13/07/2024 07:52 GMT+7

Biển Đông không yên bình sau phán quyết

NGHI VŨ
và 1 tác giả khác

Đã tám năm trôi qua kể từ phán quyết ngày 12-7-2016 của Hội đồng trọng tài thành lập theo phụ lục VII của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, điều Biển Đông lo sợ lúc này là nguy cơ đụng độ vũ trang.

Tàu Philippines cạnh tàu hải cảnh Trung Quốc ở Biển Đông hồi tháng 3-2024 - Ảnh: Reuters

Tàu Philippines cạnh tàu hải cảnh Trung Quốc ở Biển Đông hồi tháng 3-2024 - Ảnh: Reuters

Ngày 12-7, Philippines tuyên bố nước này sẽ "giữ vững lập trường" trong tranh chấp tại Biển Đông với Trung Quốc. Phát biểu này được đưa ra giữa thời điểm kỷ niệm tám năm phán quyết Biển Đông, và trùng với các biểu hiện đáng lo trên thực địa.

Philippines "tri hô", Trung Quốc ngó lơ

Phán quyết năm 2016 nhấn mạnh Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để yêu cầu quyền lịch sử đối với các nguồn tài nguyên vượt quá các quyền UNCLOS quy định. Đây được cho là một diễn biến có lợi cho Philippines, song mọi thứ dần có nguy cơ trở nên vô nghĩa khi Trung Quốc ngó lơ và không từ bỏ yêu sách ở Biển Đông.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục giữ vững lập trường và đẩy lùi sự chèn ép, can thiệp, tác động ác ý, cùng nhiều chiến thuật khác nhằm hủy hoại an ninh và ổn định của chúng tôi" - ông Eduardo Ano, cố vấn an ninh quốc gia Philippines, phát biểu nhân kỷ niệm phán quyết.

Thông thường tháng 7 là lúc Philippines tích cực tuyên truyền để nhắc nhở cộng đồng quốc tế về yếu tố pháp lý ở Biển Đông. Nhưng ít nhất trong 18 tháng qua, Manila có dấu hiệu liên tục "hâm nóng" dư luận thông qua hàng loạt cáo buộc về hành động của Bắc Kinh, cũng như cởi mở hơn với báo chí thế giới, mời phóng viên theo tàu ghi nhận tình hình thực tế.

Trong bối cảnh tranh chấp leo thang, gần đây Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr và nhiều quan chức nước này đã tuyên bố cứng sẽ bảo vệ lợi ích của mình tại Biển Đông. Tình hình không nhiều chuyển biến tích cực kể từ phán quyết nêu trên.

Mới đây vào ngày 17-6, bãi Cỏ Mây ở Biển Đông tiếp tục chứng kiến một vụ đụng độ giữa Philippines và hải cảnh Trung Quốc.

Nằm trong khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bãi Cỏ Mây nằm cách đảo Palawan của Philippines khoảng 200km và cách đảo Hải Nam của Trung Quốc hơn 1.000km. Kể từ năm 1999, Philippines giữ và thường xuyên tiếp tế cho tàu BRP Sierra Madre. Đây thực tế là một xác tàu Philippines cố tình giữ lại như một cách "khẳng định chủ quyền".

Trong khi đó Trung Quốc lại khẳng định tàu tiếp tế Philippines "xâm nhập trái phép" vào vùng biển gần bãi Cỏ Mây, và lực lượng Trung Quốc đã thực hiện "biện pháp kiểm soát theo luật" với tàu Philippines.

Đấu tranh và hợp tác

Bất chấp các quốc gia liên quan liên tục kêu gọi các bên kiềm chế và hành xử phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, và thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Trung Quốc cho đến nay vẫn không từ bỏ việc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông.

Giới quan sát nhận định Bắc Kinh vẫn duy trì những hoạt động theo "chiến thuật vùng xám", tức khiêu khích, quấy rối nhưng được giữ cường độ dưới ngưỡng xung đột vũ trang. Đây là cách để Trung Quốc tiếp tục gây sức ép "vừa đủ" để âm thầm tiến bước trong tham vọng ở Biển Đông.

Đến nay một số chuyên gia cho rằng việc công khai hoạt động của Trung Quốc như cách Philippines đang làm có thể là bước đầu tiên để ứng phó "chiến thuật vùng xám" nêu trên.

"Phải rõ ràng, thông qua việc lên tiếng một cách công khai, rằng kiểu hành vi này không được hoan nghênh... Điều này sẽ có ảnh hưởng đến các toan tính của Trung Quốc" - ông Herve Lemahieu, giám đốc nghiên cứu tại Viện Lowy (Úc), nhận định với Tuổi Trẻ về "chiến thuật vùng xám" của Trung Quốc.

Hiện nay xét sức mạnh kinh tế của Trung Quốc, nhiều bên đã lựa chọn cách tiếp cận thận trọng và rạch ròi. Họ vẫn sẵn sàng hợp tác kinh tế với Trung Quốc, nhưng cứng rắn trước những khác biệt trong quan điểm về an ninh.

Nói như ông Ano ngày 12-7, Philippines "không muốn chiến tranh", và lưu ý đang có những nỗ lực giảm căng thẳng tại Biển Đông, tuyến đường biển có ý nghĩa quan trọng về giao thương và tài nguyên. "Chúng tôi cam kết giải quyết và quản lý các vấn đề khó khăn dựa trên đối thoại và ngoại giao", ông Ano nhắc lại quan điểm "cam kết vì hòa bình" của Manila.

Trong bối cảnh tranh giành ảnh hưởng tại khu vực giữa hai siêu cường Mỹ - Trung, Philippines cũng khẳng định nước này sẽ sử dụng mọi phương án khả thi để giải quyết tình hình trước khi chấp nhận yêu cầu giúp đỡ (từ Mỹ và đối tác).

Washington trong thời gian gần đây lên tiếng ủng hộ Philippines và chỉ trích Trung Quốc ở Biển Đông. Nhưng theo ông Lemahieu, sẽ không thực tế nếu nhận định những gì đang diễn ra tại Biển Đông là một cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc. Trao đổi với Tuổi Trẻ, chuyên gia của Viện Lowy cho rằng Biển Đông chứa đựng căng thẳng giữa các nước Đông Nam Á với Trung Quốc.

"Tôi nghĩ bài học mà Úc đã học được trong nhiều năm qua với Trung Quốc là bạn vẫn có thể có mối quan hệ hợp tác ổn định, chuyên nghiệp và cam kết cao với Bắc Kinh, trong lúc có những thảo luận xung quanh nhiều vấn đề vướng mắc", ông nói thêm.

12

Theo dữ liệu tổng hợp của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), tính từ tháng 2-2023, Philippines đã ít nhất 12 lần cáo buộc Trung Quốc có hành vi thiếu an toàn ở Biển Đông.

Trung Quốc lên tiếng về tàu sân bay Sơn Đông

Ngày 12-7, Bộ Quốc phòng Trung Quốc khẳng định hoạt động huấn luyện tác chiến của tàu sân bay Sơn Đông vừa qua là hoạt động thường niên, và nhấn mạnh hải quân nước này sẽ tiến hành các cuộc tập trận tương tự thường xuyên để cải thiện khả năng chiến đấu của nhóm tác chiến tàu sân bay trên.

Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói các cuộc tập trận này không chứa bất kỳ mục tiêu cụ thể nào.

Trước đó ngày 10-7, Cơ quan phòng vệ Đài Loan cho biết tàu Sơn Đông đã đi qua gần miền bắc Philippines, trong khi đang trên đường tới tham gia tập trận ở Thái Bình Dương.

Philippines tuyên bố với Trung Quốc: Sẽ "không ngừng nghỉ" bảo vệ lợi ích ở Biển ĐôngPhilippines tuyên bố với Trung Quốc: Sẽ 'không ngừng nghỉ' bảo vệ lợi ích ở Biển Đông

Bộ Ngoại giao Philippines khẳng định với Trung Quốc rằng nước này sẽ không ngừng nghỉ trong việc bảo vệ lợi ích và duy trì chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán ở Biển Đông.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên