Tiến sĩ Phan Văn Bông (Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt) nhìn nhận Đà Lạt thành đại phim trường là mong muốn của nhiều người dân Đà Lạt.
Anh gửi ý kiến này nhân diễn đàn Hiến kế phát triển du lịch Đà Lạt bền vững diễn ra cùng thời điểm Liên hoan phim Việt Nam công bố tổ chức tại Đà Lạt, với số lượng phim quay tại Đà Lạt áp đảo.
5 lợi thế thành đại phim trường của Đà Lạt
Anh bạn Việt kiều du lịch rất nhiều nơi trên thế giới bảo: "Đà Lạt rất đẹp, nhiều điểm còn vượt trội so với các địa danh của Hàn Quốc. Nhưng Hàn Quốc nhờ sự phát triển mạnh mẽ của điện ảnh nên nhiều người ta biết đến hơn. Tại sao Đà Lạt không học họ? Tại sao Đà Lạt không là một phim trường?".
Đà Lạt được thiên nhiên ưu đãi, khí hậu ôn hòa, nhiệt độ trung bình chỉ từ 18-230C. Khi tìm ra Đà Lạt, bác sĩ Yersin đã ca ngợi có khí hậu tương tự Địa Trung Hải, với những làn gió mát rượi và nhiệt độ rất thấp trải khắp vùng cao nguyên.
Hệ sinh thái đồi núi nhấp nhô, lẩn khuất trong các rừng thông là hồ, thác, suối... tạo nên một hệ cảnh quan vừa hùng vĩ, vừa nên thơ... Từ thập niên 20 (thế kỷ XX), người ta đã ví von đây là "Vườn địa đàng Đông Dương". Trong Đà Lạt đêm sương, nhà thơ Quách Tấn đã thốt lên:
"Bóng trăng lóng lánh mặt hồ im,
Thời khắc theo nhau lải rải chìm.
Đứng dựa non cao bờ suối ngọc,
Hồn say dịu dịu mộng êm êm"
Với mong muốn biến Đà Lạt thành một "Tiểu Paris", người Pháp đã cho xây dựng các tòa nhà, biệt thự theo kiến trúc quê hương mình. Những khu biệt thự trên đường Trần Hưng Đạo còn đẹp hơn cả làng Pháp trong phim "Vì sao đưa anh tới" của Hàn Quốc.
Một người nhiều năm sống Đà Lạt đã nói: "Những căn nhà, những biệt thự từ xưa hầu như đều được xây dựng theo kiến trúc Pháp với mái ngói đỏ, trong nhà có lò sưởi, trên nóc có ống khói. Thế nhưng những ngôi biệt thự ở Đà Lạt không có cái nào giống nhau cả. Vì thế thành phố mới đẹp!
Nhưng còn hơn thế nữa, nhà ở Đà Lạt được xây dựng trên những sườn đồi với vị trí cao thấp khác nhau, những căn biệt thự nằm rải rác, cái cao, cái thấp, cái lớn, cái nhỏ đã hình thành một bức tranh ngoạn mục vừa sinh động, vừa độc đáo".
Từ những năm 20 của thế kỷ trước, nhiều luồng cư dân từ khắp Bắc, Trung, Nam đã đến Đà Lạt, đã tạo lập nên những làng hoa nổi tiếng, Vạn Thành, Hà Đông, Thái Phiên... bên cạnh các giống hoa nội địa, có rất nhiều giống hoa từ châu Âu mang đến.
Một nhà thơ đến Đà Lạt những năm 1960 đã ngỡ ngàng: "Chúng tôi sững sờ trước những biệt thự xinh đẹp với hoa tầm xuân, hoa ớt leo quấn quýt. Chúng tôi ngẩn ngơ mê mải ngắm hoa hồng, hoa cúc, thược dược đua nhau khoe màu sắc trong mọi vườn".
Và, cũng từ nhiều luồng cư dân khắp nơi ở Việt Nam, kết hợp với văn hóa người Pháp, Mỹ, Hoa và văn hóa người Lạch, Chil tại chỗ đã tạo nên một vùng đất đa văn hóa hòa quyện vào nhau, với sự phong phú của ẩm thực, nghệ thuật... với chủ nhân là con người Đà Lạt hiền hòa, thanh lịch, mến khách.
Nhìn sang Hàn Quốc
Công nghiệp văn hóa đã được người Hàn Quốc quan tâm và thực hiện từ rất sớm. Họ xem điện ảnh, các chương trình truyền hình... là đại sứ của quá trình quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, con người... Hàn Quốc ra bên ngoài.
Sự phát triển mạnh mẽ của điện ảnh, các chương trình truyền hình... trong các năm qua, kéo theo sự phát triển của các ngành kinh tế khác, trong đó có du lịch, dịch vụ...
Thực tế cho thấy người Việt Nam ngày càng biết đến nhiều địa danh, ẩm thực, khu vui chơi giải trí, văn hóa Hàn Quốc... thông qua phim ảnh, các show truyền hình...
Nhiều tour du lịch từ Việt Nam sang Hàn Quốc là sự xâu chuỗi từ các địa danh từng là các phim trường của nhiều bộ phim ăn khách, như: đảo Jeju, bối cảnh các phim Tôi là Kim Sam Soon, Nàng Dae Jang Geum, Vườn sao băng... hay làng cổ Bukchon Hanok là trường quay của hầu hết các phim truyền hình cổ trang đình đám xứ kim chi như The Moon Embracing the Sun, Vì sao đưa anh đến, Hoàng hậu 7 ngày...
Những món ăn Hàn Quốc qua phim ảnh trở thành "hot trend" ở những nơi phim Hàn lên sóng. Trong đó, qua cách kể chuyện, cách quay dựng ở phim Hàn, những món như kim chi, dồi lợn, mì gói, kimbap (cơm cuộn), canh xương bò, rượu soju... bỗng trở thành đặc sản.
Tính đến đầu tháng 6-2023, Hàn Quốc đã đón 163.000 lượt du khách từ Việt Nam, đạt 73% so với cùng kỳ năm 2019, giai đoạn trước dịch COVID-19. Hàn Quốc dự kiến sẽ thu hút 400.000 khách du lịch Việt Nam trong năm nay.
"Để Đà Lạt trở thành phim trường, là bối cảnh cho các bộ phim, theo mình chính quyền cần phải có chiến lược dài hơi, phải xác định được các giá trị cốt lõi cần được bảo tồn, từ đó quảng bá qua phim ảnh" - anh bạn tôi nói.
Đà Lạt từng là bối cảnh của nhiều bộ phim, như Tháng năm rực rỡ, Chuyến đi của thanh xuân, 100 ngày bên em... Nhưng những bộ phim này chưa thật sự nổi tiếng, chưa thể hiện được những hình ảnh cần quảng bá của Đà Lạt, những thước phim đẹp chỉ mang tính dàn dựng, không trở thành một điểm đến thu hút du khách sau khi xem phim.
Công nghiệp văn hóa, là cụm từ được chính quyền và nhân dân Đà Lạt quan tâm trong thời gian gần đây, nhưng chúng ta chưa thật sự có định hướng rõ ràng. Thiết nghĩ, biến Đà Lạt trở thành phim trường là một gợi ý cho phát triển công nghiệp văn hóa ở thành phố này, qua đó giúp Đà Lạt vừa có điều kiện bảo tồn các giá trị của mình, đồng thời phát huy được đến du khách và bạn bè muôn phương.
Xác định giá trị cốt lõi của Đà Lạt
Đà Lạt muốn trở thành "phim trường lớn", thiết nghĩ chúng ta cần xác định các giá trị cốt lõi cần bảo tồn và phát huy, từ đó thông qua các bộ phim, chương trình truyền hình... quảng bá ra bên ngoài. Chính quyền có thể đặt hàng hoặc tạo điều kiện tốt nhất để có các bộ phim, chương trình truyền hình... lấy bối cảnh tại Đà Lạt. Qua phim ảnh, quảng bá khí hậu, phong cảnh, kiến trúc, văn hóa, con người Đà Lạt... từ đó tạo động lực để phát triển du lịch, dịch vụ Đà Lạt.
Diễn đàn Hiến kế phát triển du lịch Đà Lạt bền vững
Nhằm tìm kiếm những ý tưởng, đề xuất thực tiễn có tác động đến cảnh quan, trật tự, cải thiện chất lượng du lịch và xây dựng lại tình cảm trong lòng du khách, UBND thành phố Đà Lạt sẵn lòng lắng nghe những chia sẻ của người dân, các cơ quan chức năng và các chuyên gia từ chuỗi hoạt động trong diễn đàn "Hiến kế phát triển du lịch Đà Lạt bền vững".
Báo Tuổi Trẻ rất mong nhận được các bài viết và ý kiến đóng góp từ quý độc giả.
- Thời gian: Từ tháng 10-2023 đến ngày 20-11-2023
- Thông tin đăng tải trên nhật báo Tuổi Trẻ, Tuổi Trẻ Online
- Lễ trao giải kết hợp hội thảo để lãnh đạo thành phố lắng nghe, tiếp nhận…
HÌNH THỨC:
- Bài viết tối đa 1.200 chữ, kèm hình ảnh, video là điểm cộng;
- Bài thiết kế hình ảnh: từ 3 - 8 tấm, kèm chú thích;
- Bài viết được thể hiện bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh (nếu là người nước ngoài);
- Các bài, clip hiến kế sẽ được lựa chọn để đăng trên báo Tuổi Trẻ, diễn đàn… Các tác phẩm được chấm nhuận bút. Qua đó, ban tổ chức sẽ xét duyệt chấm giải và trao thưởng;
- Bài dự thi, hiến kế chưa từng tham gia cuộc thi nào được tổ chức trước đây, không tham gia bất kỳ cuộc thi nào đang diễn ra, chưa từng đăng trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội;
- Người tham gia chịu trách nhiệm về bản quyền cũng như yêu cầu của ban tổ chức.
- Bài dự thi gửi về địa chỉ email: hienkedulichdalat@tuoitre.com.vn. Vui lòng cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng để tòa soạn gửi nhuận bút sau khi bài đăng.
CƠ CẤU GIẢI THƯỞNG:
Ban tổ chức sẽ lập hội đồng chuyên môn gồm các chuyên gia, nhà nghiên cứu để xét chấm các ý kiến góp ý, hiến kế chất lượng, có tính góp ý xây dựng cho du lịch Đà Lạt trong tương lai. Qua đó sẽ xét giải cho các bài chất lượng:
- 1 giải nhất trị giá 10 triệu đồng kèm voucher du lịch tại Đà Lạt.
- 1 giải nhì trị giá 7 triệu đồng kèm voucher du lịch tại Đà Lạt.
- 1 giải ba trị giá 5 triệu đồng kèm voucher du lịch tại Đà Lạt.
- 10 giải khuyến khích trị giá 2 triệu đồng/giải.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận