31/10/2016 10:53 GMT+7

Biển báo “gài” tài xế

HỒ ĐỨC
HỒ ĐỨC

TTO - Gần đây, một số tài xế ôtô qua địa bàn P.Bình Thọ, Q.Thủ Đức, TP.HCM đến các đoạn giao với đường Nguyễn Văn Bá thì bị lập biên bản phạt lỗi “đi vào đường cấm”.

Biển báo bị cây che khuất tầm nhìn trên đường Hồng Đức giao với Nguyễn Văn Bá, Q.Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: HỒ ĐỨC

Các tài xế cho rằng hệ thống biển báo giao thông trong khu vực trên có phần chưa hợp lý, làm khó tài xế. 

Chịu lập biên bản trong ấm ức

Trường hợp của tài xế taxi L.V.H. bị lập biên bản vi phạm lỗi đi vào đường cấm tại một ngã ba giao với đường Nguyễn Văn Bá. Anh H. kể: “Lúc đó hơn 6g tối, có khách đi xe gọi tôi đón ngay một đoạn ngã ba thì cảnh sát trật tự cơ động Công an Q.Thủ Đức gọi lại và cho biết tôi phạm lỗi đi vào đường cấm ôtô, đường chỉ dành cho xe khu dân cư lưu thông”.

Anh H. thắc mắc: “Tôi thấy đầu đường vào có biển báo chỉ cấm xe 1,5 tấn, xe của tôi không thuộc diện ấy tôi mới đi vào, đến cuối đường mới có biển cấm ôtô, chỉ cho xe khu dân cư được phép lưu thông, tôi thấy phạt vậy ấm ức quá”.

Còn anh N.T.C. kể lại ngày 29-9, anh điều khiển ôtô theo hướng từ đường Hồng Đức rẽ phải ra đường Nguyễn Văn Bá thì bị lực lượng cảnh sát trật tự cơ động Công an Q.Thủ Đức yêu cầu dừng xe, thông báo lỗi vi phạm đi vào đường cấm.

“Biển báo đầu tiên trên đường Hồng Đức tôi thấy là biển hiệu lệnh chỉ được rẽ phải. Thế nhưng đến cuối đường mới xuất hiện biển chỉ xe nội bộ dân cư mới được rẽ phải và biển cấm toàn bộ các loại xe rẽ trái.

Đoạn đó là cuối đường nên tôi chỉ còn cách rẽ phải. Biển báo đặt như vậy có đi thế nào tôi cũng phạm luật. Chưa kể trên một đoạn đường vài trăm mét mà có tới mấy cái biển, lại đặt ở chỗ có bóng cây che khuất khó quan sát” - anh C. nói.

Dù đã có phân trần với lực lượng chức năng nhưng anh C. vẫn phải chấp nhận bị lập biên bản với lỗi điều khiển ôtô đi vào đường cấm.

Cần thay đổi nếu chưa hợp lý

Theo ghi nhận, trên đường Nguyễn Văn Bá giáp với nhiều giao lộ như Nguyễn Trường Tộ, Alexande De Rhodes, Hồng Đức..., hầu hết các biển báo cấm ôtô trừ xe nội bộ dân cư và biển cấm rẽ trái được đặt cách giao lộ chừng vài mét.

Tại một số tuyến đường hướng ra đường Nguyễn Văn Bá có xuất hiện biển điều hướng chỉ được rẽ phải, gần đến cuối giao lộ có biển cấm rẽ trái và biển cấm ôtô rẽ phải kèm biển phụ xe khu dân cư được phép lưu thông.

Ngoài ra còn có biển báo đặt ở chỗ bị tán cây che khuất, có thể gây khó khăn cho tầm nhìn của người đi đường. Việc phân bố biển báo tại các tuyến đường ghi nhận nói trên chưa có tính thống nhất, dễ gây hoang mang cho người đi đường.

Đại tá Lê Anh Tuấn - trưởng Công an Q.Thủ Đức - cho biết trong thời gian vừa qua, đội cảnh sát trật tự Công an Q.Thủ Đức đã xử lý vi phạm nhiều trường hợp ôtô đi vào đường cấm trên tuyến đường Nguyễn Văn Bá.

“Cơ quan có nhận được phản ảnh của tài xế. Nắm bắt được tình hình trên, chúng tôi đã có đề xuất kiến nghị với Phòng quản lý đô thị về việc xem xét lại các bất cập liên quan đến hệ thống biển báo hiệu trong khu vực nói trên” - ông Tuấn nói.

Theo ông Nguyễn Nam Hải - trưởng Phòng quản lý đô thị Q.Thủ Đức, hệ thống biển báo cấm và chỉ dẫn trên các tuyến đường ngang giao với đường Nguyễn Văn Bá nhằm tổ chức phục vụ thi công dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

Do tuyến đường này liên quan trực tiếp và chịu ảnh hưởng của việc xây dựng nên các biển báo tạm thời được đặt ra nhằm điều tiết giao thông và đảm bảo an toàn trong khi xây dựng. Biển báo có hiệu lực đến ngày 15-3-2017.

Xung quanh phản ảnh biển báo chưa hợp lý, ông Hải cho biết việc quản lý lắp đặt những biển báo giao thông trên tuyến đường này đã được thông qua Sở Giao thông vận tải TP.HCM.

“Chúng tôi đã nhận được đề xuất, kiến nghị của Công an Q.Thủ Đức về những bất cập có liên quan đến biển báo. UBND quận đã có chỉ đạo Phòng quản lý đô thị phối hợp cùng công an quận và Khu quản lý giao thông đô thị số 2 xem xét, đề xuất, điều chỉnh các bất cập nếu có”.

Những quy định về biển báo

Theo luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch, hiện chưa có quy định cụ thể về quy định dành riêng cho ôtô, taxi không được di chuyển trong khu dân cư. Việc này được thực hiện theo các biển báo đặt trong khu dân cư, theo quy hoạch của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Trong trường hợp phát hiện biển báo đặt ở vị trí khó quan sát hoặc quan sát không rõ thì có thể kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều chỉnh vị trí để dễ nhìn và thực hiện theo quy định.

Căn cứ theo quy định điều 27 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2012/BGTVT ban hành kèm theo thông tư số 17, biển báo cấm được đặt ở nơi đường giao nhau hoặc trước một vị trí trên đường cần cấm, biển có hiệu lực bắt đầu từ vị trí đặt biển trở đi.

Nếu vì lý do nào đó biển phải đặt cách xa vị trí định cấm thì phải đặt biển chỉ rõ khoảng cách (biển phụ) từ sau biển cấm đến vị trí biển bắt đầu có hiệu lực. Nếu đoạn đường phải thi hành biển cấm có giá trị rất dài thì tại các nơi đường giao nhau trong đoạn cấm có xe đi vào đoạn đường ấy, các biển cấm phải được đặt nhắc lại.

Cũng theo quy chuẩn này, kể từ ngày 1-11-2016: Nếu đoạn đường phải thi hành biển cấm có hiệu lực rất dài, tại các nơi đường giao nhau biển cấm phải được nhắc lại đặt ngay phía sau nơi giao nhau theo hướng đường đang có biển cấm.

Nếu không có biển nhắc lại, biển cấm được mặc nhiên xem là hết hiệu lực.

HỒ ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên