'Đòi mở thủ tục phá sản với Coteccons là hành động đơn phương'
Trả lời Tuổi Trẻ Online chiều 31-7, lãnh đạo Công ty CP xây dựng Coteccons cho biết việc Công ty CP đầu tư xây dựng Ricons kiện, đòi mở thủ tục phá sản với Coteccons là một hành động không phải ngẫu nhiên, mà được lựa chọn đúng thời điểm này để tiến hành.
Theo đại diện Coteccons, các giao dịch hình thành với Ricons trong giai đoạn quá khứ đều ký chung hợp đồng nguyên tắc có quy định hình thức thanh toán của hợp đồng, chỉ khi nào Coteccons nhận được tiền thanh toán từ chủ đầu tư trước thì sau đó mới thanh toán đến các nhà thầu phụ, trong đó có Ricons.
Với các nội dung kiện mà Ricons đưa ra, phía Coteccons cho hay doanh nghiệp này đã nhiều lần yêu cầu Ricons cung cấp con số chính xác với các khoản công nợ nhưng Ricons từ chối không cung cấp, nên việc này sẽ cần tòa án hỗ trợ đối chiếu và phán quyết.
Trả lời câu hỏi cả hai doanh nghiệp đều là các bên trong các liên minh cạnh tranh gói thầu 35.000 tỉ sân bay Long Thành, liệu việc yêu cầu mở thủ tục phá sản thời điểm này có bất thường, lãnh đạo Coteccons nói: "Đây chỉ là yêu cầu đơn phương của Ricons, có yêu cầu thì tòa án sẽ thụ lý, Coteccons sẽ cập nhật những thông tin khi làm việc với tòa án với tư cách bên hầu tòa sớm nhất".
Coteccons nói vụ kiện không ảnh hưởng đến tư cách tham gia gói thầu
Lãnh đạo Coteccons cho rằng vụ kiện tụng này không ảnh hưởng đến năng lực tài chính của Coteccons, cũng như không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.
Trả lời câu hỏi liệu việc bị vướng vào một vụ kiện có ảnh hưởng đến liên minh Hoa Lư, lãnh đạo Coteccons khẳng định chỉ khi nào bị xét xử, kết luận mất khả năng thanh toán mới mất tư cách tham gia gói thầu.
"Luật Đấu thầu có quy định rõ, chỉ khi nào bên hầu tòa bị tòa án xét xử và kết luận là mất khả năng thanh toán, phá sản thì sẽ bị mất tư cách tham gia gói thầu. Do đó, đây đơn thuần chỉ là hành động lựa chọn đúng thời điểm để làm ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của công ty", vị này nói.
Theo vị này, khi hoạt động trong một hệ sinh thái 7 công ty bao gồm Coteccons, Unicons, Ricons, Newtecons, BM Windows, Sol E&C, Boho, việc phát sinh các giao dịch qua lại đã gây nên mâu thuẫn lợi ích nội bộ và cổ đông, nhà đầu tư.
Nói về "sức khỏe" tài chính của Coteccons hiện nay, vị này cho biết bên cạnh tổng tài sản, lượng tiền mặt có thể sử dụng như đã công bố (tổng tài sản là 20.042 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu là 8.236 tỉ đồng, lượng tiền mặt có thể sử dụng lên tới gần 4.000 tỉ đồng - PV), hiện hệ số thanh toán của doanh nghiệp này đang ở mức tốt nhất ngành xây dựng.
"Công ty có thể ngay lập tức thanh toán một phần ba các khoản nợ ngắn hạn bằng nguồn tiền mặt và tiền gửi sẵn có", vị này nhấn mạnh.
Ngoài ra, lãnh đạo Coteccons cho hay hiện doanh nghiệp này đã công bố báo cáo tài chính quý 2-2023 (năm tài chính 2023 của Coteccons chỉ kéo dài 6 tháng do thay đổi niên độ), Coteccons đã vượt kế hoạch lợi nhuận đề ra, doanh thu đạt 3.627 tỉ ,tăng 11% so với cùng kỳ, tạo tiền đề cho năm 2024 tiếp tục tăng trưởng.
Ricons nói công nợ kéo dài nhiều năm
Phía Ricons cho hay việc nộp đơn yêu cầu tòa án mở thủ tục phá sản đối với Coteccons là kết quả của khoản công nợ quá hạn đã được Coteccons thừa nhận, nhưng kéo dài nhiều năm không thanh toán.
"Ricons đã cân nhắc phương án tối ưu để thu hồi công nợ và đã chủ động gửi nhiều công văn đến Coteccons đề xuất phương án giải quyết. Trong quá trình đó cũng đã thông báo và cập nhật cho Coteccons về việc Ricons đã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản với mong muốn giải quyết trước khi tòa án thụ lý đơn, nhằm tránh hậu quả bất lợi có thể xảy ra.
Nhưng rất tiếc, chúng tôi đã không nhận được phản hồi thiện chí từ Coteccons", đại diện Ricons chia sẻ.
Phía Ricons cũng cho rằng yêu cầu thanh toán công nợ và nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản được thực hiện theo trình tự, thủ tục của pháp luật trong suốt một thời gian dài.
Cuộc cạnh tranh gói thầu 35.000 tỉ sân bay Long Thành của ba liên minh
Liên danh Hoa Lư gồm 7 nhà thầu nội do Coteccons đứng đầu và một nhà thầu Thái Lan (Power Line Engineering) đang cạnh tranh với hai liên danh do doanh nghiệp ngoại đứng đầu để xây nhà ga sân bay Long Thành, với gói thầu hơn 35.200 tỉ đồng.
Ngoài Hoa Lư, gói thầu "khủng" này có sự tham gia của liên danh Vietur gồm 10 doanh nghiệp, do Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại xây dựng Ic Istas (Thổ Nhĩ Kỳ) đứng đầu, với sự tham gia của các nhà thầu Việt khác, nằm trong hệ sinh thái của ông Nguyễn Bá Dương sáng lập như Ricons, Newtecons, Sol E&C… và hàng loạt nhà thầu khác.
Trong khi đó, liên danh CHEC-BCEG-Vietnam Contractors do Tập đoàn China Harbour Engineering (Trung Quốc) đứng đầu và gần 10 nhà thầu Việt khác tham gia như Thuận Việt, Xuân Mai, CDC, Samcons Việt Nam…
Mới đây, lãnh đạo ACV cho biết đơn vị này sẽ hoàn thành việc chấm thầu, lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu xây dựng nhà ga hành khách sân bay Long Thành trong tháng 7. Sau đó, dự kiến nhà ga được khởi công trong tháng 8-2023.
Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa công bố kết quả chấm thầu đối với gói thầu này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận