Tàu container trọng tải 214.000 tấn di chuyển trên biển Vũng Tàu, chuẩn bị cập cảng Cái Mép - Thị Vải vào tháng 10-2021 - Ảnh: Đ.H
Nói đến Bà Rịa - Vũng Tàu, mọi người thường nhắc về dầu khí, về du lịch hay Côn Đảo - nơi được tôn làm "bàn thờ Tổ quốc". Ngày nay, ngoài những trụ cột kinh tế - văn hóa - lịch sử nói trên, khi nói đến Bà Rịa - Vũng Tàu là nói đến những siêu tàu cập bến tại đây, những cảng biển tấp nập tàu bè vào ra, chở theo hàng triệu triệu container hàng hóa xuất nhập khẩu.
Tiềm năng từ những đầm lầy bỏ hoang ven sông
Ông Nguyễn Văn Xinh, trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết ngay sau khi tỉnh được thành lập, tỉnh đã phối hợp cùng Bộ Giao thông - vận tải, các đơn vị tư vấn khảo sát, đánh giá tiềm năng, lợi thế phát triển hệ thống cảng trên tuyến Thị Vải - Cái Mép. Từ những ngày đầu thành lập, tỉnh cùng các bộ, ngành chức năng đã xây dựng quy hoạch và đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển hệ thống cảng biển nước sâu tầm cỡ quốc gia và quốc tế.
Tiềm năng để phát triển cảng biển tại khu vực Cái Mép - Thị Vải (thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã được nhìn thấy từ năm 1992 với quyết định của Thủ tướng về phê duyệt tổng thể quy hoạch hệ thống cảng nước sâu Thị Vải - Vũng Tàu. Nhưng đến những năm 2009-2010, tiềm năng này mới được khơi mở bằng việc những nhà đầu tư nước ngoài đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc hợp tác cùng với doanh nghiệp cảng biển của Việt Nam để xây dựng bến cảng container nước sâu đầu tiên tại đây.
Một góc lòng sông rộng, sâu của Cái Mép - Thị Vải - Ảnh: ĐÔNG HÀ
Đến nay, những người dân Phú Mỹ vẫn còn bất ngờ bởi sự xây dựng và phát triển vượt bậc của cảng biển ở dọc sông Thị Vải - Cái Mép. Một lão ngư hành nghề đánh cá ở đây cho biết 20 năm trước, bờ sông hoang vu, vắng lặng. "Ở đây chỉ có những bãi sình, đầm lầy, là nơi sinh sống của cây vẹt, cây sú, cây đước. Hầu như đất đai dọc sông bỏ hoang. Chỉ có một số nơi bà con tận dụng được để nuôi trồng thủy sản theo kiểu quảng canh", lão ngư nói.
Từ năm 2010, 2011 khi bến cảng container nước sâu đầu tiên đi vào hoạt động đến nay đã có hàng chục cảng biển mọc lên dọc tuyến sông này. Những cần cẩu đua nhau vươn ra lòng sông. Theo thời gian những con tàu container ngày càng lớn cập cảng ở Cái Mép - Thị Vải. "Ngày trước chỉ vùng đầm lầy làm "bến đậu" cho những cây đước, sú nhưng ngày nay là "đất vàng", là vùng nước, bến cảng của những chuyến tàu mẹ với trọng tải lên đến trên 200.000 tấn ra vào", ông Nguyễn Văn Thắm - chủ tịch UBND thị xã Phú Mỹ so sánh.
Độ sâu của lòng sông Cái Mép - Thị Vải, khoảng rộng của lòng sông đủ rộng để những con tàu cỡ lớn có thể quay trở là món quà của thiên nhiên ban tặng cho con người. Nhiều chuyên gia hàng hải đã khẳng định và đánh giá cao những tiềm năng, lợi thế thiên nhiên của Cái Mép - Thị Vải. Và cảng này đã được xác định là cụm cảng nước sâu loại 1A - là cửa ngõ giao thương quốc tế của Việt Nam.
Siêu tàu Margrethe Maersk (quốc tịch Đan Mạch) dài gần 400 m, rộng 59,0m, có trọng tải 214.121 tấn cập cảng Cái Mép - Thị Vải vào tháng 10-2020 - Ảnh: ĐÔNG HÀ
Đường lớn đã mở
Việc phát triển cảng container nước sâu Cái Mép - Thị Vải như một con đường lớn rộng mở để thông thương với quốc tế, để hàng hóa từ Việt Nam đi trực tiếp sang châu Âu, sang Mỹ mà không phải quá cảnh ở Hong Kong, Singapore. "Từ chỗ chỉ có một vài cảng chuyên dùng phục vụ cho ngành dầu khí và đánh bắt hải sản, đến nay, dọc tuyến sông đã hình thành hệ thống cảng biển tổng hợp được quy hoạch là cảng loại đặc biệt cấp quốc gia", ông Trần Thượng Chí - giám đốc Sở GTVT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chia sẽ.
Một góc cảng Cái Mép - Thị Vải- Ảnh: ĐÔNG HÀ
Đến nay riêng ở Cái Mép - Thị Vải đã có 22 dự án đi vào hoạt động, với tổng chiều dài cầu bến gần 10 cây số. Trong đó đã có 7 dự án cảng container, công suất thiết kế đạt 6,8 triệu TEU/năm. Cuối năm 2020, Cái Mép - Thị Vải đã đón tàu có trọng tải trên 214.000 tấn, trở thành cảng đầu tiên của Việt Nam và là cảng thứ 19 của thế giới đón được tàu mẹ siêu lớn.
Những bến cảng đón lớn, nước sâu đón được siêu tàu container đã làm cho tổng sản lượng hàng tàu biển thông qua hệ thống cảng biển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2016-2020 tăng bình quân 10%/năm. Ông Lê Văn Thức, giám đốc Càng vụ hàng hải Vũng Tàu cho biết, hiện tại ở Cái Mép - Thị Vải đã thiết lập được 40 tuyến tàu dịch vụ ghé hàng tuần, trong đó có 31 tuyến quốc tế, 9 tuyến nội địa. Trong 31 tuyến quốc tế có 2 tuyến đi châu Âu, 2 tuyến đi Mỹ - Canada, 18 tuyến đi bờ Tây, bờ Đông nước Mỹ.
Một tàu container tầm trung di chuyển từ Cái Mép - Thị Vải đang đi ở biển Vũng Tàu tháng 11-2021- Ảnh: Đ.H
Đặc biệt, Cái Mép - Thị Vải là cụm cảng duy nhất ở Việt Nam có các chuyến tàu mẹ trực tiếp đi châu Âu, châu Mỹ và có tần suất đi Mỹ cao nhất Đông Nam Á, đã vào nhóm 50 cảng biển có sản lượng khai thác container cao nhất thế giới từ năm 2019. Sự phát triển cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu nói chung và Cái Mép - Thị Vải nói riêng đã đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đất nước. Đồng thời bảo đảm quốc phòng an ninh, giữ vững chủ quyền biển đảo.
Xây dựng trung tâm logictics kết nối Bà Rịa - Vũng Tàu với chuỗi cung ứng toàn cầu
Cùng với cảng biển, dịch vụ logistics cũng từng bước phát triển mạnh. Đến nay đã có 20 dự án kho bãi logistics đi vào hoạt động với tổng diện tích khoảng 224 ha. Hiện Bà Rịa - Vũng Tàu đã hoàn thành quy hoạch tỉ lệ 1/2000 của Trung tâm logistics Cái Mép Hạ (thị xã Phú Mỹ) để làm cơ sở pháp lý để lựa chọn nhà đầu tư có năng lực tham gia đầu tư xây dựng. Trung tâm logictics này sẽ kết nối Bà Rịa - Vũng Tàu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Một góc kho bãi để container ở Cái Mép - Thị Vải - Ảnh: ĐÔNG HÀ
Tăng trưởng trong đại dịch
Ông Lê Văn Thức giám đốc Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2021 có gần 900 lượt tàu container trọng tải từ 80.000 đến 200.000 tấn ra vào Cái Mép - Thị Vải, tăng 4% so với cùng kỳ. Hàng container xuất- nhập khẩu qua cảng này đạt 3,3 triệu TEU - tăng 25% so với cùng kỳ năm 2020.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận