TTCT - Các nhân viên cứu hộ, phi đội máy bay và tàu tìm kiếm cứu nạn mà Trung Quốc triển khai thường trú ở 3 thực thể nhân tạo tại Trường Sa không nằm ngoài nỗ lực củng cố các yêu sách vô lý của họ trên Biển Đông. Đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng và cải tạo trái phép thành đảo nhân tạo. Ảnh vệ tinh của Công ty Maxar chụp tháng 3-2022Tuần cuối tháng 7, ngay trước mùa bão trên Biển Đông, truyền thông Trung Quốc loan tin một phi đội bay mới cùng các nhân viên điều hành và kiểm soát hàng hải sẽ đồn trú trên đá Chữ Thập, Subi và Vành Khăn nhằm cải thiện khả năng ứng cứu kịp thời các sự cố nhân đạo và thiên tai.Sự hiện diện của họ ở 3 thực thể nhân tạo lớn nhất thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, theo lời Trung Quốc, là minh chứng cho thấy trách nhiệm của nước này với quốc tế. Thế nhưng đó chỉ là một mặt của câu chuyện cung ứng nhân đạo.Hàm ý nguy hiểmChữ Thập, Subi và Vành Khăn - những thực thể bị Trung Quốc chiếm đóng và cải tạo thành đảo nhân tạo - từ lâu đã bị đặt dưới sự chú ý của các vệ tinh và máy bay tuần thám của phương Tây. Trước khi các phi đội máy bay tuần tra cứu nạn cứu hộ xuất hiện, các hệ thống tên lửa phòng không và chống hạm, thiết bị gây nhiễu và laser cùng một cơ số chiến đấu cơ đã được triển khai ở các thực thể này, bất chấp phản đối và lo ngại của cộng đồng quốc tế. Trung Quốc chưa bao giờ công khai thừa nhận việc triển khai các khí tài đến phía nam Biển Đông, nhưng phân tích hình ảnh vệ tinh và không ảnh đã phơi bày tất cả.Còn lần này có hơi khác. Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã giành thế chủ động và đưa tin về sự hiện diện của các phi đội, tàu và nhân viên cứu hộ đồn trú tại các thực thể trên. Nhờ vào đường băng trên các thực thể này, phi đội bay dịch vụ số 2 mới được thành lập trực thuộc Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc sẽ đảm nhận nhiệm vụ cứu hộ mà trước đây thuộc về các máy bay xuất phát từ đại lục hoặc đảo Hải Nam.Theo Tân Hoa xã, trách nhiệm của lực lượng mới này là "thực hiện các nhiệm vụ cứu hộ khẩn cấp trên biển, thực hiện giám sát an toàn giao thông hàng hải và ngăn ngừa ô nhiễm tàu cùng các nhiệm vụ khác trong vùng biển Nam Sa [cách Trung Quốc gọi Trường Sa], đảm bảo bảo vệ vững chắc an toàn hàng hải và các hoạt động sản xuất hằng ngày của ngư dân các nước ven biển".Hãng thông tấn chính thức của Trung Quốc cũng tuyên bố đây là bước đi cụ thể của nước này nhằm cho thấy thiện chí muốn hỗ trợ cộng đồng quốc tế nhiều hơn với tư cách là một nước có trách nhiệm trên thế giới. Trên thực tế, sự mơ hồ của "các nhiệm vụ khác" là điều đáng lo ngại. Những nước ven Biển Đông có quyền đặt câu hỏi liệu những triển khai nhân lực, vật lực mới có đơn giản chỉ vì mục đích nhân đạo trên biển hay sẽ phục vụ cho mục đích chính trị nào khác nữa?Đó là còn chưa kể nhiệm vụ "giám sát an toàn giao thông hàng hải" được nhắc đến. Ở đây có thể hiểu là vai trò phòng ngừa các hành động mất an toàn và gây nguy hiểm, nhưng như thế nào là không an toàn và chủ thể nào có thể thực hiện các hành vi đó thì hiện giờ chỉ do Trung Quốc tự diễn giải."Tôi tin rằng các lực lượng này chỉ nhằm phục vụ cho mục đích chính trị của Trung Quốc và ưu tiên cứu giúp ngư dân Trung Quốc hơn là các nước khác. Bắc Kinh rõ ràng không cần sự thừa nhận pháp lý với các thực thể mà họ đã chiếm đóng trái phép. Điều mà nước này muốn là kiểm soát trên thực tế, biến sự hiện diện thành bình thường mới trong ngắn hạn, còn về dài hạn sẽ tìm mọi cách để mở rộng sự hiện diện hơn nữa" - thạc sĩ Hoàng Việt, giảng viên Đại học Luật TP.HCM, nhận định với Tuổi Trẻ Cuối Tuần về động thái mới của Trung Quốc.Theo ông Việt, việc Trung Quốc triển khai lực lượng cứu hộ cứu nạn thường trực tại các thực thể chiếm đóng ở Trường Sa một mặt nhằm xoa dịu dư luận, mặt khác nằm trong toan tính muốn các nước quen dần với thực tế sự hiện diện của Trung Quốc theo hướng "sự đã rồi và thực trạng mới".Các nước có thể làm gì?"Không có quy định cụ thể nào của luật pháp quốc tế cấm triển khai lực lượng tìm kiếm và cứu nạn trong các vùng lãnh thổ hoặc vùng biển có tranh chấp", giáo sư Nishimoto Kentaro thuộc Đại học Tohoku (Nhật Bản) trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ Cuối Tuần về tính pháp lý của động thái mà Trung Quốc vừa thực hiện. Tuy nhiên, vị chuyên gia về luật biển khẳng định rằng việc Trung Quốc tiếp tục đồn trú trên một số thực thể nhân tạo nằm trong vùng đặc quyền kinh tế nước khác và củng cố sự chiếm đóng là sự coi thường Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 cũng như phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của công ước.Về bản chất, các phi đội và tàu cứu nạn Trung Quốc cũng giống các bệnh viện và hải đăng mà nước này dựng lên bất hợp pháp ở các thực thể nhân tạo tại Trường Sa. Bắc Kinh nói những thứ này vì mục đích nhân đạo quốc tế, nhưng tất cả đều để khoác lên chiếc áo dân sự và nhân đạo cho các thực thể đã bị quân sự hóa hoàn toàn.Trả lời Tuổi Trẻ Cuối Tuần rằng việc tiếp nhận hỗ trợ nhân đạo của Trung Quốc có vô hình trung thừa nhận yêu sách của nước này không, giáo sư Nishimoto cho rằng nếu đã vì mục đích nhân đạo thì không nên tính toán thiệt hơn trong các yêu sách chủ quyền và quyền tài phán. Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) thường chia nhỏ các vùng biển và đề nghị những cơ quan ứng cứu hàng hải gần nhất, có năng lực nhất can thiệp trong trường hợp cần thiết mà không tính đến yếu tố chủ quyền. Tàu bè khi gặp sự cố có thể gửi tín hiệu cầu cứu qua IMO hoặc liên hệ trực tiếp lực lượng gần nhất."Các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn đã thực hiện chỉ có thể được xem như bằng chứng về việc thực thi chủ quyền nếu nó được tiến hành trước khi phát sinh tranh chấp. Tòa Công lý quốc tế đã từng nhắc đến các bằng chứng như vậy khi xem xét tranh chấp lãnh thổ và hàng hải giữa Nicaragua và Colombia. Tuy nhiên, điều này không phù hợp trong bối cảnh Biển Đông vốn là nơi đã có tranh chấp rõ ràng giữa các bên liên quan", ông Nishimoto lưu ý.Tuy nhiên với những gì đã xảy ra trong quá khứ, không loại trừ khả năng Bắc Kinh sẽ sử dụng các hoạt động này để củng cố các yêu sách vô lý của họ. Để loại bỏ nguy cơ này, giáo sư Nishimoto gợi ý trong trường hợp công dân của một bên tranh chấp nhận sự trợ giúp từ Trung Quốc, các chính phủ có thể tuyên bố sự chấp nhận đó không phương hại đến quan điểm của họ về các tranh chấp lãnh thổ và quyền tài phán.■Ý tưởng về một lực lượng cứu nạn cứu hộ chung trên Biển Đông hay một cơ chế chung để ứng phó các sự cố vì mục đích nhân đạo không bị chi phối bởi tranh chấp chủ quyền đã có từ lâu. Tuy nhiên, việc hiện thực hóa gần như bất khả thi. Trong khi chờ một Bộ Quy tắc ứng xử (COC) trên Biển Đông, Tuyên bố ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc ký với ASEAN năm 2002 sẽ tiếp tục là tài liệu được viện dẫn nhiều nhất. Trong DOC có nhắc nhở các bên một điều quan trọng là "đảm bảo đối xử công bằng và nhân đạo đối với tất cả những người đang gặp nguy hiểm hoặc gặp nạn" trên biển. Tags: Biển ĐôngTrường SaChủ quyềnĐảo đá SubiCứu hộNhân đạo
Giám đốc Xuyên Việt Oil bị đề nghị 30 năm tù TUYẾT MAI 25/11/2024 Sáng 25-11, đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM đã luận tội với 15 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Xuyên Việt Oil và các đơn vị liên quan.
Đang giao lưu trực tuyến: Những điểm mới về chuyển tuyến, chi trả bảo hiểm y tế TUỔI TRẺ ONLINE 25/11/2024 Dự kiến đầu tuần tới Quốc hội sẽ xem xét dự luật Bảo hiểm y tế sửa đổi với nhiều điểm mới như khám, chữa bệnh tại nhà được bảo hiểm chi trả...
Mạo danh shipper giao hàng lừa đảo ngày càng tinh vi CÔNG TRUNG 25/11/2024 Lừa đảo từ việc mạo danh shipper ngày càng tinh vi, khiến khách hàng lúng túng và rơi vào vòng xoáy mất tiền mà không hề hay biết.
Máy bay Nga bốc cháy dữ dội tại sân bay Thổ Nhĩ Kỳ THANH BÌNH 25/11/2024 Động cơ của chiếc máy bay chở khách do Nga sản xuất đã bốc cháy dữ dội sau khi hạ cánh tại sân bay Antalya, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 24-11.