TTCT - Tôi ước gì những tấm biển báo giao thông... biết lái xe, tự cầm lái, lái xe biển trắng (không phải xe ưu tiên), mà đi dọc Việt Nam. Ảnh: AxiosĐang bon bon ở tốc độ được kiểm soát trong tầm quy định (tối đa 90 km/h ở quốc lộ 2 làn xe có dải phân cách cứng) trên quốc lộ 51 sau khi qua trạm thu phí T2 đã bỏ thu phí cả năm trời nay nhưng cổng sắt vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, thì tôi giật thót khi nhìn thấy biển báo "Hết khu vực đô thị/khu dân cư"! Thế là xong đời - một vi phạm tốc độ giao thông mà theo quy định ngoài phạt tiền gần nửa tháng lương, còn bị giữ bằng 2 tháng!Thiền sau tay láiBắt đầu cơn hoang mang: Biển báo vào "Khu vực đô thị/khu dân cư" ở khúc nào nhỉ? Những lần qua trước đây đâu thấy có? Liệu có bị "ngoắc" vào không? Có "cam" ghi hình phạt nguội không? Tôi chắc chắn không đơn độc trải qua cơn hoang mang sau tay lái này. Trên diễn đàn otosaigon thời điểm đó (tháng 9-2023) có hẳn một topic (chủ đề) về tấm biển "Khu đô thị" mới đặt này. Đa số đều bày tỏ lo lắng kèm cả bức xúc khi biển báo mới xuất hiện, lại cắm khá thấp ở lề đường bên phải, nếu đi ở làn ngoài cùng rất dễ bị bỏ qua, nhất là khi hai làn trong lại có xe cùng lưu thông thì cầm chắc khỏi thấy luôn! Phải cả năm sau khi có rất nhiều phản ứng như vậy trên các diễn đàn và báo chí (kèm theo vô số người vi phạm bất ngờ như tôi), người ta mới lắp thêm biển báo phụ ở dải phân cách giữa, giúp xe đi ở làn ngoài có thể quan sát được - nhưng biển phụ này lại khá bé và không phản quang.Đó chỉ là một chuyện nhỏ giữa "ma trận" biển báo giao thông đường bộ ở Việt Nam hiện nay.Tôi bắt đầu lái xe xuyên Việt gần như mỗi năm, từ năm 2001. Ngoài lý do được "lái xe về quê", mỗi chuyến đi đều là những trải nghiệm mới mẻ trước sự thay đổi nhanh chóng và liên tục của cả đất nước. Một trong những thay đổi siêu tốc chính là những con đường, rất nhiều đường mới mở, mới nâng cấp, cao tốc mới thông, khu đô thị mới mọc... Dĩ nhiên biển báo giao thông cũng nhiều hơn, phức tạp hơn, với mục tiêu tốt đẹp là giúp điều phối sự lưu thông suôn sẻ, an toàn. Nhưng đi cùng sự mới mẻ, đẹp đẽ ấy là không ít những bất cập, máy móc, thiếu thực tế của biển báo, mà thay vì hỗ trợ lái xe an toàn thì ngược lại, gây hoang mang, ức chế sau tay lái.Thử thách đọc, hiểu, thậm chí là đoán biển báo là có thật. Biển báo mới đặt nhưng thiếu cảnh báo nhắc nhở. Biển báo đặt ở nơi hạn chế tầm quan sát của lái xe - nhiều nơi biển báo giao thông chen lấn với biển quảng cáo của nhà dân hai bên đường, nhìn như trận đồ bát quái. Nhiều biển - mình đồng da sắt hẳn hoi - lại núp trong bóng cây, tán lá cho... mát. Lại có địa phương, như Từ Sơn (Bắc Ninh), để chào mừng việc "lên thành phố", người ta giăng đèn kết hoa nhấp nháy ngay trên bảng đèn tín hiệu giao thông, khiến lái xe tá hỏa nhìn mãi mới ra đèn nào là đèn giao thông, đèn nào là đèn trang trí."Đặc sản" của quốc lộ từ Khánh Hòa đi Phú Yên là những biển báo giới hạn tốc độ theo nhiều khung giờ, mà muốn đọc hết thông tin trên biển, lái xe chỉ còn cách dừng lại! (Thực tế đã có người phải làm thế). Đoạn quốc lộ qua Kỳ Anh, Hà Tĩnh được mệnh danh là "con đường đánh đố" vì treo biển giới hạn tốc độ song song nhưng thông tin lại khác nhau: bên quy định mọi loại xe đều phải tuân thủ tốc độ giới hạn, bên lại gắn thêm biển phụ quy định giới hạn chỉ dành cho xe tải và xe khách (!), lái xe tới đây không biết nên tin biển nào. Thanh Hóa đoạn qua một xã ven biển lại có biển báo "Hết khu đông dân cư", dù trước đó lái xe không tìm thấy biển "Vào khu đông dân cư" đặt chỗ nào...Thử thách... thiền với biển báo là có thật. Là khi hạ tầng, bối cảnh giao thông đã thay đổi nhưng biển báo vẫn tuyệt đối kiên trung. Công trường làm đường rút đi rồi nhưng biển cắm giới hạn 40km/h vẫn ở lại. Biển giới hạn 5km/h qua đoạn có sửa chữa là con số "không tưởng" vì chỉ có... đi bộ mới duy trì được tốc độ này. Phải mất hơn 4 tháng cài tốc độ 60, 50 thậm chí 40 km/h trên cung đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả dài 24km rộng tới 6 làn xe, thông thoáng, không đi qua khu đông dân cư, nhờ tích cực có ý kiến trên các diễn đàn, các lái xe mới đỡ mỏi chân hơn trên cung đường trị giá hơn 2.200 tỉ này, với biển giới hạn mới: 80 km/h.Biển báo cùng loại lắp dày đặc trên quốc lộ 27 đoạn qua xã Lạc Lâm (huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) - Ảnh: M.V.Nỗi hoang mang trên đườngCả những biển báo cho vui (!) cũng có thật. Dù xuất hiện rất nhiều nhưng như chỉ để cho có, là biển "Giới hạn tốc độ tối thiểu". Lại là số 60. Biển này phổ biến trên các cao tốc, nhưng gần như chả ai thèm quan tâm, cả lái xe lẫn cơ quan chức năng. Mà thực tế trên nhiều cao tốc cắm biển này, muốn chạy đúng quy định cũng không hề đơn giản. Lắm khi trên An Phú - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc bận rộn nhất Việt Nam hiện nay, xe tôi chỉ di chuyển được 5-10 km/h vì kẹt, lấy đâu 60 km/h mà đi. Phóng viên báo Tiền Phong cũng đã thử tuân thủ đúng biển báo trên đường Pháp Vân - Cầu Giẽ để thấy thực tế nó lại quá nguy hiểm. Thậm chí từng có tai nạn giao thông xảy ra chỉ vì ô tô chạy đúng tốc độ đâm phải khách bộ hành băng qua đường hoặc mất lái đâm vào dải phân cách!Và cũng có thật là tâm lý căng thẳng, bối rối, hoang mang, ức chế của tôi sau tay lái giữa muôn trùng vây biển báo giao thông rối não như vậy, mà tôi biết đó là "tâm lý đen" tai hại của người lái xe. Nó liên quan đến sự tỉnh táo của người cầm lái, sự an nguy trên đường và cả sự kiểm soát/mất kiểm soát khi xảy ra sự cố với xe khác, người khác. Những biển báo giao thông mới, rất đẹp, đúng quy chuẩn, quy định, như khẳng định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, trên những con đường mới, và tôi tin điều ấy. Nhưng giá mà những tấm biển ấy... biết lái xe, tự cầm lái, lái xe biển trắng (không phải xe ưu tiên) đi dọc Việt Nam, chúng sẽ thấy ngay thôi, như tôi và chúng ta đã, đang thấy, những bất cập, lạc hậu, vô lý vì thiếu thực tế hằng ngày. Chúng sẽ thay đổi, nhanh chóng và thống nhất một cách có hệ thống để thực sự là những chỉ dẫn an toàn cho người lái xe và hiệu quả cho hệ thống giao thông của quốc gia.Tôi cầu trời cho những biển báo ấy cầm lái và lên đường!■ Mặc dù hệ thống biển báo giao thông ở Việt Nam đang như... rừng, nhưng lại đang khá thiếu vắng một loại biển báo quan trọng hàng đầu trong hệ thống biển báo ở các quốc gia phát triển, đó là biển STOP, tức bắt buộc phương tiện giao thông phải dừng trước khi tiếp tục di chuyển ở giao lộ, vòng xuyến, nhất là từ nhánh phụ ra đường chính. Ở những quốc gia có hệ thống cao tốc dày đặc như châu Âu, tốc độ di chuyển cao (120-130 km/h trên cao tốc, thậm chí có đoạn không giới hạn tốc độ như ở Đức), quy định STOP cực kỳ nghiêm cẩn. Ở Việt Nam, nơi quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ và đường trong nội đô giao cắt với vô số đường nhánh, ngõ, ngách, giờ ai nấy dường như chỉ quan tâm đi, phóng, không mấy ai quan tâm tới việc dừng, phanh. Nên tai nạn lắm khi thật vô lý, thật đau lòng... Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Xây dựng văn hóa giao thông Tiếp theo Tags: Biển báo giao thôngGiới hạn tốc độKhông giới hạnQuy địnhQuốc lộ
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tập trung tháo gỡ khó khăn, rào cản để ngành y tế vươn dậy TTXVN 24/02/2025 Ngành y tế Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức lớn, đòi hỏi sự đổi mới mạnh mẽ để bảo đảm chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Ngư dân đang tổ chức lễ cầu ngư trước Lăng Ông thì 'cá ông' dạt vào bờ TRƯỜNG TRUNG 24/02/2025 Trong quá trình tổ chức lễ Cầu ngư ở Lăng Ông thì ngư dân Đà Nẵng phát hiện "cá ông" dạt vào bờ.
Các cơ quan chính phủ phớt lờ 'tối hậu thư' của ông Elon Musk TÂM DƯƠNG 24/02/2025 Nhiều cơ quan chủ chốt của Mỹ nói nhân viên không cần nghe yêu cầu của tỉ phú Elon Musk phải báo cáo công việc của họ trong 1 tuần.
Ngang nhiên, tùy tiện cho thuê... vỉa hè LÊ PHAN 24/02/2025 Vỉa hè bị chiếm dụng, cho thuê làm chỗ buôn bán, đậu xe... khiến người đi bộ không có chỗ để đi. Bao giờ hết tình trạng này?