Sân chơi do các sinh viên tình nguyện TP.HCM xây dựng là sân chơi thiếu nhi đầu tiên trên đảo Thổ Chu - Ảnh: QUANG PHƯƠNG |
Chia sẻ cùng Tuổi Trẻ, Phó bí thư thường trực Thành đoàn - chủ tịch Hội Sinh viên VN TP.HCM Lâm Đình Thắng cho biết: “Chúng tôi chọn đảo Thổ Chu vì đây là một trong bảy đảo tiền tiêu được xác định xây dựng đảo thanh niên trên cả nước. Hơn nữa, học hỏi cách làm của ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), các hoạt động sẽ tập trung tại đây trong ba năm liên tục để những công trình, sản phẩm, sự đổi thay để lại hiệu quả thật sự cho bà con”.
* Điều kiện đi lại từ TP.HCM đến Thổ Chu còn khá vất vả nên không dễ để tổ chức những hoạt động quy mô lớn với lực lượng đông được...
- Chúng tôi đã cân đối nguồn lực, khả năng thực tế mới quyết định chọn Thổ Chu. Phải nói là các trường ủng hộ rất lớn cùng với nguồn lực do Thành đoàn, Hội Sinh viên TP vận động cũng như sự hỗ trợ của địa phương mới có thể thực hiện được các công việc tại đây.
Được biết Kiên Giang đã đóng xong con tàu mới và đang chạy thử nghiệm để việc đi lại giữa huyện đảo Phú Quốc đến Thổ Chu thuận lợi hơn, hi vọng lực lượng tình nguyện của TP.HCM có thể được sử dụng phương tiện này trong các chuyến công tác sắp tới.
Mỗi năm sẽ có hai đợt hoạt động cao điểm tại Thổ Chu. Hè tình nguyện kết hợp giữa chiến sĩ Mùa hè xanh và chiến sĩ Kỳ nghỉ hồng, còn Xuân tình nguyện sẽ chỉ có lực lượng sinh viên tham gia. Sắp tới có thể sẽ vận động thêm đội hình trí thức khoa học trẻ tình nguyện tham gia cùng trong một số hoạt động đòi hỏi tính nghiên cứu chuyên sâu.
Vì đi lại khó khăn nên khi chọn đội hình tình nguyện ra đảo, chúng tôi phải chọn một bạn gánh nhiều nhiệm vụ. Và những ngày tình nguyện trên đảo thật sự là cơ hội để mỗi bạn trải nghiệm, áp dụng chuyên môn rõ nét vào thực tế.
* Yêu cầu phải có công trình, sản phẩm cụ thể đã được giải quyết ra sao trong đề án tại Thổ Chu, thưa anh?
- Sau năm đầu tiên thực hiện đề án, đã có nhiều công trình để lại cho bà con mà không ít công trình lần đầu tiên có mặt trên đảo.
Ngay cuộc thi ý tưởng dự án tình nguyện “Vì biển đảo xanh” cũng không ngoài mong muốn tìm kiếm ý tưởng độc đáo nhưng phải hết sức khả thi để có thể hiện thực hóa thành công trình, sản phẩm cụ thể phục vụ bà con.
Trong từng năm của giai đoạn 2016-2018, chúng tôi đều tính toán những phần việc cụ thể, tất cả đều xuất phát từ nhu cầu thực tiễn cuộc sống của bà con trên đảo. Ngay những đề tài từng tham gia giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka cũng được rà soát lại để xem cái nào phù hợp, có thể phát triển trong thực tế với điều kiện tại đảo Thổ Chu sẽ tìm kinh phí hỗ trợ thực hiện.
* Bài toán về tính bền vững và vận hành hiệu quả cho những công trình được hình thành đã được tính đến như thế nào sau khi đề án kết thúc?
- Đề án này hình thành từ kết quả khảo sát thực tế, các thông tin cung cấp từ chính quyền địa phương, trên cơ sở phối hợp của Tỉnh đoàn Kiên Giang nên có thể nói chúng tôi đã xây dựng các nội dung rất rõ để cùng làm. Hoàn thành cái nào bàn giao cho địa phương cái đó. Năm sau trở lại song song với làm công trình mới sẽ phải khảo sát, đánh giá lại những công trình của năm trước xem có cần sửa chữa, bổ sung gì không.
Nói vậy để thấy rằng chúng ta rất mong muốn các thành quả phải được duy trì, phát huy hiệu quả và phục vụ tốt cho bà con. Chúng tôi đã tính đến việc sau khi kết thúc đề án sau ba năm sẽ có biên bản bàn giao đầy đủ các hạng mục, công trình đã làm cho địa phương. Dĩ nhiên, điều này còn phụ thuộc khá lớn vào ý thức của chính quyền và bà con tại chỗ chứ không chỉ chúng ta mong muốn thôi mà được.
Gần 2,5 tỉ đồng thực hiện công trình tại Thổ Chu Sau hai chuyến công tác tại đảo Thổ Chu vào hè 2016 và Xuân tình nguyện 2017, các bạn trẻ TP.HCM đã trực tiếp thực hiện nhiều công trình cho bà con. Có thể kể đến như: bêtông hóa hai tuyến đường khoảng 300m, xây dựng sân chơi thiếu nhi, cải tạo chỉnh trang cột mốc chủ quyền Thổ Chu, thắp sáng đảo xanh, sửa chữa điện cho 20 hộ gia đình cùng các phòng học - phòng sinh hoạt cộng đồng, tặng 10 bộ định vị GPS cho ngư dân, hơn 50 tủ thuốc y tế gia đình cho các hộ dân, 5kg hạt giống rau cho các đơn vị vũ trang. Các bạn cũng trang bị hệ thống xử lý nước sạch cho dân, hai hệ thống xử lý nước uống tại vòi cho trường học, tặng ba nhà tình bạn, phòng sinh hoạt cộng đồng, phòng máy với 40 máy kết nối Internet, hệ thống chiếu sáng năng lượng mặt trời, sơn sửa và vẽ tranh trang trí tường trường học, lắp đặt 30 thùng rác công cộng. Ngoài ra, trao nhiều suất học bổng, tặng 200 áo trắng và 1.500 tập trắng cho học sinh, tặng một số thiết bị phục vụ sinh hoạt văn hóa tinh thần: hệ thống âm thanh, loa di động, đàn guitar, tủ sách, bộ trống Đội cho trường tiểu học, bộ dụng cụ thể thao... Được biết, tổng kinh phí cho các hoạt động, công trình tại đảo Thổ Chu gần 2,5 tỉ đồng từ nguồn hỗ trợ của TP.HCM, vận động một số đơn vị cùng các trường đóng góp. |
“Tiềm năng trí tuệ của thanh niên về biển đảo lớn lắm, ý tưởng rất dồi dào mà nếu có thể đưa được nhiều bạn trẻ hơn nữa đến thăm các đảo mỗi năm để các bạn quan sát điều kiện thực tế cộng với ý tưởng sẵn có, tôi tin đóng góp của lực lượng trẻ cho biển đảo sẽ còn thiết thực và lớn hơn nữa Anh LÂM ĐÌNH THẮNG |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận