Một số thành viên của nhóm - Ảnh: C.T
Thật may mắn là tất cả được giải quyết và đi đến sản phẩm cuối cùng.
NGUYỄN GIA PHƯƠNG
Nhóm gồm 10 học sinh: Nguyễn Gia Phương, Trần Công Đại, Lê Nữ Uyên Phương, Hồ Hữu Tường, Nguyễn Khánh Linh, Lê Văn Nhân Kiệt, Nguyễn Vân Anh, Nguyễn Hữu Quang Nhật, Nguyễn Thị Kim Anh và Nguyễn Xuân Tùng.
Từ những câu hỏi về môi trường sống
Tại sao rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa có mặt ở khắp mọi nơi? Tại sao mọi thứ đều phải đóng vào chai nhựa? Liệu có thực phẩm xanh nào có thể thay thế được các loại sản phẩm công nghiệp thường dùng hay không?... Đó là những câu hỏi của các bạn nhóm này.
Từ thắc mắc, nhóm kết nối với nhau chia sẻ về ý tưởng làm ra sản phẩm bánh xà phòng thân thiện với người dùng, với môi trường. Họ tận dụng những nguyên liệu có xung quanh mình như nha đam, đậu đỏ cùng một số tinh dầu như dừa, bạc hà.
"Nhà nhà đều đang dùng xà phòng dạng lỏng đóng chai được sản xuất công nghiệp. Đáng tiếc là các vỏ chai nhựa này sau khi được các gia đình sử dụng xong hầu như không được tái chế mà thải ra môi trường, làm tăng lượng rác thải nhựa đáng kể. Đó là lý do nhóm chọn các nguyên liệu từ thiên nhiên để làm" - Gia Phương lý giải.
Trong hai tháng, các bạn nghiên cứu thành phần, tỉ lệ cũng như kiểm tra các chỉ số để có thể cho ra được một bánh xà phòng hoàn chỉnh có tính sát khuẩn làm sạch, tạo hình, đủ độ đông, tạo bọt và an toàn. "Vì cả nhóm chỉ mới là học sinh nên để tìm ra được một tỉ lệ chuẩn cho bánh xà phòng tốt là những phần việc ban đầu mà nhóm phải giải quyết" - một thành viên trong nhóm cho biết.
Quên ăn, thất bại và sản phẩm ra đời
Sau tiết học trên lớp mỗi ngày là cả nhóm tụm nhau lại để thử nghiệm. "Nhiều lúc quên cả ăn" - Gia Phương nói. Ấy vậy mà nhóm liên tục thất bại và phải bỏ đi hàng chục, hàng trăm mẫu thử.
Từng bước điều chỉnh, cuối cùng nhóm đã tìm ra cho mình một tỉ lệ chuẩn. Đầu tiên, nhóm cho ra hỗn hợp phôi và hương liệu theo tỉ lệ. Sau đó, nấu chúng trong 30-40 phút trên lửa vừa đủ. Trong quá trình nấu cho thêm vài giọt dầu dừa và tinh dầu mùi bạc hà để tạo hương. Cuối cùng, cho dung dịch vừa nấu vào khuôn rồi thực hiện thêm một số công đoạn làm đông, bảo quản là có thể sử dụng. Trong quá trình làm, nhóm đã kiểm tra tỉ lệ và đo chỉ số dưới sự hướng dẫn và kiểm tra của thầy.
"Tụi mình học được nhiều điều ở quá trình làm việc nhóm: rút kinh nghiệm khi thất bại trong quá trình tìm ra tỉ lệ chuẩn. Rồi khớp lịch nhau khi lịch học mỗi người trong nhóm một khác. Thật may mắn là tất cả được giải quyết và đi đến sản phẩm cuối cùng với ưu điểm là khi dùng da sẽ mềm, mịn, không bị khô. Sản phẩm không sử dụng các chai nhựa để đóng gói nên giảm thiểu lượng rác thải nhựa đáng kể" - Gia Phương cho hay.
Về hình thức sản phẩm, các bạn học sinh đã tạo hình bánh xà phòng thành nhiều hình ngộ nghĩnh, hợp với tuổi học trò như hình trái tim hay mặt con heo dễ thương và được gói trong giấy kiểu thô mộc, cột nơ bằng dây thừng trang trí.
Nhằm hoàn thiện đầy đủ các thủ tục để khi phát triển dự án với quy mô lớn hơn, sắp tới nhóm sẽ đưa sản phẩm đi kiểm định tại cơ quan chức năng. TS Đào Anh Quang - phó trưởng khoa Công nghệ hóa - môi trường, Trường CĐ Công nghiệp Huế, cố vấn khoa học của dự án - chia sẻ: "Việc tạo ra sản phẩm này có tác động tích cực đến ý thức bảo vệ môi trường, thật tốt nếu được sử dụng thay thế các loại xà phòng đóng chai".
Đã có những đơn đặt hàng thường xuyên
Vì được làm từ các nguyên liệu thiên nhiên nên giá thành sản phẩm này rất mềm: 8.000 đồng/sản phẩm. Nhóm chọn cách quảng bá trên mạng xã hội với thông điệp lan tỏa lối sống xanh và thông tin dự định của nhóm là: số tiền bán được sẽ dùng để tạo ra những bánh xà phòng mới tặng cho trẻ em khó khăn.
Các bánh xà phòng xanh được các bạn học sinh tạo hình bắt mắt - Ảnh: CÔNG TRIỆU
Chỉ sau ba ngày tung ra status, sản phẩm của nhóm đã được khá đông người ủng hộ, với số lượng bán ra ban đầu là 130 bánh. Ngoài ra còn có 15 hộ gia đình trên địa bàn TP Huế đặt hàng sử dụng sản phẩm thường xuyên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận