Trung Quốc đang quân sự hóa các đảo nhân tạo trên Biển Đông - Ảnh: CSIS |
Ngày 25-9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên đến Mỹ. Chuyến thăm của ông Tập được dự đoán sẽ căng thẳng khi giữa hai cường quốc đang tồn tại nhiều bất đồng như gián điệp mạng, việc thao túng tiền tệ của Trung Quốc và cán cân thương mại mất cân bằng.
Tuy nhiên sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh đã xây dựng hơn 1.215ha đảo nhân tạo trong 16 tháng qua, sẽ là điểm nóng lớn nhất.
Thời gian gần đây, Trung Quốc đã có ba hành động làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Thứ nhất, ngày 5-8 Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố nước này sẽ dừng cải tạo đất nhưng tiếp tục xây dựng cơ sở trên các đảo.
Nhưng các bức ảnh vệ tinh mới nhất cho thấy Bắc Kinh vẫn tiếp tục cải tạo đất. Điều đó cho thấy Trung Quốc lại nói một đằng làm một nẻo. Bắc Kinh cũng không nói rõ có tiếp tục xây dựng đảo mới trong tương lai hay không.
Liệu có ai dám tin Trung Quốc sẽ không tiếp tục “đào xới” Biển Đông trong tương lai?
Thứ hai, có bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang xây dựng đường băng thứ ba ở quần đảo Trường Sa. Đường băng này dài 3km và có khả năng tiếp nhận tất cả máy bay quân sự của Trung Quốc. Cùng với sân bay được nới rộng ở Hoàng Sa, Trung Quốc đang tiến dần tới việc kiểm soát hàng không khắp Biển Đông, một bước đi của Bắc Kinh để thực thi yêu sách chủ quyền.
Thứ ba, các đảo nhân tạo của Trung Quốc được dùng để phục vụ mục đích quân sự. Trung Quốc tuyên bố những công trình đảo nhân tạo này chỉ phục vụ các ngành hàng hải, khí tượng thủy văn và an toàn hàng hải, tuy nhiên đây chỉ là những chức năng thứ yếu. Thay vì hỗ trợ các tàu và thủy thủ bị mắc cạn, Bắc Kinh dùng các căn cứ quân sự mới này để đẩy ngư dân Việt ra xa.
Quan trọng hơn, những căn cứ quân sự này còn có vai trò giúp sức lực lượng hải quân, hải cảnh và đội tàu đánh cá của Trung Quốc trong việc thực thi yêu sách chủ quyền 365 ngày/năm. Không có cách nào tuyên bố chủ quyền tốt hơn là từ chối cho các nước khác quyền tiếp cận những vùng biển tranh chấp.
Trong trường hợp này, chủ nghĩa quân sự của Trung Quốc đội lốt chủ nghĩa nhân đạo.
Sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông mang đến “một cơn đau đầu khác” cho Tổng thống Obama, trong khi ông chủ Nhà Trắng đang bận rộn giải quyết các mối bận tâm toàn cầu khác.
Giới quan sát cho rằng Bắc Kinh sẽ chỉ thật sự nhượng bộ khi vấp phải phản ứng mạnh và lập trường cứng rắn từ nước khác, trong đó có Mỹ.
Việc các nước nhượng bộ những hành vi sai trái của Bắc Kinh chỉ khuyến khích thêm sự hung hăng của nước này. Đến nay, chính quyền Obama chưa triển khai tàu hải quân đi vào vùng 12 hải lý của các đảo nhân tạo vì không muốn làm gia tăng căng thẳng.
Nhưng điều đó sẽ tạo ra tiền lệ nguy hiểm cho phép Trung Quốc “tự giải thích luật quốc tế” theo cách của mình. Bởi các đảo nhân tạo của Trung Quốc không được tính có vùng đặc quyền kinh tế và vùng lãnh hải, chiếu theo luật pháp quốc tế.
Những mối quan tâm về lợi ích kinh tế và các lĩnh vực hợp tác song phương khác sẽ khiến chính quyền ông Obama không muốn làm căng quá với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, bất chấp những lời kêu gọi phản đối Trung Quốc gần đây từ Quốc hội Mỹ, tư lệnh Bộ tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ (PACOM) - đô đốc Harry Harris, Bộ Quốc phòng, các đồng minh và đối tác như Philippines và Việt Nam.
Ai cũng biết Trung Quốc có mưu đồ chiếm Biển Đông. Vấn đề cấp bách đối với an ninh khu vực hiện nay là ngăn chặn nguy cơ này. Mỹ, Nhật, Việt Nam và các quốc gia khác phải có trách nhiệm phản đối Trung Quốc để bảo đảm tự do hàng hải và hàng không.
Tổng thống Obama phải tiếp tục giữ lập trường cứng rắn trong cuộc gặp thượng đỉnh với Chủ tịch Tập Cận Bình. Nếu không làm được như vậy, tình hình an ninh khu vực sẽ bị đe dọa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận