Tờ báo Điển Tín số xuân năm Kỷ Mão 1939 với màu sắc nổi bật - Ảnh: L.ĐIỀN
Tuổi đời thể loại báo xuân ở Việt Nam đến nay đã 102 năm, và trong ngần ấy thời gian, có lẽ người làm báo vẫn không thôi trăn trở về câu chuyện: Làm thế nào để có một bìa báo xuân đạt nhất?
Nhà báo Phạm Công Luận - người từng tìm hiểu qua rất nhiều tờ báo xuân tại Sài Gòn thời trước 1975 - có đưa ra một nhận xét rằng: Báo xuân chính là số báo đặc biệt nhất trong năm của tờ báo ấy, thường mang tính chiêu niệm nhiều hơn.
Đó là điểm chung của báo xuân thời trước. Bấy giờ các sản phẩm báo chí - truyền thông đã lột xác và đi những bước dài phi truyền thống, nên khẩu vị của người đọc đối với báo xuân cũng đã khác.
Sản phẩm thị giác và không có định nghĩa chung
Theo nhà báo Phan Văn Tú - giảng viên khoa báo chí truyền thông, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) - bìa báo xuân "phải là một sản phẩm thông tin thị giác ấn tượng".
"Nhưng nó không phải là bức tranh, chức năng chính của nó vẫn là thông tin. Màu sắc, hình ảnh, đồ họa, văn tự trên bìa đều phục vụ cho ý đồ truyền thông.
Bìa báo xuân hay là một chỉnh thể thể hiện được chủ đề của số báo ấy, đồng thời lại như một menu giới thiệu những món ngon trong bữa tiệc thông tin mà số báo mang lại.
Có nhiều họa sĩ trình bày bìa báo xuân như một bức tranh nghệ thuật. Họ xem trọng cái đẹp mỹ thuật nhưng coi nhẹ cái hiệu quả đọc hiểu. Mình cho rằng bìa báo xuân hay phải thành công ở góc độ thông tin trong cú liếc mắt đầu tiên", ông Tú chia sẻ.
Về những phong cách bìa báo xuân lâu nay tạo thành "vệt thói quen trong trình bày", ông Tú nêu ý kiến rằng: "Không nhất thiết phải có mai vàng, đào phai trên bìa. Cái tư duy biểu trưng này "mòn" lắm rồi nhưng năm nào cũng thấy trên báo Việt.
Bìa báo xuân hay chọn màu đỏ làm màu chủ đạo - chắc do quan niệm màu đỏ may mắn. Có lẽ cũng nên bỏ cái lối nghĩ hời hợt kiểu này trong thời 4.0".
Trong khi đó, họa sĩ chuyên thiết kế bìa Mai Quế Vũ tỏ ra dè dặt khi nhận định về bìa báo xuân. Theo ông, có rất nhiều góc độ để nhìn và nhận xét bìa báo xuân như thế nào là hay hoặc không hay.
"Theo mình nghĩ, một bìa báo xuân không phải cái gì quá đặc trưng, thực ra nội dung trong đấy phải cho người ta cái cảm nhận gì đó về tết, về sự ấm áp...", ông Vũ nói về yếu tố đầu tiên một bìa báo xuân phải tạo ra cho người đọc khi nhìn vào.
Từ góc độ công việc cụ thể, ông Mai Quế Vũ cho hay công việc làm bìa báo xuân là sự cộng tác giữa người làm nội dung và nhà thiết kế (designer).
"Người nội dung cho biết đây là những món tôi dọn ra trong số báo này, và ông thiết kế phải làm sao cho bìa báo vừa có cảm giác về tết vừa mang nội dung được đề cập đến trong số báo".
Theo đó, phần thể hiện của người thiết kế sẽ dựa trên nội dung mà người ta yêu cầu, "bắt đầu từ góc nhìn của người designer đó, chẳng hạn năm nay ông này muốn làm theo kiểu 3D thì ông sắp đặt hình ảnh, các hiệu ứng theo kiểu 3D, nhưng rồi 2-3 năm sau ông ấy không còn theo hướng ấy nữa mặc dù nhiều người vẫn bảo như thế là đẹp.
Và rồi ông ấy lại thay đổi cách trình bày khác đi, không thích 3D nữa mà dùng mảng phẳng chẳng hạn, mặc dù không thể bảo 3D với mảng phẳng cái nào đẹp hơn vì thực ra không có cái nào đẹp hơn, mỗi cái có hiệu ứng riêng".
"Như vậy có nghĩa là: Không có một định nghĩa chung rằng thế nào là một bìa báo xuân tốt nhất, thế nào là đặc trưng nhất. Mà chẳng qua nội dung xoay quanh đề tài tết rồi, bây giờ cách trình bày, chỉ còn ý tưởng của người trình bày làm sao cho lạ và độc đáo, có nghĩa là nó chưa từng xuất hiện ở những số báo xuân năm trước, thế thôi", ông Mai Quế Vũ nhận định.
Bìa báo xuân Nam Phong số ra năm 1918, đây là tờ báo xuân đầu tiên của Việt Nam, cụ Vương Hồng Sển từng gọi đây là "thủy tổ các số báo xuân, báo tân niên" - Ảnh: L.ĐIỀN
Nên có dấu ấn trình bày
Nhà báo kỳ cựu Trần Trọng Thức cho rằng nên xem báo xuân là một giai phẩm hơn là một số báo có tính "tổng kết năm", từ đó mới có chủ ý trình bày bìa báo xuân sao cho hay và hấp dẫn nhất.
Theo đó, dấu ấn trình bày trên bìa báo xuân là yếu tố quan trọng, cho dù chỉ thể hiện ở một vài chi tiết nhỏ. "Báo xuân (hay giai phẩm xuân) là một ấn bản vào dịp tết theo tập quán, bìa báo bấy nay thường ghi đậm dòng chữ năm phát hành làm giảm yếu tố mỹ thuật.
Nên chăng cần có một logo mang tính biểu tượng con giáp ở một góc bìa và thu nhỏ lại đưa vào các trang báo bên trong như một dấu ấn trình bày", ông Trần Trọng Thức nêu một gợi ý.
Thực ra bìa báo xuân không thể tách rời với nội dung số báo, nên theo ông Trần Trọng Thức, dấu ấn của bìa báo sẽ hay hơn nếu nội dung lược bớt những thông tin mang dấu ấn thời sự chính trị - kinh tế trong năm, thay vào đó tập trung vào hai mục tiêu:
- Một là thay đổi món ăn đã quá quen thuộc độc giả dễ chán.
- Hai là đi vào chiều sâu đời sống xã hội một cách nhẹ nhàng mà ngôn ngữ văn học có thể chuyên tải các dòng chảy trong cuộc sống (chứ không phải các vấn đề thời sự). Một không gian đọc thoải mái vào dịp xuân về cũng là một nhu cầu chính đáng.
Từ đó, bìa báo xuân trở thành phương tiện chuyển tải nội dung giai phẩm, và đạt đến một "độ nhận biết" cần thiết, để qua trang bìa người đọc nhận ra được bài viết nào, tác giả nào thu hút sự quan tâm của mình.
"Điều này rất quan trọng khi báo được đặt trên sạp, cạnh tranh với các báo khác", nhà báo Trần Trọng Thức lưu ý.
Manchette download tại .
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận