Trong cuộc gặp đầu tiên ngày 9-5, hai ông vẫn kiên quyết giữ lập trường. Tổng thống Biden của Đảng Dân chủ muốn Quốc hội nâng trần nợ vô điều kiện để tránh vỡ nợ, còn ông McCarthy của Đảng Cộng hòa yêu cầu phải gắn thêm các biện pháp giảm mạnh chi tiêu.
Cuộc đối đầu này không chỉ sẽ tác động mạnh đến nền kinh tế mà còn với cục diện chính trường Mỹ trong những năm tới.
Sau cuộc gặp "thăm dò" đối phương, trợ lý của hai bên tiếp tục đàm phán trước khi ông Biden, ông McCarthy cùng ba lãnh đạo cấp cao Quốc hội Mỹ sẽ gặp lại nhau vào ngày 11-5.
Tiền sắp cạn
Trọng tâm của vấn đề nợ công ở Mỹ là cần phải nâng mức trần nợ hiện nay là 31.400 tỉ USD lên trước đầu tháng sau để chính phủ có thể vay thêm tiền, nếu không Washington sẽ vỡ nợ.
Thực ra nợ công của Mỹ đã chạm nóc từ tháng 1-2023, nhưng Bộ Tài chính Mỹ đã sử dụng "các biện pháp đặc biệt" để cấp thêm tiền cho chính phủ trong khi tìm kiếm thỏa thuận. Bộ trưởng tài chính đã cảnh báo Mỹ sẽ sạch tiền vào ngày 1-6.
Việc không nâng trần nợ sẽ gây thiệt hại nặng về kinh tế cho Mỹ. Khi đó chính phủ sẽ không thể trả lương cho nhân viên liên bang, quân đội hay lương hưu, các cơ quan đóng cửa và kéo theo tác động dây chuyền. Và nếu Mỹ không thể trả lãi suất các khoản vay, nước này sẽ vỡ nợ.
Trong lần chậm thanh toán nợ do sự cố của Bộ Tài chính Mỹ vào năm 1979, dù chỉ kéo dài ít ngày nhưng đã gây sốc cho cả nền kinh tế Mỹ. Lần này hãng phân tích Moody's Analytics cảnh báo cuộc khủng hoảng nợ kéo dài có thể khiến chứng khoán giảm đến 1/5, kinh tế giảm 4% và hơn 7 triệu việc làm sẽ mất.
Thông thường các cuộc chiến nợ công sẽ đạt được thỏa thuận vào phút cuối, dù năm 2011, khi trần nợ được nâng chỉ 72 giờ trước thời điểm vỡ nợ đã khiến Mỹ bị hạ xếp hạng tín nhiệm, thị trường chao đảo.
Tuy nhiên giới phân tích cho rằng tình huống lần này nguy hiểm hơn do cách biệt giữa phe Cộng hòa và Dân chủ rất lớn, và khả năng đạt được đột phá rất mong manh.
Hơn cả nợ công
Sau cuộc gặp ngày 9-5, ông Biden đã để ngỏ một số nhượng bộ như rút lại phần quỹ hỗ trợ COVID-19 chưa sử dụng, nhưng ông cũng cảnh báo sẽ dùng biện pháp mạnh nếu phe Cộng hòa kiên quyết gây áp lực với lá bài vỡ nợ.
Ông nói không loại trừ khả năng kích hoạt tu chính án 14 của hiến pháp nhằm tuyên bố trần nợ là vi hiến và đơn phương cho phép vay thêm tiền, dù biện pháp này sẽ gây tranh cãi và có thể bị kiện.
Trước tình thế căng thẳng, ông Biden thậm chí đã nói ông có thể bỏ Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Nhật Bản, dự kiến diễn ra từ ngày 19 đến 21-5, nếu không giải quyết xong vụ nợ công.
Trong khi đó ông McCarthy khẳng định không có tiến triển nào là do ông Biden không chịu đàm phán. Đầu tuần này chủ tịch Hạ viện Mỹ đã bác bỏ giải pháp ngắn hạn là tạm nâng trần nợ cho đến tháng 9 để các bên có thêm thời gian đàm phán.
Dù vậy các nhà phân tích vẫn cho rằng đây là một giải pháp khả thi hơn sáng kiến đúc đồng xu 1.000 tỉ USD để trả nợ được ông Paul Krugman, từng đoạt giải Nobel kinh tế, đề xuất gần đây.
Sau cuộc chiến năm 2011, giới quan sát đã nhận thấy xu thế biến trần nợ thành một "vũ khí" trên chính trường Mỹ. Cây bút Stephen Collinson của Đài CNN cho rằng sự đối đầu lần này giữa ông Biden và ông McCarthy cũng sẽ xác định ai là nhân vật quyền lực nhất tại Washington trong hai năm tới, và tác động đến cuộc bầu cử năm 2024.
Đối với ông Biden, tình thế gay go hơn. Trong vai trò tổng thống, ông có lý do để cứng rắn, nhưng việc để chính phủ vỡ nợ sẽ là thảm họa cho chiến dịch tái tranh cử.
Ngược lại, nếu nhượng bộ ông McCarthy, ông có thể bị "lép vế" trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ.
"Cả hai bên đối đầu dường như tin rằng bên kia sẽ chớp mắt trước để tránh những hậu quả kinh hoàng. Nhưng đáng lo là mỗi bên dường như tin rằng bên kia sẽ nhượng bộ để không bị đổ lỗi", cây bút Stephen Collinson nhận định.
Nhân viên chính phủ khởi kiện ông Biden
Theo Hãng tin Bloomberg, các nhân viên Chính phủ Mỹ đã nộp đơn kiện đòi Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen tiếp tục vay nợ để chính phủ hoạt động nếu các đảng phái không nâng được trần nợ.
Trong đơn kiện ông Biden và bà Yellen, Hiệp hội quốc gia các nhân viên chính phủ (NAGE), liên đoàn đại diện cho 75.000 nhân viên liên bang và quân sự, cho rằng trần nợ là vi hiến vì vi phạm sự tách biệt giữa quyền lực và nghĩa vụ trả nợ của Mỹ.
NAGE cũng yêu cầu tòa ngăn sa thải và bảo vệ phúc lợi cho nhân viên liên bang trong trường hợp xấu nhất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận