc hội Mỹ - Ảnh 1.

Đội tàu Houbei của Trung Quốc. Ảnh: cimsec.org

Báo cáo trên, tuy là của Mỹ, nhưng phản ánh nỗi lo chung: các "đại gia" húc nhau và những tác động phụ nguy hiểm lan sang các nước khác trong khu vực, tỉ như mới nhất là vụ tàu hải cảnh Trung Quốc đâm vô tàu Philippines hôm 31-8.

Dày đặc cảnh báo

Đáng lưu ý, những cảnh báo như vậy gần đây khá dày đặc. Trước đó một ngày, hôm 15-8, CRS phát hành báo cáo "Đài Loan: Các vấn đề quốc phòng và quân sự"; rồi hôm 3-7 là báo cáo "Hoạt động phân bổ hàng hải của hải quân", tất cả đều nhắc nhở về sức mạnh đang tăng tiến mạnh mẽ của Trung Quốc.

Mỹ hiện rất lo lắng nguy cơ hải quân nước họ (USN) bị hải quân Trung Quốc (PLAN) "qua mặt không bóp kèn": 

"PLAN là lực lượng hải quân lớn nhất thế giới với lực lượng chiến đấu gồm hơn 370 tàu chiến lớn mặt nước, tàu ngầm, tàu đổ bộ đại dương, tàu chống mìn, tàu sân bay và tàu phụ trợ của hạm đội... Trong khi đó, tính đến ngày 12-8-2024, USN chỉ gồm 296 tàu chiến và theo dự án ngân sách năm tài chính 2025, dự kiến vào cuối năm tài chính 2030 sẽ chỉ còn 294 tàu chiến" (USNI 20-8).

Vấn đề không chỉ là số lượng tàu chiến các loại, vấn đề còn ở cách thức PLAN hiện đại hóa thế nào, gồm những khí tài gì, nhằm vào những mục tiêu ra sao. 

Theo báo cáo của CRS, PLAN đang hiện đại hóa qua một loạt chương trình mua sắm tàu, máy bay, vũ khí và C4ISR (chỉ huy và kiểm soát, thông tin liên lạc, máy tính, tình báo, giám sát và trinh sát), cũng như cải thiện hậu cần, học thuyết, chất lượng nhân sự, giáo dục và đào tạo, các cuộc tập trận...

Theo báo cáo, tất cả hoạt động đó nhằm mục đích: 

(1) Phát triển năng lực để giải quyết tình hình với Đài Loan bằng quân sự nếu cần; 

(2) Kiểm soát tốt hơn khu vực biển gần Trung Quốc, đặc biệt là Biển Đông

(3) Bảo vệ các tuyến giao thông thương mại trên biển của Trung Quốc, đặc biệt là những tuyến nối Trung Quốc với vịnh Ba Tư; 

(4) Thay thế ảnh hưởng của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương; 

Và (5) khẳng định vị thế của Trung Quốc là cường quốc hàng đầu trong khu vực và cường quốc thế giới. Các mục đích trên phản ánh ý định mở rộng cũng như tranh chấp tầm xa với USN, coi như mục tiêu chủ động.

Ngoài ra, báo cáo của CRS cũng vạch rõ các mục đích nặng tính phòng thủ hơn của PLAN: "PLAN là lực lượng chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2/AD), có thể ngăn chặn sự can thiệp của Mỹ vào một cuộc xung đột ở khu vực gần biển của Trung Quốc, trì hoãn sự xuất hiện hoặc làm giảm hiệu quả của các lực lượng can thiệp của Mỹ".

Biển Đông nhìn từ một báo cáo của Quốc hội Mỹ - Ảnh 2.

Trung Quốc đang nhanh chóng mở rộng lực lượng hải quân. Ảnh: militarywatchmagazine.com

Cuối cùng, báo cáo nêu ra vấn đề năng lực sản xuất: "Điều khiến giới chức quân sự Mỹ và giới quan sát đặc biệt quan ngại là tốc độ đóng tàu của PLAN, thể hiện qua năng lực của ngành đóng tàu Trung Quốc so với Mỹ". 

Đây là bước tiếp nối chính sách quốc phòng năm 2022 của Trung Quốc hướng đến bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của mình, đồng thời nhấn mạnh vai trò toàn cầu lớn hơn của Trung Quốc, dựa trên khái niệm "phòng ngự tích cực".

Theo một báo cáo khác năm 2023 của Bộ Quốc phòng Mỹ tiêu đề "Diễn tiến quân sự và an ninh liên quan đến nước CHND Trung Hoa", giới lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh sự cấp thiết phải củng cố PLA thành quân đội "đẳng cấp thế giới" vào cuối năm 2049 như một yếu tố thiết yếu trong chiến lược đưa Trung Quốc trở thành "quốc gia xã hội chủ nghĩa hiện đại vĩ đại".

Khoái đĩnh Houbei

Giữa mớ chữ nghĩa lý luận của báo cáo, một chi tiết rất cụ thể, ngắn chỉ một dòng, đập vào mắt người đọc "PLAN có số tàu chiến lên đến trên 370 chiếc... Thế nhưng, con số này chưa bao gồm khoảng 60 tàu tuần tra lớp Houbei mang tên lửa hành trình chống hạm". 

Thật kỳ lạ việc Bộ Quốc phòng Mỹ quan ngại vào 60 tàu tuần tra lớp Houbei (Hồng Bại) này, mà theo phân loại quen thuộc mới vào hàng "đĩnh" (tàu nhỏ, tên chính thức Trung Quốc gọi tàu này là "khoái đĩnh 22"), chớ chưa được gọi là "hạm" (tàu lớn). 

Càng kỳ lạ khi PLAN đang ra sức trình diễn tàu sân bay thứ ba, chiếc Phúc Kiến, cũng là tàu sân bay đầu tiên được chế tạo và phát triển hoàn toàn trong nước, với boong phẳng và thẳng, trang bị hệ thống phóng và hãm máy bay điện từ, có lượng choán nước lên đến 80.000 tấn, chớ không là tàu sân bay "đồ cổ" thời Liên Xô cũ như chiếc Liêu Ninh nữa.

Tại sao báo cáo CRS lại nêu đích danh Houbei thay vì Phúc Kiến? Trong bài viết đăng trên USNI, hạm trưởng hồi hưu John Patch đã gọi Houbei là "tàu chiến thuần chủng" và đánh giá cho dù tương đối nhỏ, nó "tốc độ, có khả năng tàng hình và gây sát thương lớn... là đại diện cho câu chuyện thành công tiềm năng về triển khai tàu chiến nhỏ. Houbei có sức mạnh chết chóc dưới dạng tên lửa hành trình chống hạm tầm xa (ASCM) thế hệ thứ tư của Trung Quốc".

Cụ thể hơn, Houbei là loại tàu chuyên tấn công chớp nhoáng bằng tên lửa, trọng tải choán nước 225 tấn, dài 42,6m, có cấu tạo kiểu hai thân xuyên sóng và khả năng tàng hình, xuất xưởng lần đầu vào tháng 4-2004. 

Thủy thủ đoàn tuy chỉ gồm 12 người nhưng làm chủ kho vũ khí gồm 8 tên lửa chống hạm C-801/802/803; 8 tên lửa hành trình tấn công đất liền tầm xa Hongniao-2 (Hồng Điểu); hệ thống phóng tên lửa đối không FLS-1 với 12 tên lửa phòng không xách tay lớp QW; và 1 pháo hải quân 6 nòng loại 30mm KBP AO-18.

Tác giả báo cáo nêu thí dụ các nhóm tấn công của Mỹ áp sát khu vực, song các tàu Houbei, nhờ khả năng tàng hình và tốc độ cao, được PLAN bố trí phân tán, phối hợp, cách bờ biển Trung Quốc hàng trăm dặm, bất ngờ tấn công vào tàu chiến Mỹ bằng một loạt tên lửa chống hạm siêu thanh từ nhiều hướng. 

Báo cáo kết luận: "Quyết định của Bắc Kinh trong sản xuất số lượng lớn tàu Houbei có thể phản ánh logic rằng tàu chiến nhỏ, rẻ, nhiệm vụ đơn lẻ có thể là hệ thống vũ khí quyết định một khi được sử dụng tập thể".

Đây cũng là xu thế mà năm 2012, tại Diễn đàn Tàu tuần duyên châu Á - Thái Bình Dương, người viết đã được nghe đề cập rất nhiều. Với tàu Houbei, vấn đề then chốt là ở tên lửa ASCM. 

8 tên lửa ASCM YJ-83 (C803) trên tàu sử dụng hệ thống nhắm vượt đường chân trời cải tiến, có tốc độ đầu cuối khoảng Mach 1,5 và tầm bắn 180 - 250km. Trong những điều kiện đó, chiếc Houbei nhỏ gọn không chỉ đơn thuần là tàu nhỏ ven biển có chức năng phòng thủ nữa.

Biển Đông nhìn từ một báo cáo của Quốc hội Mỹ - Ảnh 3.

Tàu sân bay Phúc Kiến. Ảnh: Air Data News

Chiến lược hải cảnh

Cũng theo báo cáo, Lực lượng hải cảnh Trung quốc (CCG) tiếp tục mở rộng và hiện đại hóa, trở thành đội tàu thực thi pháp luật hàng hải lớn nhất thế giới. Các tàu CCG mới, lớn và có năng lực tốt hơn tàu cũ, cho phép chúng hoạt động xa bờ và ở lại đồn trú lâu hơn. 

Dù không có số liệu chính xác, nhưng báo cáo nguồn mở cho thấy CCG có hơn 150 tàu tuần tra khu vực và trên biển trọng tải hơn 1.000 tấn, gồm hơn 20 tàu hộ tống được chuyển giao từ PLAN, được cải tiến để phục vụ cho hoạt động của CCG. 

Tàu CCG mới cũng được trang bị bãi đáp trực thăng, vòi rồng công suất lớn, và năng lực đánh chặn với súng cỡ nòng 20 - 76mm. Ngoài ra, ước tính cập nhật cho thấy CCG còn vận hành hơn 50 tàu tuần tra trọng tải trên 500 tấn, có thể được sử dụng cho hoạt động ngoài khơi hạn chế, và 300 tàu tuần tra ven biển trọng tải dưới 500 tấn nữa.

Một lớp tàu đáng chú ý khác của Trung Quốc là khinh hạm hạng nhẹ (FFL) Jiangdao (Giang Đảo, tức Type 056), lượng giãn nước 1.300 - 1.500 tấn, trang bị sonar mảng kéo để tăng cường năng lực chống ngầm.

Tàu Type 056 được đóng cấp tập tại bốn xưởng. Chiếc đầu tiên được đưa vào sử dụng năm 2013 và chiếc thứ 72, cũng là chiếc cuối cùng, là năm 2021, tức trung bình khoảng 8 tàu mỗi năm. Như vậy, riêng tàu Type 056 đã chiếm một phần đáng kể mức tăng tổng số tàu của PLAN kể từ năm 2013.

Việc Trung Quốc nay sử dụng CCG làm mũi nhọn chính trong va chạm trên biển với các nước khác, như trường hợp với Philippines thời gian qua, cũng đã được dự báo. 

Báo cáo năm 2023 đã dẫn ở trên của Bộ Quốc phòng Mỹ nêu rõ hoạt động của CCG làm nổi bật tiêu chuẩn kép của Trung Quốc trong giải thích luật pháp quốc tế. 

Ngoài ra, các tàu khảo sát của Trung Quốc cũng hoạt động tích cực ở Biển Đông và thường xuyên đi vào vùng đặc quyền kinh tế các quốc gia khác trong khu vực. ■

Vụ va chạm với tàu Philippines ngày 31-8 không phải lần đầu tiên PLAN và CCG gây sóng gió trong khu vực. Ngày 25-8, tàu hải cảnh Trung Quốc đã sử dụng vòi rồng với một tàu Philippines khác. Rồi hôm 9-8, tàu khu trục Huangshan (Hoàng Sơn, số hiệu 570) của PLAN đã bám theo khinh hạm HMCS Montréal của Canada ở Biển Đông (USNI 19-8).

Cũng bản tin đó nhận xét: "PLAN thường xuyên bám đuôi các tàu quân sự phương Tây (ở Biển Đông). Tàu khu trục của Canada không là ngoại lệ. Trong hai ngày tàu khu trục thực hiện chuyến đi qua Trường Sa, PLAN luôn để mắt đến chiếc Montréal".

Montréal là khinh hạm chống ngầm nặng 4.700 tấn, với thủy thủ đoàn khoảng 230 thủy thủ và gần 20 phi công của không quân hoàng gia Canada. USNI trích lời hạm trưởng tàu này: "Chúng tôi nhận ra tàu Trung Quốc - tất cả tàu hải quân và tàu tuần duyên của họ - và cố gắng tránh xa họ tối thiểu 2 dặm".

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận