Các giàn khoan di động của Trung Quốc nhiều lần xâm phạm EEZ của Việt Nam - Ảnh: REUTERS
Trong giai đoạn từ đầu tháng 7 tới nay, Trung Quốc đã khiến căng thẳng Biển Đông leo thang sau khi liên tục đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương địa chất 8 (Hải Dương 8) vi phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam.
Hành động của Trung Quốc chịu sự lên án rộng khắp từ cộng đồng quốc tế. Và bên cạnh vấn đề chủ quyền, câu chuyện về dầu khí đang là chủ đề nổi bật. Trong một tuyên bố đưa ra vào tháng 8, Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định Trung Quốc có "sự can thiệp mang tính áp bức đối với những hoạt động khai thác dầu khí lâu dài của Việt Nam ở Biển Đông" trong EEZ của Việt Nam.
Điểm nóng
Từ nhiều năm nay, giới quan sát đã chú ý đến các hoạt động bồi đắp phi pháp của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, cũng là điểm nóng tranh chấp. Bắc Kinh đã tự vẽ ra một khu vực tuyên bố chủ quyền chín đoạn, thường được đề cập là "tuyên bố chủ quyền đường lưỡi bò".
Những động thái này không nhằm mục đích gì khác ngoài mong muốn chiếm trọn Biển Đông. Nhưng Biển Đông, ngoài việc là tuyến đường hàng hải quan trọng đối với kinh tế Trung Quốc, cũng mang giá trị tài nguyên rất đáng kể, đặc biệt là dầu mỏ và khí thiên nhiên. Điều này giải thích tại sao Trung Quốc liên tục gửi tàu thăm dò và giàn khoan tới Biển Đông.
Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) ước tính Biển Đông hiện có trữ lượng khoảng 11 tỉ thùng dầu và 190.000 tỉ foot khối khí đốt (hơn 5.300 tỉ m3). Trong khi đó, Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) đưa ra con số cao hơn, tầm 125 tỉ thùng và 500.000 tỉ foot khối. Dù đến nay phần lớn tài nguyên năng lượng ở Biển Đông vẫn chưa được khai thác, tiềm năng về dầu khí ở khu vực này vẫn được các nước đánh giá cao, đặc biệt khi dầu mỏ đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế các nước liên quan.
Khai thác và xuất khẩu dầu khí đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của các nước xung quanh Biển Đông như Việt Nam, Malaysia, Philippines hay Brunei.
Lấy ví dụ, dữ liệu cập nhật vào tháng 11-2018 của Chính phủ Úc cho biết Malaysia là nhà xuất khẩu khí hóa lỏng lớn thứ ba thế giới, sau Qatar và Úc, và là nhà sản xuất dầu khí lớn thứ hai tại khu vực Đông Nam Á. Sản xuất dầu khí đóng góp 25-40% kim ngạch xuất khẩu và chiếm hơn 25% thu ngân sách của chính phủ nước này.
Bản đồ của Sáng kiến Minh bạch hàng hải (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS, Mỹ) cho thấy Malaysia là nước có số lượng lô dầu khí thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu trong số các quốc gia quanh Biển Đông, cùng Trung Quốc và Việt Nam. Malaysia hiện cũng có trên dưới 40 giàn khoan hoạt động, chủ yếu ở vùng Biển Đông.
Có thể thấy đa số các bên tranh chấp đều tuyên bố chủ quyền và tiến hành khai thác chủ yếu dọc theo và dính liền với bờ biển của mình. Sự xuất hiện của Trung Quốc ở Trường Sa lọt thỏm vào trung tâm tranh chấp là yếu tố thường xuyên gây căng thẳng.
Trong thời gian qua, Trung Quốc đã nhiều lần tìm cách can thiệp và ngăn cản các hoạt động khai thác của Malaysia và Việt Nam. Xét những diễn biến đã qua, có thể thấy đây là những hành động nằm trên "lộ trình" của Trung Quốc trong việc gây áp lực lên các hoạt động khai thác dầu khí của nước khác trong khu vực. Báo chí quốc tế vì vậy đã ví von Biển Đông có thể trở thành một "vùng Vịnh thứ hai", với trữ lượng dầu khí lớn kèm theo nguy cơ xung đột cao.
Lưu lượng dầu mỏ xuất nhập khẩu đi qua Biển Đông tới các nước, vùng lãnh thổ trong khu vực - Ảnh: oilandgas360.com
Dấu hỏi về động cơ
Để củng cố sức mạnh phục vụ thái độ quyết đoán ở Biển Đông, Trung Quốc tích cực triển khai các hoạt động bồi đắp và quân sự hóa phi pháp ở Biển Đông.
Giới quan sát cho rằng Trung Quốc đã xây dựng năng lực đáng kể về mặt quân sự để thay đổi hiện trạng Biển Đông, tạo điều kiện hỗ trợ các hành động khác như thăm dò, khai thác tài nguyên và độc chiếm các vùng biển.
Điều này được thể hiện qua việc song song với hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ quân sự, các giàn khoan và tàu thăm dò Trung Quốc xuất hiện với tần suất nhiều hơn, trắng trợn hơn ở những vùng biển tranh chấp, thậm chí cả EEZ và thềm lục địa nước khác như đã nêu.
Sự có mặt của các giàn khoan như Hải Dương 981, cũng như việc phát triển giàn Hải Dương 982 hiện đại hơn, là cách Trung Quốc áp đặt sự hiện diện, hay nói cách khác thách thức chủ quyền của nước khác.
Thứ hai, Trung Quốc thông qua các hành động cản trở việc thăm dò và khai thác dầu khí của các nước khác cũng thể hiện ý đồ hoặc độc chiếm các vùng khai thác, hoặc ít nhất buộc các nước trong ASEAN phải chấp nhận cho các công ty Trung Quốc khai thác chung, đơn cử là Philippines.
Thứ ba, đồng bộ với hai điểm trên là việc đưa các điều khoản ngăn cấm sự hiện diện của "các nước bên ngoài khu vực". Thái độ này liên quan chặt chẽ với việc tới khai thác tài nguyên. Việc xua đuổi hoặc tạo áp lực lên công ty nước ngoài thuộc các quốc gia không có tranh chấp ở Biển Đông nhưng hợp tác cùng khai thác với các nước trong khu vực cũng là cách Trung Quốc giải tỏa một lúc hai thứ: giành miếng bánh tài nguyên và gây áp lực chính trị.
Tờ Hoàn Cầu Thời Báo tuần này cũng nhấn nhá ý định trên của Trung Quốc, thông qua việc nhận xét rằng Mỹ có thể tranh thủ lý do để hiện diện ở Biển Đông bằng cách thúc đẩy hợp tác khai thác tài nguyên với các nước có tranh chấp.
Vấn đề thêm phức tạp đặt trong bối cảnh dầu mỏ là nguồn tài nguyên tối cần thiết cho một nền kinh tế đang tiếp tục tăng trưởng nhanh và mở rộng về quy mô như Trung Quốc. Theo AMTI, tiêu thụ dầu của Trung Quốc năm 2018 khoảng 12 triệu thùng/ngày, tức 4,38 tỉ thùng/năm, một nhu cầu càng hối thúc hơn nữa Bắc Kinh tìm cách độc chiếm Biển Đông.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Cuối Tuần, ông William Church, giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu xung đột năng lượng mới, nhận xét: "Trung Quốc đang cố gắng phát triển mà không gây áp lực lên nhu cầu năng lượng…, nhu cầu năng lượng của nền kinh tế nước này chỉ tăng trưởng từ 3% lên 3,4%, không tệ so với một quốc gia có tăng trưởng kinh tế chỉ trên 6% hiện nay. Họ đang dẫn đầu trong nhóm các quốc gia nghiên cứu phát triển năng lượng mặt trời, hydro và cả xe điện nữa".
Tuy nhiên, trong khi truyền thông Trung Quốc thường xuyên nhắc tới cụm từ "vùng Vịnh thứ hai" ở Biển Đông, giới quan sát từ lâu đã hoài nghi về giá trị dầu khí ở khu vực. Ông Mikkal E. Herberg, giám đốc nghiên cứu của chương trình an ninh năng lượng thuộc Cục Nghiên cứu năng lượng quốc gia Mỹ (NBR), năm 2016 đã lưu ý lượng dầu khí ở Biển Đông không đủ lớn để thay đổi "sự phụ thuộc đáng kể của châu Á vào dầu khí nhập khẩu từ bên ngoài khu vực".
Nhưng Biển Đông quan trọng không chỉ với vai trò nguồn cung cấp năng lượng, mà còn bởi nó là tuyến hàng hải huyết mạch cho việc nhập khẩu dầu khí mà Herberg nói đến. Liên Hiệp Quốc ước tính Biển Đông là tuyến đường của 1/3 tổng số các lô hàng vận chuyển đường biển toàn cầu.
Biển Đông cũng là tuyến hàng hải huyết mạch của Trung Quốc về kinh tế, trong đó eo biển Malacca - nằm giữa bán đảo Mã Lai (Malaysia) và đảo Sumatra (Indonesia) - là tuyến đường quan trọng nối các đợt chuyển hàng và dầu mỏ từ Trung Đông sang Trung Quốc cũng như các nước khác trong khu vực.
Đây cũng là một nhược điểm của Trung Quốc về mặt địa lý khi xung quanh bị bao bọc, đặc biệt trong trường hợp căng thẳng với Mỹ leo thang tối đa. Một báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ trình Quốc hội năm 2015 đã điểm những "điểm nghẽn" của Trung Quốc mà Mỹ có thể khai thác cho những lệnh cấm vận tiềm năng.
Nói cách khác, cũng trùng với quan điểm trong sáng kiến Vành đai - con đường, kinh tế Trung Quốc cần phải được đảm bảo thông qua cơ sở hạ tầng và điều kiện an ninh trên hai tuyến đường vận chuyển cả trên biển lẫn đất liền. Biển Đông có giá trị với Trung Quốc ở đó không kém với vai trò một nguồn cung cấp tài nguyên.
Ngoại giao dầu khí
Giá trị của dầu khí vì vậy không đơn thuần về mặt tài nguyên. Khi Trung Quốc dùng dầu khí như cái cớ đẩy các quốc gia khác ra khỏi khu vực, phần còn lại - bao gồm Việt Nam, cũng phải tìm cách cân bằng.
Trong giai đoạn Trung Quốc khiêu khích bằng nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8, Việt Nam đã thể hiện nỗ lực ngoại giao đáng chú ý. Sau Hội nghị ngoại trưởng ASEAN (AMM-52) ở Bangkok, Việt Nam có những buổi tiếp Thủ tướng Úc Scott Morrison và Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad.
Điểm chung lớn nhất của tất cả các sự kiện này, thông qua nội dung và các tuyên bố chung, là sự hiện diện của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982. Việt Nam hành động dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982. Công ước này cũng đóng vai trò quan trọng cho việc cam kết thực hiện Tuyên bố của các bên về ứng xử ở Biển Đông (DOC) cũng như đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Trong các chuyến thăm chính thức đến Việt Nam vừa qua, cả thủ tướng Úc lẫn thủ tướng Malaysia đều nhất trí thúc đẩy hợp tác với Việt Nam, đề cao tầm quan trọng của luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Cũng trong thời gian này, ngoài Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) cũng lên tiếng về tình hình Biển Đông và nhấn mạnh vai trò của UNCLOS.
Trong một động thái khác, ba cường quốc Anh, Pháp và Đức ra một tuyên bố chung riêng biệt với EU đề cập tới UNCLOS. Đi sau nhưng có vai trò quan trọng, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cũng có lập luận tương tự.
Trong bối cảnh Trung Quốc cùng ASEAN nhất trí chốt văn bản duy nhất dùng để đàm phán trong năm nay, việc "chèn" UNCLOS 1982 vào nội dung thảo luận hay không sẽ có ảnh hưởng rất quan trọng tới tương lai Biển Đông.
Câu chuyện hợp tác khai thác dầu khí vì vậy cũng thu hút sự chú ý trong những diễn biến ngoại giao của Việt Nam gần đây. Tại cuộc họp báo chung trong chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Mahathir, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Việt Nam và Malaysia nhất trí ủng hộ Tập đoàn Petronas Oil and Gas của Malaysia và Petro Vietnam mở rộng hợp tác khai thác, sản xuất và cung cấp dầu khí. Petro Vietnam và Petronas Malaysia đã hợp tác từ năm 1991 trong dịch vụ, chế biến và thăm dò dầu khí. Hai bên đang cùng thực hiện 10 dự án chung.
Ngày 28-8, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng có buổi tiếp tổng giám đốc Tập đoàn SOCO International (Vương quốc Anh) Ed Story. Việt Nam cam kết tạo thuận lợi cho tập đoàn Anh mở rộng khai thác dầu khí. Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao việc Tập đoàn SOCO triển khai các công tác tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam thời gian vừa qua.
Theo chiều ngược lại, tổng giám đốc SOCO Story điểm qua chi tiết SOCO đã đầu tư hơn 1 tỉ USD vào lĩnh vực dầu khí Việt Nam trong 19 năm qua. Tập đoàn này thể hiện mong muốn tiếp tục mở rộng hoạt động đầu tư, thăm dò, khai thác và nâng cao sản lượng dầu khí.
Về mặt chính trị, những thỏa thuận hợp tác khai thác dầu khí của Việt Nam là câu trả lời cho những hành động và mục đích của Trung Quốc trong câu chuyện khai thác tài nguyên ở Biển Đông. Và sự hiện diện của UNCLOS cũng nhằm đảm bảo luật pháp quốc tế cần được tôn trọng, để không có chỗ cho hành vi can thiệp, xâm phạm chủ quyền.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận