Ông Hà Thanh Quốc - giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Nam - Ảnh: B.D.
Nói với Tuổi Trẻ Online, ông Hà Thanh Quốc cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh vừa có yêu cầu ông giải trình việc điều động, luân chuyển giáo viên, cán bộ ngành giáo dục trong thời gian từ 3 năm trở lại đây. Việc này xuất phát từ đơn thư của vài cán bộ, giáo viên tại các trường học khối THPT.
"Tôi có nắm được kiến nghị của anh chị em cán bộ quản lý, giáo viên. Một số người không đồng tình với việc điều động, luân chuyển đi công tác. Đây là điều nằm ngoài mong muốn của sở. Các ý kiến thầy cô than phiền đúng thời điểm căng thẳng dịch bệnh như thế này nên tôi rất buồn" - ông Quốc nói.
Để đến với học trò trên đường biên giới Việt - Lào dạy học, các giáo viên ở huyện Tây Giang (Quảng Nam) phải mang hành lý, thức ăn vào trường từ đầu tuần và cuối tuần mới được về nhà - Ảnh: B.D.
Theo giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Quảng Nam, việc luân chuyển, điều động giáo viên không phải là chủ trương mới, mà đã làm từ trước tới nay, nhằm giải quyết câu chuyện nơi thừa, nơi thiếu giáo viên.
Việc này còn giúp làm tươi mới môi trường giảng dạy. Nhiều giáo viên có năng lực sẵn sàng đi lên các ngôi trường vùng sâu vùng xa để hỗ trợ dạy học. Nhờ luân chuyển, chất lượng dạy học ở nhiều trường đã dần cân bằng hơn.
"Khi nghĩ đến việc điều động, luân chuyển, sẽ có người nghĩ rằng đó là môi trường của tiêu cực, thiếu minh bạch. Tôi khẳng định rằng không có chuyện như vậy. Trước bất kỳ một quyết định điều động nào, chúng tôi cũng thảo luận kỹ, phân tích từng trường hợp hoàn cảnh của giáo viên. Người nào thật sự không vướng bận đời sống gia đình, thoải mái khi đi về nơi khác giảng dạy, chúng tôi mới luân chuyển.
Không ai đi điều động một cô giáo mà người đó đang nuôi con nhỏ, đang mang bầu, hoặc một thầy giáo mà đau yếu, gia đình neo đơn. Mọi quyết định đều được cân nhắc kỹ.
Nhưng nói như thế không có nghĩa là tất cả các trường hợp đều hài lòng, vui vẻ tuyệt đối. Chúng tôi sẽ xem xét các trường hợp có ý kiến khiếu nại để giải trình cụ thể cho chủ tịch UBND tỉnh, nếu thấy chưa hợp lý thì tiếp thu ý kiến để làm sao mọi thầy cô đều yên tâm tư tưởng để công tác" - ông Quốc nói.
Giáo viên ở Trường tiểu học, THCS xã Gari (huyện Tây Giang, Quảng Nam) - ngôi trường giáp biên giới Lào - nấu cơm trưa - Ảnh: B.D.
Ông Hà Thanh Quốc cho biết thêm, theo kế hoạch điều động hằng năm, mỗi giáo viên sẽ đi dạy nơi khác tối đa 9 tháng (tức 1 năm học). Đằng sau chuyện chấp hành các quyết định của ngành giáo dục là sự dấn thân, hy sinh vì nghề.
"Quảng Nam có những huyện vùng sâu vùng xa mà giáo viên tới giờ vẫn phải đứng lớp ở nơi không điện thoại, không điện lưới, không chỗ ăn nghỉ. Tôi mong muốn mỗi nhà giáo hãy nhìn vào bức tranh chung để cống hiến cho nghề dạy học" - ông Quốc nói thêm.
Trước đó, ngày 8-9, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam có văn bản yêu cầu Sở Giáo dục và đào tạo giải trình, báo cáo về các quyết định điều động, luân chuyển cán bộ lãnh đạo quản lý, giáo viên, nhân viên của các trường THPT từ 3 năm trở lại đây.
Trên mạng xã hội cũng có một số ý kiến của các giáo viên than phiền việc điều chuyển đã làm ảnh hưởng tới tâm trí, thời gian. "Việc điều động, luân chuyển giáo viên THPT năm nào cũng diễn ra náo nhiệt. Đầu mỗi năm học giáo viên phải lo chạy bở hơi tai thì còn sức, tâm trí đâu mà giảng dạy" - một tài khoản Facebook của giáo viên ở Quảng Nam nêu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận