Lưới trời đang bước vào những tập phim mở ra loạt drama gay cấn và những trận chiến tình – tiền đẫm nước mắt từ thế hệ sau của Hạnh, Tím, Hải…. Nổi bật là 2 cô gái Mỹ Tiên do Bích Ngọc đảm nhận và Mỹ Tú do Lê Hạ Anh đảm nhận.
Trái ngược với Mỹ Tú tinh quái, thủ đoạn và đầy toan tính, Mỹ Tiên lại hiền lành, dịu dàng, chịu thương chịu khó và cố gắng vươn lên trong cuộc sống bằng chính sức lao động của mình.
Cô được ví như nàng thơ của Lưới trời với vẻ đẹp thanh thoát những đức tính tốt được thừa hưởng từ người mẹ của mình. Vào vai Mỹ Tiên là nữ diễn viên đến từ Hà Nội – Bích Ngọc.
Cô từng gây tiếng vang với vai Diệp trong Hương vị tình thân. Đây là lần đầu nữ diễn viên Nam tiến đóng phim xưa. Cô tiết lộ phải học khá nhiều thứ để có thể mang đến một Mỹ Tiên chân chất, mộc mạc và đằm thắm trong phim. Và cô đã dành cho Tuổi Trẻ Cười một cuộc trò chuyện.
* Chào Bích Ngọc, cơ duyên nào đưa bạn đến với vai Mỹ Tiên trong Lưới trời?
- Đây cũng là một trùng hợp khá thú vị. Tôi nghĩ là tôi có duyên với phim xưa và có duyên với chú Nguyễn Phương Điền. Có một khoảng thời gian tôi vào Sài Gòn học một vài kỹ năng diễn xuất.
Tôi cũng tranh thủ đi casting một số phim, trong đó có phim của chú Nguyễn Phương Điền. May mắn tôi lại phù hợp hình tượng của vai Mỹ Tiên và được nhận vào phim Lưới trời.
* Khi nhận kịch bản “Lưới trời”, bạn có trăn trở nhiều về vai diễn và những tác động xung quanh khi Nam tiến không?
- Ban đầu, tôi không nhận được kịch bản hoàn chỉnh, chỉ có phần tóm tắt của phim. Lúc đó, tôi thật sự không biết khi kịch bản hoàn chỉnh sẽ như thế nào?
Tuy nhiên, điều thôi thúc tôi nhận vai và khiến tôi thích thú nhất là Lưới trời thuộc dòng phim xưa, một dòng phim nổi tiếng và đặc trưng của miền Nam. Tôi nghĩ nếu mình không nhận phim này, có thể sẽ rất lâu sau tôi mới có cơ hội nhận được một kịch bản phim xưa, những năm 40 của miền Tây nói riêng và miền Nam nói chung.
Với tôi sẽ có rất nhiều khó khăn khi tham gia phim. Ví dụ, đây là bối cảnh miền Tây ngày xưa, tôi lại là người Bắc nên khó khăn nhất vẫn là cách biệt giữa khoảng thời gian và cách biệt văn hoá.
Ban đầu, tôi không biết mình sẽ làm nhân vật thế nào, nhưng điều đầu tiên thôi thúc trong tôi là tôi phải học giọng miền Nam. Trước đây, tôi cũng từng học tiếng Nam, nhưng một khoảng thời gian dài không nói, tôi cũng bị quên đi nên tôi học lại.
Khi đó, tôi chưa nắm bắt được tinh thần bộ phim, tôi đã hỏi chú Nguyễn Phương Điền là: “Có phim nào gần bối cảnh và tinh thần của Lưới trời để cháu xem và tham khảo không?”.
Lúc đó, chú nói tôi xem Tiếng sét trong mưa để học hỏi. Sau đó, tôi cũng về xem hết và nhanh chóng nắm bắt được tinh thần và cốt cách của phim xưa. Tôi không chỉ xem cách diễn mà còn xem cách các nhân vật ăn nói thế nào, truyền đạt cảm xúc thế nào, đi đứng ra sao… Tôi chuẩn bị tất cả để khi có kịch bản hoàn chỉnh tôi không bị bỡ ngỡ.
* Khi vào vai Mỹ Tiên, về trang phục và hóa trang bạn có gặp nhiều bỡ ngỡ không?
- Khi đóng phim, chú Phương Điền có bảo bên phục trang lo trang phục cho tôi nên cũng an tâm. Có thể chú sợ tôi vào miền Nam đóng phim, phần trang phục không biết may cái gì hoặc không biết may ở đâu, may sao cho đúng kiểu.
Chú bảo tôi không cần lo gì về phục trang, chỉ cần đi đóng phim cho tốt thôi. Phần phục trang tôi được lo cho rất nhiều nên không có áp lực hay khó khăn gì, về phần tạo hình cũng vậy. Tôi thật sự cảm thấy may mắn và biết ơn vì sự hỗ trợ quá nhiệt tình và thân thiện của đoàn phim.
* Đóng phim miền Nam và nhận vai trong phim xưa, bạn phải học hỏi và thay đổi nhiều ở điều gì?
- Việc đầu tiên tôi làm là học giọng miền Nam dù phim này là phim lồng tiếng. Nếu tôi nói giọng miền Bắc mà được lồng tiếng Nam cũng hơi buồn cười, gây khó khăn cho người lồng tiếng rất lớn. Tôi nhất quyết nói giọng miền Nam vì tôi cũng không muốn người lồng tiếng cho tôi gặp khó khăn, tôi muốn người lồng tiếng cho tôi có thể làm việc tốt nhất, hiệu quả nhất, không phải tôi cứ thoại sai rồi được người khác thoại đúng cho mình là an tâm.
Ngoài ra, giọng miền Bắc cũng có những câu đuôi khác giọng miền Nam nên tôi muốn làm tốt nhất phần giọng miền Nam của mình để người lồng tiếng có thể làm tốt nhất, hay nhất.
Khi ra phim trường, tôi cố gắng nói giọng miền Nam, thậm chí nói chuyện với mọi người tôi cũng cố gắng nói bằng giọng miền Nam để mình quen với ngôn ngữ, khẩu hình của người miền Nam.
Không chỉ giọng miền Nam, đôi khi có những từ ngữ miền Tây cần phải đảm bảo khi thoại. Khi đọc thoại, có lúc tôi còn không hiểu và phải hỏi anh phó đạo diễn. Thậm chí tôi nói giọng miền Nam nhờ anh góp ý xem tôi nói đã chuẩn hay chưa?
Tôi rất tích cực trong việc học giọng miền Nam. Tôi biết tôi thoại giọng miền Nam ở phim trường nghe không hay lắm nhưng đó là mục tiêu tôi đặt ra cho bản thân mình cần phấn đấu làm cho bằng được.
Tôi học giọng miền Nam một phần vì sự xưng hô ở ngoài Bắc và trong Nam cũng khác nhau, như ở Bắc tôi sẽ gọi là “bố” nhưng trong Nam gọi là “ba”. Tôi thấy điều này cũng ảnh hưởng nhiều trong diễn xuất.
Tôi quen với cách gọi là “bố” và nếu thoại như vậy tôi sẽ có cảm xúc hơn. Nếu đột ngột chuyển thành từ “ba” và không có sự chuẩn bị trước, tôi sẽ bị chệch cảm xúc, nên tôi cố gắng học giọng miền Nam để quen với văn phong ấy, khi vào cảnh cảm xúc tôi sẽ dễ dàng thể hiện cảm xúc của mình.
* Cảm nhận của bạn thế nào về cảnh trí của miền quê ở vùng Nam bộ? Các bối cảnh có mang lại cho bạn nhiều ấn tượng không?
- Tôi ấn tượng ngoài đời một nhưng khi lên phim tôi ấn tượng hơn gấp nhiều lần. Các anh ở tổ quay phim quay rất đẹp, ngoài ra ánh sáng cũng chiếm yếu tố rất quan trọng để lên hình đẹp. Về phần thiết kế của các chú hoạ sĩ cũng rất quan trọng.
Tôi thấy những cảnh quay và bối cảnh cứ như trong tranh vẽ. Tất cả do tổ quay phim, ánh sáng, thiết kế đã làm việc rất nhiều và ăn ý để có thể lên phim đẹp hoàn hảo nhất. Thật sự tôi rất khâm phục tinh thần làm việc hăng say và hết mình của êkíp Lưới trời.
* Thời tiết ở miền Tây có ảnh hưởng gì đến sinh hoạt và diễn xuất của bạn?
- Tôi vẫn chịu được nóng vì ở ngoài Bắc, mùa hè rất nóng và tôi cũng quen với việc đi quay vào mùa hè rồi. Điều tôi sợ nhất là nắng cháy da. Đôi khi tôi không bôi kem chống nắng, chạy ra ngoài quay luôn nên bị cháy da.
Có thể, ở Bắc sẽ có những chỗ nghỉ trưa nhưng đôi khi quay ở bối cảnh miền Tây, tôi phải quay ở giữa cánh đồng, thực sự lúc đó không có bóng cây hay bóng gì trú được, cảm giác hơi sợ.
* Trong phim có nhiều cảnh sông nước, bạn phải chèo thuyền, bạn cảm thấy thế nào? Bạn có học những kỹ năng chèo thuyền, hay tập đi guốc, hoặc gặp sự cố trang phục không?
- Học chèo thuyền là cực nhất với tôi. Mọi người nhìn trên phim tôi chèo thuần thục mà nghĩ dễ dàng, thật ra là công phu lắm chứ không đùa được. Chèo thuyền phải học 2 kiểu chèo: Một là chèo thuyền bằng mái và hai là chống sào để đi.
Chống sào để đi dễ hơn, còn chèo bằng mái tôi không biết có dễ không vì lúc tôi quay là nước đã cạn, tôi ra sức chèo và gần như mệt mỏi cạn kiệt sức mà thuyền cũng không đi được.
Có những cảnh tôi quay chèo thuyền buổi tối. Tôi nhớ cảnh đó, tôi phải chèo đưa anh Thanh Duy đi chơi. Sức tôi cũng yếu và chưa thuần thục thì làm sao chèo một thời gian quá lâu, vì còn diễn còn thoại.
Êkíp thấy vậy thương quá nên sắp xếp người buộc dây vào thuyền để kéo đi cho tôi đỡ tốn sức. Tuy nhiên, tôi vẫn phải chèo thật để có cảm giác chân thật nhất. Mọi người xem cứ nghĩ tôi đã học chèo và chèo giỏi từ lâu nhưng thật ra đó là lần đầu tôi chèo thuyền.
Trước khi vào cảnh quay cảnh chèo thật, chú Phương Điền cho tôi tập trước cho quen tay. Vào cảnh quay thì thành thao lắm rồi chỉ có điều lúc đó, hai tay tôi rã rời hết, có còn sức nữa đâu (cười). Chúng tôi vẫn có những cảnh quay toàn quay cận…
* Ngoài chèo thuyền còn "món" nào làm bạn sợ không?
- Điều thứ hai cũng khó nhằn không kém chèo thuyền là tôi phải đi guốc gỗ. Lúc đầu thử đi, tôi thấy không đau chân, khá thoải mái nên tưởng dễ xơi. Tuy nhiên đế bằng gỗ và gần như suôn, không có sự ma sát như giày dép bây giờ, nên lúc di chuyển hơi khó khăn.
Trớ trêu là nhân vật của tôi phải di chuyển rất nhiều. Tôi nhớ lần đó tầm 4 giờ sáng, ở những cảnh cuối cùng của phim, tôi phải tất tả chạy vào ngôi nhà bị cháy và vì chạy nhanh quá, guốc lại không ma sát nên tôi bị ngã. Tôi đâu thể chạy chậm vì như vậy lên phim, khán giả xem sẽ có cảm giác giả trân.
Yêu cầu cảnh quay là phải càng hớt hải càng vội vã càng tốt. Đôi guốc trơn và khó di chuyển làm tôi ngã sõng soài. Vừa mới ngã, tôi đã phải cố gắng đứng dậy diễn tiếp vì cảnh này qui tụ nhân lực và công phu.
Tôi không dám than đau cũng không dám dừng lại vì sẽ làm tốn công của các anh chị trong êkíp. Buồn cười nhất là lúc quay xong, tất cả mọi người có mặt ở cảnh quay đều nghĩ tôi bị ngã là do trong kịch bản có sẵn hoặc tôi thêm vào, có anh chị còn khen tôi ngã như thật mà không ai biết tôi bị ngã thật 100% chứ nào có phải diễn (cười).
* Bạn cảm nhận thể loại phim xưa của miền Nam có đặc biệt gì, và bạn có muốn trải nghiệm thêm lần nữa không?
- Tôi thấy miền Nam sản xuất nhiều phim thời xưa hơn so với ngoài Bắc. Vì sản xuất nhiều nên họ đã quen với cách làm phim xưa, kể cả diễn viên và êkíp đã có kinh nghiệm nên chuyên nghiệp lắm.
Tôi thấy miền Nam làm phim xưa nhưng hình như vẫn thiếu bối cảnh nhiều. Trong những năm này nếu không làm sớm, mai sau tốc độ đô thị hóa tăng lên sẽ không còn nơi quay phim xưa nữa. Chính vì vậy tôi đã nhận ngay phim này vì sợ sau này sẽ không còn cơ hội làm. Trừ khi có ai đó xây dựng một phim trường thật lớn. Khi tôi đến miền Tây quay đã thấy ra chất hiện đại rồi nên rất khó tìm bối cảnh để quay.
Tôi thích đóng phim về chiến tranh, không nhất thiết bối cảnh ở miền Tây, không nhất thiết ở chiến trường, bối cảnh trong những làng quê cũng được. Bây giờ tôi đang rất thích nhưng chưa có kịch bản nào như vậy. Sắp tới có thể tôi sẽ trở lại với một bộ phim cũng không hẳn xưa lắm nhưng đây sẽ là giai đoạn miền Nam đổi mới.
Cảm ơm Bích Ngọc rất nhiều về những chia sẻ này!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận