Phóng to |
Trước việc Trung Quốc đưa ra quy định kiểm soát tàu bè hoạt động trên biển Đông, nhiều ngư dân ở miền Trung cho rằng đây là hành động ngang ngược, phi lý. Ngư dân khẳng định họ sẽ tiếp tục ra khơi bám biển, góp sức bảo vệ chủ quyền của Việt Nam.
Vừa kết thúc chuyến đánh bắt thứ bảy trong năm 2012 tại vùng biển Hoàng Sa, ngư dân kỳ cựu Dương Hưởng (Lý Sơn, Quảng Ngãi) cho biết năm qua là năm đánh bắt khá vất vả tại ngư trường truyền thống này. Theo ông Hưởng, tàu Trung Quốc gần đây đang tăng cường kiểm soát trên biển Đông khiến việc đánh bắt của ngư dân gặp nhiều khó khăn. Dù bị Trung Quốc bắt không dưới hai lần và từng bị giam nhiều ngày tại đảo Phú Lâm, ông Hưởng vẫn không hề nao núng khi tính chuyện ra khơi. “Bắt thì bắt nhưng đi cứ đi chứ sợ chi. Tôi vừa thay mới máy tàu, thời tiết qua bão là tui đi” - ông Hưởng hiên ngang nói.
Cùng ra khơi
Nói về chuyện làm ăn trên biển, ông Lục Nghĩa Tơ (ngư dân Sa Huỳnh, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) cho biết trước đây ngư dân vẫn thường ra Trường Sa và Hoàng Sa, nhưng còn đánh bắt kiểu riêng lẻ. Mỗi chủ tàu chỉ có một đôi, nhiều thì 2-3 đôi tàu cùng ra khơi. Trong tình hình tàu Trung Quốc xuất hiện nhiều như thời gian vừa qua, mỗi lần ra khơi ngư dân liên kết đi thành từng đoàn với các đôi tàu cá của từng gia đình. “Khi lực lượng tàu mình đông tình hình sẽ khác, họ không dám làm mạnh” - ông Tơ nói.
"Với hệ thống đài trực canh 24/24 giờ, chúng tôi luôn trao đổi thông tin với ngư dân từ các ngư trường. Đài trực canh của trạm kiểm soát biên phòng Đà Rằng nhiều năm nay là nơi ngư dân tin cậy. Bà con hãy yên tâm, chúng tôi luôn hỗ trợ bà con bất cứ lúc nào" Trung úy Nguyễn Lê Trúc Thân (trạm trưởng trạm kiểm soát biên phòng Đà Rằng, đồn biên phòng Đông Tác, Phú Yên) |
Tương tự, ngư dân Nguyễn Văn Tàu (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) cho biết để đối phó với các tàu Trung Quốc, tàu của nghiệp đoàn ra khơi phải đi chung theo tổ đội mới an tâm đánh bắt, nếu cứ đi đơn lẻ như trước kia là không nên. Nhờ đi đánh bắt chung theo tổ đội mà mọi người có thể ứng cứu lẫn nhau khi có tai nạn trên biển. Đề cập việc Trung Quốc tuyên bố sẽ kiểm tra các tàu thuyền hoạt động trên biển Đông, ông Tàu nhấn mạnh: “Sắp tới các tàu trong nghiệp đoàn, tổ đội sẽ siết chặt tay, đoàn kết hơn, tổ chức chặt chẽ hơn khi ra khơi đánh bắt. Như vậy sẽ đối phó tốt hơn với các hành động ngang ngược của họ”.
Còn ngư dân Đặng Thành Sơn (xã Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) chia sẻ: “Việc Trung Quốc ban hành lệnh kiểm tra tàu trên biển cũng gây khó khăn hơn khi đi đánh bắt. Dù thế nào thì ngư dân cũng cứ ra khơi để mưu sinh, để giữ biển. Tui mong Nhà nước triển khai nhanh lực lượng kiểm ngư để hỗ trợ ngư dân cũng như ngăn cản các tàu cá nước ngoài xâm phạm vùng biển của mình”. Theo anh Sơn, bà con ngư dân đi biển hiện giờ lo nhất không phải chuyện lời lỗ mà là sự an toàn trong suốt hành trình đánh bắt.
Phóng to |
HTX đóng tàu Cổ Lũy (xã Nghĩa Phú, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) đóng tàu cỡ lớn giúp ngư dân ra khơi đánh bắt cá trên biển Đông - Ảnh: Tấn Vũ |
Sát cánh với ngư dân
Đang chuẩn bị ngư cụ, thuốc men, thực phẩm cho một chuyến ra khơi mới ở ngư trường quen thuộc là vùng biển Hoàng Sa, ngư dân Trương Đình Nhân (xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi) bình thản nói: “Tui chỉ nghĩ đơn giản là hàng trăm năm qua cha ông vẫn đi đánh bắt ở quần đảo Hoàng Sa, đây là vùng biển của mình thì không lý do gì mình lại bỏ biển. Biển của ta, ta cứ đi làm ăn, vừa khai thác hải sản, vừa giữ đất nước, quê hương mình”.
Anh Nhân nói thêm: “Chúng tôi rất mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ kịp thời để ngư dân yên tâm bám biển, nhất là ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Ngư dân đi biển mong chờ nhất là lực lượng hỗ trợ thường xuyên có mặt trên biển. Mình có hải quân, có biên phòng, có cảnh sát biển, nay có thêm kiểm ngư. Nếu các lực lượng này luôn có mặt trên biển thì tụi tui không còn lo nghĩ, không sợ hãi điều gì”.
Bà Phan Thị Lợi, chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, cho biết mấy ngày nay nghiệp đoàn liên tục nhận được thông tin của ngư dân liên lạc về qua hệ thống máy Icom. Theo đó, các ngư dân cho biết tại vùng ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa, kiểm ngư Trung Quốc thường xuyên có những hành động quấy rối, cản trở việc đánh bắt của ngư dân. Nghiệp đoàn đã phải yêu cầu các tàu cá của ngư dân hết sức bình tĩnh, không phản ứng gay gắt, đồng thời báo cáo đầy đủ các diễn biến trên biển để kịp thời hướng dẫn ứng phó khi có vấn đề bất thường xảy ra.
Là đơn vị quản lý một vùng biển rộng lớn ở miền Trung từ đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) đến Cù Lao Xanh (Bình Định), trung tá Lê Trọng Phổ - chủ nhiệm chính trị Vùng cảnh sát biển 2 (trụ sở tại Núi Thành, Quảng Nam) - cho biết cảnh sát biển luôn sẵn sàng sát cánh với ngư dân trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Lực lượng luôn túc trực và hiện diện để khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam và là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân. “Chúng tôi đã cung cấp đường dây nóng bằng cách phát các tờ rơi thông tin đến tận tàu thuyền của ngư dân trong vùng. Bất cứ ngư dân gặp phải chuyện gì trên biển chúng tôi đều có biện pháp trợ giúp” - trung tá Phổ nói.
Trả lời câu hỏi về việc tàu cá Trung Quốc xâm phạm trái phép vùng biển nước ta và đòi lục soát tàu của ngư dân Việt Nam, trung tá Phổ cho biết: “Nếu có chuyện ngư dân bị tàu Trung Quốc lục soát, chúng tôi sẽ thực hiện những nghiệp vụ như quay phim, chụp ảnh, thu thập chứng cứ để phản ảnh sai trái của họ lên cấp trên. Từ đó các cơ quan chức năng sẽ có biện pháp đấu tranh thích hợp”.
Theo ông Cao Khoa - chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, trong tình hình mới sẽ có nhiều khó khăn do phía Trung Quốc tuyên bố gia tăng kiểm soát biển Đông, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng địa phương khuyến khích ngư dân ra khơi đánh bắt bình thường để bảo vệ chủ quyền. Đồng thời tỉnh chỉ đạo lực lượng biên phòng thường xuyên theo dõi tình hình đánh bắt cá của ngư dân, nếu phát hiện các tàu nước ngoài xâm phạm lãnh hải phải báo cáo ngay về trung ương.
Không chùn bước Ông Trần Văn Đạt, ngư đội trưởng ngư đội Sinh Tồn thuộc nhóm ngư đội Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa), bức xúc: “Không thể tin nổi chính quyền một tỉnh của Trung Quốc lại dám ngang ngược tự đặt ra “luật” để áp dụng cho cả một vùng biển rộng lớn của Việt Nam. Chúng tôi không thể chấp nhận và đương nhiên không thể lùi bước trước cơ chế kiểm soát vô lý, ngang ngược như vậy được”. Trước những hành động gây căng thẳng của phía Trung Quốc, ông Mai Thành Phúc - ngư đội trưởng ngư đội Trường Sa Lớn (tỉnh Khánh Hòa) - cho rằng Nhà nước cần thúc đẩy nhanh hơn nữa việc hiện đại hóa đội tàu đánh bắt xa bờ, đồng thời tăng cường lực lượng cảnh sát biển, triển khai hoạt động của kiểm ngư để bảo vệ ngư trường và ngư dân, giúp bà con yên tâm, tự tin bám biển. “Chúng tôi cũng mong muốn Nhà nước nâng cấp các cơ sở hậu cần nghề cá trên biển để việc đánh bắt của bà con được nâng cao hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế biển” - ông Phúc đề nghị. Phẫn nộ về những tuyên bố của Trung Quốc, ông Trần Tá (TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) nói: “Biển Hoàng Sa, Trường Sa là vùng biển của Việt Nam, là ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam. Mấy năm qua, phía Trung Quốc đã có rất nhiều hành động gây khó khăn cho chúng tôi. Giờ đây họ lại ngang ngược đòi kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn chúng tôi đánh bắt ngay trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đời ông cha tôi cho đến đời tôi, đời con, đời cháu tôi đã và đang bám vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa để mưu sinh, các ngư trường đó chính là lẽ sống của chúng tôi. Dù phía Trung Quốc có những mánh khóe nào chăng nữa thì họ không thể làm chúng tôi chùn bước được. Chúng tôi vẫn tiếp tục ra khơi”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận