Biển Đông: “Con tin” của “Trung Quốc mộng”?

HỮU NGHỊ 04/09/2020 23:09 GMT+7

TTCT - Chưa bao giờ Trung Quốc lại tiến hành tập trận ở Biển Đông dồn dập như thời gian vừa qua. Tương tự, chưa bao giờ Mỹ xuất quân ồ ạt ở vùng này như vậy kể từ sau chiến tranh Việt Nam. Dù đó có phải là biểu hiện của một cuộc “chiến tranh lạnh” mới hay không, các nước quanh Biển Đông vẫn liên tục rơi vào thế bị động.

Trung Quốc lại diễu võ dương oai trên biển. Ảnh: Tân Hoa xã
Trung Quốc lại diễu võ dương oai trên biển. Ảnh: Tân Hoa xã

Cùng lúc là những diễn biến đáng chú ý ở Tòa án quốc tế về Luật biển. Tòa này sẽ làm gì và trở nên thế nào sau vụ bầu bán một vị trí chánh án bị khuyết vừa qua?

Tít của tờ Newsweek trong mục “Thế giới” hôm thứ hai 24-8 tóm tắt chính xác tình hình: “Bắc Kinh tổ chức sáu cuộc tập trận quân sự trong một tuần giữa căng thẳng ở Biển Đông”. Quả là có việc Trung Quốc đang tổ chức sáu cuộc tập trận đồng thời ở nhiều vùng ven biển khác nhau trong thời gian đó, theo thông báo hôm chủ nhật 23-8 của Văn phòng Cục An toàn hàng hải Trung Quốc tại Quảng Đông về một đợt diễn tập mới ngoài khơi bờ biển phía nam nước này kéo dài từ thứ hai đến thứ bảy tuần đó.

Một ngày trước, chính quyền đảo Hải Nam cũng thông báo sẽ có diễn tập ngoài khơi phía đông vùng biển đảo này cùng thời điểm. Song song, các lực lượng Trung Quốc còn tổ chức tập trận riêng rẽ ở vùng biển phía bắc nước này, một cuộc ở Hoàng Hải kết thúc vào thứ tư 26-8 và một cuộc ở bờ biển ngoài khơi tỉnh Hà Bắc sẽ kéo dài đến tận cuối tháng 9.

Hai cuộc tập trận nữa diễn ra ở khu vực biển Bột Hải, tức phần mở rộng gần bờ của Hoàng Hải và là một trong những tuyến đường vận tải biển nhộn nhịp nhất thế giới nhờ vị trí gần Bắc Kinh.

Tăng cường độ, thay đổi bản chất

Tin trên cho thấy Bắc Kinh đã và đang tiếp tục gia tăng nhịp độ “phô diễn cơ bắp” nhằm chứng tỏ khả năng phòng thủ tại các vùng biển và ven biển mà Trung Quốc tin là tối quan trọng với lợi ích quốc gia của họ. Sáu cuộc diễn tập hải quân đồng thời suốt từ bắc chí nam rõ ràng vừa là cuộc biểu dương lực lượng răn đe, vừa để tuyên truyền rằng Trung Quốc đang chỉ phòng thủ thôi chớ chẳng hiếp đáp gì ai.

Việc tuyên truyền này coi vậy chớ cũng có phần hiệu quả do lẽ thường thì báo chí và truyền thông các nước, kể cả các nước liên quan, ít cất công đeo bám hằng ngày tình hình quân sự của một nước, cho dù đó là Trung Quốc. Thành ra, những tin như của Newsweek, tuy chính xác song rõ ràng là chưa đủ so với thực tế do chỉ đóng khung trong một quãng thời gian ngắn.

Phải là ai đó “dư thì giờ” đọc mục “quân sự” trên một tờ báo của Trung Quốc, tỉ như tờ Global Times (Hoàn Cầu Thời Báo) mới có được cái nhìn “công thủ toàn diện” hơn về những hoạt động vừa qua.

Trên tờ này, đã có 43 tin bài liên quan đến các hoạt động quốc phòng của Trung Quốc từ 1-8 tới 31-8-2020, bắt đầu là bài tóm tắt chỉ đạo của ông Tập Cận Bình trong một cuộc họp nhóm nghiên cứu thuộc Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc hôm 30-7, trong đó, ông Tập nhấn mạnh các yêu cầu cụ thể trong hiện đại hóa quốc phòng và lực lượng vũ trang Trung Quốc, bao gồm biến quân đội Trung Quốc thành lực lượng đẳng cấp thế giới.

Cũng trong loạt bài đó, Hoàn Cầu Thời Báo đăng một bài trích phát biểu của Hu Bo (Hồ Ba), giám đốc Tổ chức Sáng kiến theo dõi chiến lược Nam Hải (SCSPI) của Đại học Bắc Kinh. Trong bài viết, ông Hồ nói Mỹ đang gia tăng các chuyến bay thám thính trên Biển Đông tới mức độ hiếm thấy so với các khu vực khác trên toàn cầu, từ 35 đợt trong tháng 5 lên 49 trong tháng 6 rồi 67 trong tháng 7.

Ông cũng cho biết Mỹ thường xuyên có máy bay chỉ huy và giám sát chiến trường E-8C và máy bay cảnh báo sớm E-3B xuất hiện trên “vùng biển gần Trung Quốc”. Thống kê đó mang ý nghĩa tố cáo Mỹ “kiếm chuyện”, để rồi Hồ tiên sinh cảnh cáo: “Với năng lực của Trung Quốc tăng nhanh trong những năm gần đây, đặc biệt là hải quân và không quân, các cuộc chạm mặt giữa Trung Quốc và các lực lượng quân sự Mỹ đang trở nên thường xuyên hơn. Mỗi ngày có vài cuộc gặp gỡ và hàng ngàn cuộc mỗi năm.

Với quan hệ tổng thể hiện tại giữa Trung Quốc và Mỹ, nếu bất kỳ tai nạn hàng hải hoặc trên không nào xảy ra, xung đột có thể sẽ không được kiểm soát hiệu quả và dẫn đến leo thang”. Chỉ có điều, Hồ tiên sinh “tự ý đục bỏ”, không nêu rõ địa điểm Mỹ phái máy bay do thám và do thám chuyển động gì của quân đội Trung Quốc trong thời gian đó, dẫn đến sự quy chụp ngầm rằng Mỹ là kẻ đột nhập và khiêu khích, đi kèm ngụ ý ngầm là Trung Quốc nếu có làm gì cũng chỉ là tự vệ.

Khi báo chí đơn giản đưa tin “máy bay Mỹ tiếp tục áp sát Trung Quốc, nguy cơ va chạm gia tăng”, cũng phải đọc tin cho hữu lý, tức không quên những gì Trung Quốc đã và vẫn đang làm trên Biển Đông.

Lấy ví dụ, tin ngày 4-8 trên Hoàn Cầu Thời Báo không chút ngại ngùng: “Bằng cách điều một máy bay chiến đấu Su-30 hoàn thành nhiệm vụ tuần tra vũ trang kéo dài 10 giờ tới các hòn đảo và rạn san hô xa nhất ở Nam Hải [tức Biển Đông], không quân của Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) gần đây đã phá kỷ lục về thời gian bay trong một lần xuất kích bằng máy bay chiến đấu”.

Tin này cho biết máy bay trên thuộc một lữ đoàn của lực lượng không quân Bộ Tư lệnh tác chiến vùng Chiến khu Nam Bộ (gồm các tỉnh và thành phố Quảng Đông, Quảng Tây, Hồ Nam, Hải Nam, Vân Nam, Quý Châu, Hong Kong, và Macau).

Báo này cũng dẫn lời “các chuyên gia” bình luận rằng “cả về mặt kỹ thuật và tinh thần, loại nhiệm vụ này có giá trị chiến lược quan trọng với phạm vi tuần tra của PLA trên toàn bộ Nam Hải [tức Biển Đông]”.

Thiết lập phạm vi tuần tra là “toàn bộ Nam Hải” không khác gì một lời đe dọa với các nước nhỏ hơn đang có tranh chấp trong khu vực. Và đe dọa đó được tiếp nối bởi một đe dọa khác: “PLA hôm thứ tư đã phóng nhiều tên lửa đạn đạo chống hạm vào Nam Hải [Biển Đông] trong một cuộc tập trận.

Các nhà phân tích cho biết... vụ phóng tên lửa chứng tỏ năng lực của PLA trong việc tấn công các mục tiêu hàng hải bằng tên lửa đạn đạo mạnh mẽ từ nhiều hướng trong các cuộc tấn công phối hợp, tràn ngập và không thể chống trả”. Địa điểm đe dọa cũng khá rõ, tuy không cụ thể: “Tên lửa đã hạ xuống biển ở khu vực giữa đảo Hải Nam của Trung Quốc và quần đảo Tây Sa [tức Hoàng Sa của Việt Nam]”.

Cũng có ý kiến cho rằng đây là do Trung Quốc muốn đáp trả Mỹ tập trận ở biển Tây Philippines và Biển Đông đúng vào lúc cuộc tập trận RIMPAC do Mỹ thống lĩnh chớ không để đe dọa ai hết. Nhưng lập luận đó khó đứng vững.

Những gì Trung Quốc đã và đang làm, bao gồm mang cả oanh tạc cơ H-6 ra Hoàng Sa mà Trung Quốc chiếm đóng bằng vũ lực từ 1974 và phát triển khu vực này thành những tiền đồn cỡ lớn là bất chấp mọi luật pháp quốc tế và khó có thể biện minh.

Tòa ITLOS

Cũng trong tháng 8 và trong bối cảnh ba đào như trên, Tòa án quốc tế về Luật biển (ITLOS), qua Hội nghị Các quốc gia thành viên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển từ ngày 24 đến 26-8-2020 đã bầu bảy thẩm phán.

Ngoài 2 thẩm phán David Attard (người Malta) và Markiyan Kulyk (Ukraine) được bầu lại, 5 thẩm phán mới là Kathy-Ann Brown (Jamaica), Ida Caracciolo (Ý), Duan Jielong (Đoàn Khiết Long, Trung Quốc), María Teresa Infante Caffi (Chile) và Maurice Kamga (Cameroon), theo thông cáo báo chí đề ngày 26-8 của ITLOS.

Theo ITLOS, đây là một trong những cuộc bầu cử 1/3 số thẩm phán của tòa được tổ chức ba năm một lần bằng cách bỏ phiếu kín với nhiệm kỳ 9 năm và có thể được bầu lại. Nhiệm kỳ 9 năm của các thẩm phán vừa đắc cử tính từ ngày 1-10-2020.

Cuộc bầu cử này được loan báo trong thư báo tin đề ngày 11-5, có đoạn liên quan như sau: “Căn cứ điều 2, khoản 1, của quy chế chung, tòa án sẽ bao gồm một cơ quan gồm 21 thành viên độc lập, được bầu từ những người có uy tín cao nhất về tính công bằng và sự liêm chính cùng năng lực đã được thừa nhận trong lĩnh vực Luật biển”. ITLOS cho biết mỗi quốc gia thành viên có thể đề cử không quá hai người. Danh sách đăng ký mở từ 13-12-2019 và khóa sổ hôm 5-3-2020.

Cũng theo ITLOS, quy chế chung yêu cầu sự phân bố công bằng về mặt địa lý phải được đảm bảo và các hệ thống pháp luật chính của thế giới phải có người đại diện. Quy chế cũng quy định thêm phải có ít nhất ba thẩm phán từ mỗi nhóm địa lý theo định nghĩa của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, cũng như không được có hai thẩm phán cùng quốc tịch.

Mới đây, ITLOS hôm 11-6 thông báo một điều hết sức quan trọng, thuận lợi hơn cho các bên tranh chấp Biển Đông: Chính phủ Singapore đã đồng ý cung cấp các phương tiện thích hợp cho ITLOS để thực hiện các chức năng của mình, trong đó có xét xử, tại Singapore, thay vì cứ phải tổ chức tại The Hague.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận