TTCT - Mươi năm trước đây, tôi cùng một bạn trẻ rong ruổi ngựa sắt xuyên Nam Trung bộ, vượt đèo Cả, ngang núi Đá Bia. Chuyện này nhàm, bởi trước tôi đã bao triệu lượt người đi ngang đây rồi, chỉ mượn vụ này làm cái dẫn gọn để nói rằng có nơi gọi là núi Đá Bia. Theo sách vở báo đài cũ mới, người Việt xưa gọi núi Đá Bia là Thạch Bi Sơn, người Tàu thì gọi Linh Sơn, các nhà hàng hải phương Tây ban đầu gọi là Le Doigt de Dieu (Ngón Tay Chúa) đến cuối thế kỷ 19 thì gọi là Varella, người Chăm thuở xưa gọi vùng Đại Lãnh này là Lingaparvata (Đại Sơn Thần), lại còn gọi riêng núi Đá Bia là Hduơn Ktol (núi Cùi Bắp).Mấy chuyện địa danh này có lẽ cũng lý thú, cũng một cái ngọn núi, người nhìn thấy giống tấm bia, kẻ trông giống ngón tay Chúa, người lại ngó ra cái cùi bắp. Tổng lược, ngoài cái cùi bắp thiết thực ra, kỳ dư các tên gọi đều ít nhiều đượm màu thiêng, nhưng sức người có hạn, không thể bàn lấn sang kiểu triết lý góc nhìn của nhiều hạng người nhiều dân tộc nhiều tôn giáo.Người Việt gọi đỉnh núi này theo tên Nôm là Đá Bia vì nó na ná hình thù một khối bia, đây thuộc loại địa danh được đặt dựa vào hình dạng. Nhưng sử có lẽ sẽ gọn gàng hơn nếu như người ta chịu dừng lại ở chỗ hình dạng. Sự lôi thôi bắt đầu từ việc bắt khối bia thiên nhiên thảnh thơi này phải chở mớ nội dung văn tự của con người. Mặt bia viết cái gì?Đã có hàng trăm bài viết vin vào sự kiện năm 1471 Lê Thánh Tông thân chinh Nam tiến tấn công Chiêm Thành để nói rằng ngài đã đến tận núi Đá Bia và cho người khắc lời văn lên đây để phân ranh giới. Nhưng bộ sử đương thời Đại Việt sử ký toàn thư chỉ viết rằng Lê Thánh Tông đánh hạ kinh đô Đồ Bàn rồi quay về, hình như người đời sau đã một mực muốn và ép ngài phải đi thêm một trăm ba chục cây số về phía Nam.Đến năm 1776, tức là hơn 300 năm sau sự kiện Lê Thánh Tông bình Chiêm, Lê Quý Đôn khởi sự cho rằng: “Mài đỉnh núi dựng bia để phân ranh giới, lưng bia hướng bắc, mặt bia hướng nam. Vì quá lâu năm nên bia mòn mất chữ” (Phủ biên tạp lục, quyển 2).Sau đó ít lâu, khoảng năm 1820, Phan Huy Chú viết: “Khi Thánh Tông bình Chiêm mới mài đá trên đỉnh núi, dựng bia làm mốc giới” (Dư địa chí, quyển 5). Khoảng nửa cuối thế kỷ 19, Nguyễn Văn Siêu tiếp theo: “Tương truyền văn bia ghi rằng: Chiêm Thành qua đây, quân thua nước mất; An Nam qua đây, tướng chết quân tan” (Đại Nam phương dư chính biên, tỉnh Bình Định).Rốt lại, những điều nêu trên được tổng thuật lại trong Đại Nam nhất thống chí (1909).Từ chỗ vua Lê chưa từng đến, dần dần chép ra “đi ngang qua”, rồi chép ra “có khắc bia”, rồi “bia bị mờ”, rồi có người nhớ được lời văn cụ thể, cái nhu cầu đa sự của con người kể ra cũng ngầu thiệt.Thần Siêu quả là khéo giữ mình khi hạ bút nêu nguồn “tương truyền” cho nội dung văn bia, không có hai chữ này có lẽ danh tiếng ông phải mẻ một miếng lớn. Không thể tưởng tượng nổi vì vua văn tài lỗi lạc như Lê Thánh Tông lại nghĩ ra và cho khắc vào đá một câu kém cỏi đến vậy.Đối với nguồn “tương truyền”, chỉ với việc đặt vào miệng bậc quân chủ Đại Việt tiếng tự xưng “An Nam” là đủ thấy sự tào lao rớt xuống mức thê thảm rồi. Xét tới xét lui, “tương truyền” chẳng qua chỉ là tin đồn vượt thời gian, khổ nỗi nó vẫn lằng nhằng vấn vít trong sử.Nhận lời giúp ông L. Sogny (thành viên Hội Đô thành hiếu cổ - Huế), vào ngày 15-7-1934, tri phủ Tuy Hòa Nguyễn Văn Thơ làm cuộc khảo sát đỉnh núi Đá Bia, trong thư báo cáo kết quả kèm với nhiều bức ảnh chụp được, ông Thơ viết: “Theo ý kiến tôi thì khối đá này không biểu thị một lợi thú gì, người ta không khắc lên đó một hàng chữ nào cả...Vậy phải kết luận về câu chuyện cổ tích, ít nhất là lời văn khắc, nếu có thì nó có ở một miền nào khác chứ không phải ở núi Đá Bia này” (Những người bạn cố đô Huế, tập XXIV-1937). Hấp dẫn hơn nữa là trong chuyến đi này, ông Thơ còn phát hiện được vụ làm giả bản rập nội dung văn bia do ông cựu chánh tổng Hòa Đông thực hiện trước đó mà ông tri phủ tiền nhiệm đã gửi đến cho L. Sogny.Câu chuyện sử học cổ tích này mãi còn tiếp diễn sang thế kỷ 21, vào tháng 5-2005, một trong tứ đại sử gia lại leo lên núi coi bia, một bài thu hoạch sau đó độ ba ngàn chữ cho biết trên Đá Bia không có chữ nào cả.Mạo muội mà bàn: nếu chia sử làm ba phần ắt trong đó một phần sai lệch, một phần khác của sử thật ra không có giá trị hoặc ý nghĩa gì cả mà chỉ đơn giản là được “làm ra” do nhu cầu được nói được viết của con người. Hi vọng là phần đúng đắn còn lại của sử sẽ đem đến sự hứng thú đầy thử thách. Tags: Phiếm đàmHỒ VIÊNNúi Đá BiaBia miệng và sử
Phá sập đường dây lừa đảo xuyên biên giới chuyên giả danh công an, cán bộ thuế, lừa hơn 13.000 người HÀ QUÂN 25/01/2025 Theo cơ quan công an, băng nhóm người Việt lừa đảo ở Campuchia đã mạo danh công an, cán bộ điện lực, thuế... gọi điện đề nghị người dân cập nhật thông tin để chiếm quyền sử dụng điện thoại, tài khoản ngân hàng.
Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng: Quẫn trí, suy sụp nhưng muốn cảm ơn cả xã hội đã quan tâm THÁI BÁ DŨNG 25/01/2025 Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng nói tới thời điểm này, cả gia đình vẫn không ai tưởng tượng lại được quan tâm, giúp đỡ và chia sẻ như vậy.
Thời tiết hôm nay 25-1: Đêm nay không khí lạnh mạnh về Bắc Bộ, Nam Bộ vẫn nắng nóng LÊ PHAN 25/01/2025 Từ đêm nay, Bắc Bộ sẽ đón đợt không khí lạnh rất mạnh, trời chuyển mưa rét. Nam Bộ thời tiết ngày nắng, Trung Bộ nhiều mây.
Tin tức thể thao sáng 25-1: Djokovic úp mở chuyện giải nghệ trong năm nay ĐỨC KHUÊ 25/01/2025 Djokovic có thể không trở lại thi đấu ở Giải Úc mở rộng và úp mở chuyện giải nghệ; Kyle Walker rời Man City tới cuối mùa... là những tin tức thể thao chính sáng 25-1.