Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn - Sabeco (SAB) vừa ban hành nghị quyết hội đồng quản trị thông qua phương án chào mua công khai cổ phiếu CTCP Tập đoàn Bia Sài Gòn Bình Tây - Sabibeco Group.
Sabibeco Group có mã chứng khoán là SBB, giao dịch trên sàn UpCOM.
Chủ hãng bia Sài Gòn dự chi khoảng 830 tỉ đồng cho thương vụ
Sabeco hiện là cổ đông lớn tại SBB với tỉ lệ nắm giữ 16,4%, tương ứng hơn 14,37 triệu cổ phiếu.
Nếu gộp cả người liên quan của Sabeco, tổng số cổ phần nắm giữ lên tới hơn 19,89 triệu cổ phiếu, tương ứng 22,7% tổng số vốn đang lưu hành của SSB.
Theo nghị quyết, Sabeco sẽ thực hiện chào mua công khai 37,8 triệu cổ phiếu, tương ứng 43,2% vốn điều lệ.
Như vậy nếu giao dịch thành công, Sabeco cùng người liên quan sẽ nâng sở hữu tại Sabibeco Group lên 65,9%, tương ứng hơn 57,7 triệu cổ phiếu.
Giá chào mua chủ hãng bia Sài Gòn đưa ra là 22.000 đồng mỗi cổ phiếu. Như vậy, "ông lớn" ngành bia sẽ phải chi hơn 830 tỉ đồng để tăng quyền kiểm soát tại SBB.
Kết phiên giao dịch ngày 6-9, SBB tăng 1,69% lên vùng giá 18.000 đồng/cổ phiếu. Mức giá này thấp hơn 18% so với giá Sabeco dự kiến chào mua công khai đợt tới.
Thời điểm thực hiện thương vụ nêu trên sẽ diễn ra ngay trong năm 2024, sau khi Ủy ban Chứng khoán chấp thuận.
Tuy nhiên, Sabeco cũng đưa ra các điều kiện về việc hủy bỏ đợt chào mua như: số lượng cổ phiếu SBB đăng ký bán không đạt tỉ lệ tối thiểu là hơn 25,12 triệu cổ phiếu - tương đương 28,7% tổng cổ phiếu đang lưu hành hoặc SBB giảm số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết.
Một điều kiện khác xảy ra cũng khiến thương vụ hủy bỏ, đó là SBB bán tài sản của công ty có giá trị từ 35% tổng giá trị tài sản căn cứ trên báo cáo tài chính kỳ gần nhất...
Tiềm lực bên mua - bên bán ra sao?
Tại báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2024 đã soát xét, Sabeco ghi nhận hơn 15.378 tỉ đồng doanh thu, tăng 5% so với 6 tháng đầu năm trước.
Ban lãnh đạo cho biết nền kinh tế được cải thiện trong nửa đầu năm nhưng việc thực thi nghị định 100 vẫn nghiêm ngặt và sự cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt. Doanh thu thuần cao hơn cùng kỳ 2033 chủ yếu nhờ tác động tích cực của việc tăng giá.
Kết quả, Sabeco lãi sau thuế khoảng 2.342 tỉ đồng, tăng 6%.
Theo đội ngũ phân tích Chứng khoán FPTS, xét cả giai đoạn 2013 - 2023, thị phần bia của SAB có xu hướng giảm mạnh từ mức 42% năm 2013 xuống mức 34,4% năm 2023 do vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp bia nước ngoài.
Chưa kể thị phần ngành bia Việt Nam chịu trước tác động kép từ cả việc người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu và siết chặt xử lý vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông theo nghị định 100.
Theo FPTS, bối cảnh nhu cầu tiêu thụ bia ngoài thị trường năm 2023 giảm, SAB vẫn thực hiện tăng giá bán bia.
Chia sẻ của ban lãnh đạo, SAB tăng giá bán năm 2023 khi các đối thủ cạnh tranh cũng thực hiện tăng giá trong năm này và giá bán của SAB so với các đối thủ ở mức tương đối phải chăng.
Tuy nhiên, FPTS nhận định việc tăng giá bán là một trong những yếu tố tác động tiêu cực đến thị phần của doanh nghiệp này.
Hỗ trợ phần nào cho kết quả kinh doanh cuối cùng của Sabeco là lượng tiền mặt dồi dào được đem gửi ngân hàng nhận lãi suất.
Tính đến cuối tháng 6-2024, Sabeco có gần 23.400 tỉ đồng gửi ngân hàng, tăng thêm gần 540 tỉ đồng so với thời điểm đầu năm. Với lượng tiền lớn này, ông lớn ngành bia nhận về hơn 545 tỉ đồng doanh thu tài chính trong 6 tháng năm 2024.
Còn về Bia Sài Gòn Bình Tây (SBB), doanh thu công ty này thu về 6 tháng đầu năm nay đạt 635 tỉ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế -91,8 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn còn lãi gần 32 tỉ đồng.
Nhìn lại dải dữ liệu dài hơn, có thể thấy trước dịch (2009-2019), SBB có lợi nhuận khá tốt, đều đặn lãi vài trăm tỉ đồng. Tuy nhiên từ năm 2020 đến nay, năm nào lợi nhuận cũng âm.
Tổng tài sản SBB tại thời điểm cuối tháng 6 năm nay đạt 2.327 tỉ đồng, giảm so với mức gần 2.500 tỉ đồng hồi đầu năm. Vốn chủ sở hữu ở mức 1.877 tỉ đồng, còn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối vẫn còn gần 70 tỉ đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận