Biden rút lui, Harris lĩnh ấn

THANH TUẤN 27/07/2024 12:23 GMT+7

TTCT - Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 21-7 đã chính thức thông báo dừng chiến dịch tái tranh cử. Đây là hành động nhiều nhà quan sát đánh giá là "xả kỷ" - đặt đất nước lên trên hết.

Biden rút lui, Harris lĩnh ấn- Ảnh 1.

Ảnh: AFP

Huyền sử kể rằng khi Vua Anh George III nghe tin Tổng thống Mỹ George Washington quyết định nghỉ sau nhiệm kỳ 2, ông đã thốt lên: "Nếu làm vậy, ông ấy sẽ là người vĩ đại nhất".

Còn về ông Biden, Norm Eisen, nhà ngoại giao kỳ cựu, đánh giá quyết định rút lui của ông Biden là "hành động yêu nước bậc nhất mà đời tôi chứng kiến". 

David Axelrod, cựu cố vấn của Tổng thống Barack Obama, nhận xét: "Lịch sử sẽ ghi nhớ ông vì rất nhiều thành tựu, đặc biệt trong nhiệm kỳ tổng thống và vì quyết định cực kỳ khó và xả kỷ hôm nay". Danh hài Jon Stewart tweet đơn giản: "Huyền thoại".

Theo Wall Street Journal, quyết định của ông Biden là diễn biến kịch tính mới nhất trong 30 ngày qua của chính trường Mỹ: màn tranh luận tệ hại của ông hôm 27-6, Tòa tối cao ra phán quyết trao quyền miễn trừ lớn cho tổng thống hôm 1-7, vụ ám sát hụt đối thủ của ông Biden, ông Donald Trump hôm 13-7, tòa bác đơn vụ tài liệu mật chống ông Trump và việc ông chọn JD Vance làm ứng viên phó tổng thống hôm 15-7. 

Các nhà sử học khi nhìn lại chắc chắn sẽ đánh giá cuộc tranh luận là màn tự hủy tệ hại nhất lịch sử. Trong nhiều tháng, sự đi xuống vì tuổi tác của ông được phe Biden che giấu bằng các phát biểu dựa vào máy nhắc và tránh né trả lời phỏng vấn báo chí.

Chính phe Dân chủ đề xuất tranh luận sớm hơn với hy vọng cảnh báo dư luận về mối nguy Donald Trump. Nhưng thay vào đó, màn tranh luận yếu ớt, thiếu logic của ông Biden đã gây hiệu ứng ngược.

Tới ngày 21-7, đã có 36 nghị sĩ Dân chủ công khai kêu gọi ông Biden rút lui. Các nhân vật lãnh đạo đảng như Nancy Pelosi, Chuck Schumer và kể cả Obama đều đã bắn đi tín hiệu là họ sẽ mạnh tay hơn nếu ông không rút.

Biden rút lui, Harris lĩnh ấn- Ảnh 2.

Ảnh: WPR

Bà Harris "dọn sạch" đối thủ trong 24 giờ

Diễn biến mới đẩy cuộc đua vào bước ngoặt khi phe Dân chủ nhanh chóng ủng hộ Phó tổng thống Kamala Harris trở thành ứng viên. Và giờ vấn đề tuổi tác chuyển sang thành vấn đề của... phe Cộng hòa. Ở tuổi 59, bà Harris trẻ hơn 19 tuổi so với ông Trump, đã 78 tuổi.

Trong chưa đầy 24 giờ đồng hồ sau khi ông Biden tuyên bố rút lui, bà Harris đã "dọn sạch" các đối thủ tiềm tàng trong cuộc đua thay thế. 

Ngay sáng 22-7, bà nhận được sự ủng hộ của một loạt thống đốc: JB Pritzker (Illinois), Gretchen Whitmer (Michigan), Wes Moore (Maryland) và Andy Beshear (Kentucky). 

Khi ông Biden tuyên bố ủng hộ bà Harris thay ông, các nhân vật khác trong đảng, gồm các ứng viên tiềm tàng như các thống đốc Josh Shapiro (Pennsylvania), Gavin Newsom (California) hay Bộ trưởng Giao thông Pete Buttigieg, đều đã công khai tuyên bố ủng hộ bà Harris.

Làn sóng đó về cơ bản chấm dứt khả năng cạnh tranh xảy ra với bà Harris. Thời gian quá ngắn và rủi ro chia rẽ nội bộ trước đối thủ quá mạnh như ông Trump buộc phe Dân chủ phải chọn một phương án nhanh chóng. 

"Tôi tự hào ủng hộ Phó tổng thống Kamala Harris cho vị trí tổng thống Mỹ", ông Pritzker nói. "Bà ấy là chiến binh chúng ta cần lúc này để thực hiện lời hứa của đất nước", ông Moore tuyên bố.

Làn sóng đó cũng cho thấy sức mạnh và sự đoàn kết hiếm hoi nơi phe Dân chủ sau nhiều tuần hỗn loạn và lo lắng về ông Biden. Giờ thì cuộc đua sẽ chủ yếu xoay quanh vị trí ứng viên phó tổng thống cho bà Harris. Báo chí Mỹ cho biết bà đã trao đổi với một số ứng viên như ông Beshear và Thống đốc Roy Cooper (North Carolina).

Theo tính toán của AP, tới tối 22-7, bà Harris đã có sự ủng hộ của 2.668 đại diện, vượt xa con số 1.976 đại diện cần thiết để giành vị trí ứng viên của đảng. Chủ tịch phe Dân chủ ở bang California Rusty Hicks nói 75-80% đại diện của bang ở cuộc họp sớm trong ngày đã nhanh chóng ủng hộ bà Harris.

Biden rút lui, Harris lĩnh ấn- Ảnh 3.

Ảnh: Brookings Institution

Kỷ lục gây quỹ

Chiều 21-7, chiến dịch của ông Biden chính thức chuyển tên sang cho bà Harris để bà bắt đầu nắm bộ máy hơn 1.000 nhân viên và ngân quỹ tranh cử 96 triệu USD tính tới cuối tháng 6.

"Phương án Harris" có vẻ cũng đã gây được phấn khởi trong cử tri và các nhà tài trợ: Trong 24 giờ đầu tiên sau khi ông Biden rút lui, chiến dịch Đảng Dân chủ đã gây quỹ được 81 triệu USD - một kỷ lục, với sự đóng góp từ 880.000 nhà tài trợ.

Future Forward, tổ chức gây quỹ của phe Dân chủ, nói họ nhận được cam kết 150 triệu USD chỉ trong vòng 24 giờ sau khi ông Biden rút. Lý do có thể là các nhà tài trợ trước đó đã giam tiền lại để gây sức ép đòi ông Biden rút.

Đội ngũ tranh cử của bà Harris cũng ghi nhận sự quan tâm lớn khi chỉ trong một ngày có thêm 28.000 tình nguyện viên đăng ký mới, cao hơn 100 lần so với chiến dịch của ông Biden. Cựu chủ tịch Hạ viện Pelosi, người từng dè dặt khi ủng hộ ông Biden, giờ nói bà "ủng hộ hết mình" cho bà Harris.

Đại hội Đảng Dân chủ sẽ diễn ra từ ngày 19 tới 22-8 ở Chicago. Họ dự kiến sẽ bắt đầu quá trình bỏ phiếu sớm từ 1-8 để có thể chốt ứng viên vào ngày 7-8. 

Trong một thông điệp, bà Harris nói di sản của ông Biden là "không ai sánh được trong lịch sử Mỹ hiện đại". "Chúng ta còn 107 ngày cho tới ngày bầu cử - bà Harris viết - Cùng nhau, chúng ta sẽ chiến đấu. Cùng nhau, chúng ta sẽ chiến thắng".

Ảnh: Texas Monthly

Ảnh: Texas Monthly

Thách thức về đường dài

Bà Harris sẽ kế thừa những di sản của chính quyền Biden trong 4 năm qua, cả những thành công và thất bại. 

Bà có thể tự hào với một số thành công chính sách như luật thúc đẩy xây dựng hạ tầng, nhưng cũng có thể bị tấn công vì những thất bại như cuộc rút quân thảm họa khỏi Afghanistan, lạm phát tăng hay thất bại trong kiểm soát làn sóng nhập cư từ biên giới phía nam.

Sau hai năm đầu bà Harris thường bị chỉ trích vì thiếu chiều sâu và bộ máy không hiệu quả, phe Dân chủ đã ghi nhận khả năng của bà nhiều hơn trong giai đoạn gần đây. 

Phán quyết của Tòa tối cao lật lại quyền phá thai cho phép bà xuất hiện nhiều hơn để lên tiếng về vấn đề này cùng quyền phụ nữ nói chung. Bà Harris cũng hiệu quả trong bảo vệ ông Biden sau màn tranh luận thảm họa.

Là ứng viên phe Dân chủ, bà có thể thành công hơn ông Biden trong kêu gọi các nhóm cử tri chủ chốt của đảng: người da màu, cử tri trẻ và lực lượng tiến bộ - các nhóm đã miễn cưỡng trong ủng hộ ông Biden suốt hơn một năm qua. 

Hành trình của bà Harris từ công tố viên trở thành tổng chưởng lý bang California, thượng nghị sĩ, rồi phó tổng thống đã đi qua một loạt rào cản sắc tộc và giới tính ở chính trường Mỹ. 

Bà Harris có cha sinh ở Jamaica, mẹ gốc Ấn Độ và chồng là người Do Thái da trắng. Bà sẽ là nữ ứng viên da đen và gốc Nam Á đầu tiên trở thành ứng viên tổng thống của một đảng ở Mỹ.

Năm 2020 ở California và quốc hội, bà là ngôi sao đang lên và đã ra chạy đua tổng thống. Nhưng năm đó, chiến dịch của bà thất bại thảm hại. 

Bà Harris buộc phải rút lui vào tháng 12-2019, vài tuần trước cuộc bầu cử sơ bộ của đảng. Tháng 8-2020, ông Biden cứu sự nghiệp chính trị của bà khi lựa chọn bà làm ứng viên phó tổng thống.

Nhưng ở cương vị phó tổng thống, bà Harris gặp nhiều khó khăn trong nội các. Bà không hài lòng với sự thiếu định hướng hay thiếu ủng hộ từ ông Biden và đội ngũ của ông ở Nhà Trắng. Những sai lầm ban đầu tác động mạnh tới bà. 

Khi được ông Biden trao nhiệm vụ giải quyết vấn đề biên giới, bà Harris lúng túng khi đối mặt với làn sóng lớn các gia đình đổ tới. Trước áp lực của phe Cộng hòa phải tới thăm khu vực, bà nói với NBC rằng bà không hiểu vì sao việc này quan trọng vậy. 

Chỉ số ủng hộ của bà rớt thảm hại và thực tế chưa bao giờ hồi phục. Thăm dò trên trang FiveThirtyEight cho thấy tỉ lệ ủng hộ bà chỉ xấp xỉ 38% và hơn 1/2 số người được hỏi không hài lòng với những gì bà đã làm.

Những lo ngại vẫn còn đó. Nhiều nhà vận động và các thành viên trong Đảng Dân chủ lo ngại bà Harris không có sự ủng hộ rộng hay sức hấp dẫn đủ để đưa phe Dân chủ chiến thắng ông Trump hay ở Quốc hội. Chính những hạn chế của bà Harris là nguyên nhân lớn khiến lúc đầu ông Biden quyết tâm tái tranh cử.

Để thắng ông Trump, bà cần nhanh chóng chứng minh là có thể một mình đối đầu với đối thủ đáng gờm đấy. ■

Trong quá khứ thì các vụ thay thế ứng viên là tổng thống đương nhiệm thường không có kết cục tốt. Jimmy Carter từng đối mặt với Ted Kennedy vào năm 1980 rồi sau đó thất bại trước Ronald Reagan. Đại hội Đảng Dân chủ năm 1968 diễn ra hỗn loạn sau đó đã bầu ra Hubert Humphrey (phó tổng thống của Lyndon Johnson), người sau đó đã thua trước Richard Nixon. Với ứng viên mới lần này, phe Dân chủ vẫn có thể thua. Tuy vậy, theo The Economist, với việc trao cơ hội đánh bại Trump cho một ứng viên thuộc thế hệ mới, ít nhất phe Dân chủ có cơ hội tốt hơn so với ứng viên cũ Biden.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận