Biến đổi khí hậu 'gõ cửa' bệnh viện

PHẠM HẰNG 28/09/2024 04:57 GMT+7

TTCT - Sự thích nghi của ngành y tế với biến đổi khí hậu không chỉ mang lại lợi ích cho người bệnh mà còn cho chính nhân viên y tế, giúp họ hoàn thành công việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân hiệu quả hơn.

Biến đổi khí hậu "gõ cửa" bệnh viện - Ảnh 1.

Minh họa: STAT News

Biến đổi khí hậu với các hình thái thời tiết khắc nghiệt: bão to, lũ lớn, nắng nóng kéo dài, ô nhiễm không khí… đã và đang gây nhiều tổn thất cho con người. Y tế được ví như chốt chặn cuối cùng nhằm giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu với sức khỏe con người. Tuy nhiên, ngành y tế hiện cũng đối mặt với nhiều thách thức và cần phải có sự thích nghi.

Năm ngoái, các nhà nghiên cứu của XDI, một công ty cung cấp dữ liệu rủi ro khí hậu của Úc, cho biết cứ 12 bệnh viện trên toàn thế giới thì có một bệnh viện có nguy cơ phải đóng cửa toàn bộ hoặc một phần do các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt. Đặc biệt, tại khu vực Đông Nam Á, gần một trong năm bệnh viện trong khu vực có thể đóng cửa hoàn toàn hoặc một phần vào cuối thế kỷ này.

Ảnh hưởng đủ đường

Báo The Washington Post hồi tháng 8 cho biết "chống lụt đã trở thành một phần công việc" của bác sĩ và nhân viên y tế tại các bệnh viện ở Charleston, được xem như trung tâm y tế của bang South Carolina (Mỹ) với khoảng 25.000 nhân viên y tế chăm sóc cho 400.000 bệnh nhân mỗi năm ở đủ dạng bệnh viện khác nhau. 

Trong bối cảnh mực nước biển tăng nhanh trong thập kỷ rưỡi qua, Charleston là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ ngập lụt, đặc biệt khi có bão. Các nhân viên y tế phải sẵn sàng mắc kẹt trong một hoặc hai ngày tại bệnh viện, thậm chí chèo xuồng đi làm.

Biến đổi khí hậu không chỉ gây hư hỏng cơ sở vật chất mà còn làm nhu cầu chăm sóc sức khỏe gia tăng. Ví dụ, ngay sau bão có sự gia tăng một loạt các bệnh về da, bệnh tiêu hóa hay tình trạng ô nhiễm môi trường, tạo điều kiện cho muỗi sinh sản và tăng nguy cơ dịch sốt xuất huyết.

Ngoài ra, thời tiết nắng nóng kéo dài khiến nhiều người phải nhập viện do sốc nhiệt, say nắng, say nóng và tổn thương thận cấp. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ năm 2030 - 2050, biến đổi khí hậu sẽ gây ra thêm 250.000 ca tử vong mỗi năm vì suy dinh dưỡng, sốt rét, bệnh tiêu chảy và căng thẳng do nhiệt.

Biến đổi khí hậu "gõ cửa" bệnh viện - Ảnh 2.

Xe cứu thương chạy về trung khu y tế ở Charleston khi đường phố ngập lụt vì mưa hồi tháng 5-2020. Ảnh: Grace Beahm Alford/Post and Courier

Mặt khác, những thay đổi thời tiết có thể làm đảo lộn kiểu hình bệnh tật. Ví dụ, các bệnh cảm lạnh và cúm thường kéo dài từ tháng 10 đến tháng 2 hằng năm. Tuy nhiên, hiện nay các bệnh lý này diễn ra hằng tháng, đặc biệt với trẻ nhỏ. Hay việc bệnh nhân mắc bệnh lý hô hấp như hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính… với các đợt cấp thay vì tập trung vào mùa thu đông như trước đây.

"Biến đổi khí hậu đe dọa làm suy yếu sự ổn định của hệ thống y tế mà bệnh nhân và cộng đồng của chúng ta dựa vào. Dù dẫn đến việc đóng cửa các cơ sở y tế hay một phòng khám, nó cũng sẽ khiến gánh nặng bệnh tật ngày càng tăng, hậu quả đối với con người là rất khủng khiếp" - giáo sư Nick Watts, giám đốc Trung tâm y học bền vững tại Đại học Quốc gia Singapore, nói với The Guardian.

Thích nghi thế nào?

Mối đe dọa của biến đổi khí hậu có ý nghĩa quan trọng với việc hành nghề y. Để chăm sóc bệnh nhân hiệu quả, bác sĩ phải hiểu cách biến đổi khí hậu tác động đến sức khỏe và sẵn sàng áp dụng kiến thức đó thông qua chăm sóc, phòng ngừa, chẩn đoán và tư vấn giảm thiểu rủi ro.

Chương trình đào tạo y khoa hiện nay chú trọng vào cơ chế bệnh sinh và điều trị bệnh trong môi trường bệnh viện. Khi những thiên tai, thảm họa (bão lụt, lũ quét, cháy rừng…) xảy ra, người bệnh có thể gặp phải chấn thương đặc thù do kính vỡ, tôn cứa, sặc đường thở do hít phải bùn đất, vùi lấp, sặc khói… Tuy nhiên, hầu hết nhân viên y tế chưa được đào tạo để xử lý các tình huống trên.

"Mỗi chuyên gia y tế cần được cập nhật, cần biết biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến hoạt động của họ như thế nào và cần chuẩn bị cho bệnh nhân của họ" - Arianne Teherani, giám đốc Trung tâm sức khỏe và công bằng khí hậu, Đại học California, nói với trang Think Global Health.

Một trong những cách thích ứng đầu tiên là đưa biến đổi khí hậu vào chương trình giảng dạy chính thức. Từ năm 2019, số lượng các trường y khoa có yêu cầu các khóa học về tác động của biến đổi khí hậu đã tăng gấp đôi ở Mỹ. 

Điển hình, Trường Y khoa Đại học Colorado, mở ngành "y học khí hậu" (climate medicine) với mục tiêu biến các chuyên gia y tế đang làm việc thành các chuyên gia hàng đầu về khí hậu và sức khỏe. Để lấy bằng tốt nghiệp, sinh viên phải hoàn thành các môn học trong thời gian hơn hai năm.

Mô đun mới nhất được thiết kế để giúp người tham gia chuẩn bị và mô phỏng phản ứng với thảm họa thời tiết lớn. Ví dụ, mô phỏng "thành phố thảm họa" với hình ảnh những toa tàu lộn ngược, những chiếc ô tô và xe buýt bị đập vỡ và hàng đống bê tông đổ nát. Nhân viên y tế tham gia khóa đào tạo tìm kiếm và cứu nạn. 

Các mô phỏng khác đặt ra những yêu cầu như: Đánh giá mức độ tổn thương? Làm thế nào để thuyết phục nhà quản lý bệnh viện trả tiền cho các nâng cấp chống thảm họa đắt tiền mà có thể không bao giờ được sử dụng? Nếu máy phát điện dự phòng hết điện, có sơ tán tất cả bệnh nhân không?

Biến đổi khí hậu "gõ cửa" bệnh viện - Ảnh 3.

Nhân viên cứu hộ "giải cứu" nhân viên y tế tại Bệnh viện tim mạch trung ương Fuwai (Hà Nam, Trung Quốc) bị ngập lụt sau trận mưa lớn ngày 22-7-2021. Ảnh: Reuters

"Làm nhiều sẽ giỏi. Chúng ta không thể giỏi một việc gì đó trừ khi rèn luyện thường xuyên, trải qua các bước và học cách làm cho nó tốt hơn. Khi thảm họa xảy ra, chúng tôi muốn các đội y tế và bệnh viện của mình nói rằng, đừng lo lắng, chúng tôi có thể làm được" - tiến sĩ Jay Lemery, giám đốc Chương trình biến đổi khí hậu và sức khỏe tại Trường Y khoa Đại học Colorado, nói với CNN.

Tương tự, Trường y tế Công cộng Harvard TH Chan đã thành lập Trung tâm khí hậu, sức khỏe và môi trường toàn cầu, tích hợp biến đổi khí hậu vào chương trình giáo dục y khoa cơ bản của trường, với chuyên ngành biến đổi khí hậu và sức khỏe hành tinh, khai giảng vào mùa thu năm 2024.

Đầu tư cho cơ sở vật chất tại bệnh viện - chẳng hạn hệ thống thoát nước để giảm nguy cơ ngập lụt, cây xanh trong khuôn viên bệnh viện để tạo bóng mát hay máy lọc nước để đảm bảo nguồn nước an toàn cho người bệnh - cũng là một cách thích ứng với biến đổi khí hậu.

Sự thích nghi của ngành y tế với biến đổi khí hậu không chỉ mang lại lợi ích cho người bệnh mà còn cho chính nhân viên y tế, giúp họ hoàn thành công việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân hiệu quả trong bối cảnh khí hậu, thời tiết liên tục biến đổi. Đây không còn là vấn đề xa xôi, kể cả ở Việt Nam, nếu nhìn vào sự tàn phá của bão Yagi vừa qua.

Các sinh viên y khoa cũng cần chủ động tìm kiếm thông tin, kiến thức trên các diễn đàn chung. Từ mùa cháy rừng năm 2020, Natalie Baker, một sinh viên tại Trường Y Harvard, đã tham gia nhóm Sinh viên vì nhận thức về môi trường trong y khoa. Họ làm việc với giảng viên để phát triển một chương trình giảng dạy về môi trường và sức khỏe mới. Trong đó, các mô đun biến đổi khí hậu đan xen các khóa học tiền lâm sàng. Ví dụ, thảo luận về tác nhân gây ô nhiễm môi trường, làm trầm trọng các bệnh lý hô hấp như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Tất nhiên, khi thành bác sĩ, tham gia lâm sàng, việc áp dụng sẽ nhiều thách thức hơn.

Biến đổi khí hậu buộc chính nhân viên y tế cũng phải thích ứng. Bệnh viện của người viết nằm ở một thành phố ven biển, hằng năm đều chịu ảnh hưởng của nhiều cơn bão và thủy triều dâng, vì thế chúng tôi đều biết cách đến bệnh viện bằng con đường hoặc phương tiện phù hợp, chuẩn bị tinh thần, vật dụng cá nhân và sẵn sàng tham gia thường trực khi có yêu cầu.

Năm trước, tôi tham gia trực vào ngày bão đổ bộ. Trước đó, chúng tôi đã có sự chuẩn bị: sắp xếp lại bệnh nhân trong khoa, hoãn lịch khám hoặc các cuộc phẫu thuật có thể trì hoãn, dự trù thuốc men, chuẩn bị điện dự phòng (đèn pin, máy phát điện) và đường dây liên lạc khi có sự cố.

Dù vậy, khi cơn bão đổ bộ, lượng mưa trút xuống liên tục, xối xả trong thời gian ngắn kết hợp thủy triều dâng, nhanh chóng gây ngập. Điện mất, do số lượng ít, máy phát điện ưu tiên cho khoa cấp cứu, hồi sức tích cực và phòng mổ, nơi có những bệnh nhân nặng cần máy móc để duy trì sự sống.

Chúng tôi vừa lo tát nước vừa di dời máy móc. Thời điểm đó, có bệnh nhân trở nặng, khó thở dữ dội, tím tái. Chúng tôi phải sử dụng đèn pin và điện thoại di động lấy thuốc, soi đèn đặt sonde bàng quang và cho dùng oxy dự phòng.

Lúc đó, mưa như trút, gió rít mạnh, khu vực xét nghiệm không hoạt động do mất điện, đường di chuyển ngập lụt, mời phối hợp hội chẩn khó khăn. Thật may mắn, bệnh nhân sau đó đáp ứng với điều trị, đỡ khó thở và thoát khỏi cơn nguy hiểm.

Từ kinh nghiệm bản thân, có thể nói rằng trước mỗi cơn bão đổ bộ, nhân viên y tế không tránh khỏi tâm trạng lo lắng, bất an bởi sự thiếu thốn trang thiết bị và việc chưa được đào tạo để ứng phó với các trường hợp xảy ra sự cố. Bệnh nhân cũng gặp nhiều nguy cơ khi không được chăm sóc y tế cần thiết, do không đến được các trung tâm lọc máu, hiệu thuốc, trung tâm chăm sóc ngoại trú dẫn đến tỉ lệ biến chứng cao và gây ra đợt cấp của bệnh mãn tính như tiểu đường, hen suyễn và bệnh thận mãn tính.

Tất cả đều "tùy cơ ứng biến".

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận