Bị cáo Lê Huy Toàn tại phiên tòa sơ thẩm TAND tỉnh Khánh Hòa vào tháng 2-2020 - Ảnh: PHAN SÔNG NGÂN
Cụ thể, ông Toàn hiện vẫn là thành ủy viên, phó chủ tịch UBND TP Nha Trang (Khánh Hòa).
Ngày 19-5, TAND cấp cao tại Đà Nẵng cho biết đã có quyết định đưa vụ án "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại dự án khu đô thị Hoàng Long (TP Nha Trang) ra xét xử phúc thẩm vào ngày 29-5.
Ông Lê Huy Toàn là bị cáo trong vụ án này. Cùng ra tòa với ông Toàn còn có bốn bị cáo khác đều là cán bộ, công chức của TP Nha Trang.
Ông Toàn hiện là cán bộ thuộc diện quản lý của Ban thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa. Theo ủy quyền thông tin trả lời cho phóng viên Tuổi Trẻ của bí thư Thành ủy Nha Trang, lãnh đạo Ban tổ chức Thành ủy Nha Trang cho biết vào ngày 28-11-2018, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với ông Lê Huy Toàn.
Cùng ngày, Ban thường vụ Thành ủy đã có báo cáo kiến nghị Ban thường vụ Tỉnh ủy và Ủy ban kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Khánh Hòa xử lý theo quy định của Đảng đối với ông Toàn. Hai ngày sau, ngày 30-11-2018, UBKT Tỉnh ủy Khánh Hòa đã có quyết định đình chỉ sinh hoạt cấp ủy đối với ông Toàn.
Trong khi đó, một lãnh đạo của UBKT Tỉnh ủy Khánh Hòa đã trực tiếp chỉ đạo khi xử lý đối với ông Toàn cho biết: "Sau khi đình chỉ sinh hoạt cấp ủy đối với ông Lê Huy Toàn thì theo quy định của Đảng khi có quyết định khởi tố, đến khi có quyết định truy tố thì UBKT Tỉnh ủy cũng đã ra quyết định đình chỉ sinh hoạt Đảng đối với ông Toàn để ông này trở thành một người bình thường cho các cơ quan tố tụng mời làm việc theo quy định của pháp luật.
Như vậy, chức năng xử lý của UBKT Tỉnh ủy chỉ đến đó, còn việc xử lý chức vụ chính quyền thì không thuộc cơ quan này" - vị này nói.
Sau khi bị đình chỉ sinh hoạt cấp ủy, đến ngày 3-12-2018, Thường trực HĐND TP Nha Trang đã ban hành nghị quyết "tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu HĐND TP Nha Trang đối với ông Lê Huy Toàn".
Đó là theo quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương và cũng để các cơ quan pháp luật tiến hành thủ tục tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật. Lãnh đạo HĐND TP Nha Trang cho biết trường hợp ông Toàn bị tòa tuyên có tội và khi bản án có hiệu lực thì đương nhiên sẽ bị bãi nhiệm đại biểu HĐND và chức vụ chính quyền theo luật định.
Chủ tịch UBND TP Nha Trang cũng đã có quyết định phân công công tác đối với chủ tịch, các phó chủ tịch UBND TP.
Theo đó, phó chủ tịch Lê Huy Toàn hoàn toàn không còn được phân công đảm nhiệm nhiệm vụ lãnh đạo cụ thể nào nữa. "Thực tế kể từ khi đã có quyết định đình chỉ sinh hoạt cấp ủy thì anh Toàn cũng không còn đến cơ quan làm việc gì nữa" - lãnh đạo Ban tổ chức Thành ủy Nha Trang cho biết.
Sau khi có chỉ đạo của UBKT Tỉnh ủy xử lý đình chỉ sinh hoạt Đảng đối với ông Toàn như kể trên, tháng 12-2018, ông Nguyễn Tấn Tuân - phó bí thư thường trực Tỉnh ủy (nay là chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa) - cho biết: "Về chính quyền, việc đình chỉ chức vụ phó chủ tịch UBND TP Nha Trang của ông Lê Huy Toàn sẽ được tiến hành theo quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương và các quy định pháp luật liên quan".
Ngày 19-5, trao đổi với Tuổi Trẻ, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, trưởng Ban tổ chức Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Khắc Toàn cho rằng hiện nay bản án sơ thẩm với ông Lê Huy Toàn vẫn còn phải chờ kết quả xét xử phúc thẩm của TAND cấp cao tại Đà Nẵng vào ngày 29-5.
Còn nói về việc ông Lê Huy Toàn vẫn còn chức phó chủ tịch UBND TP Nha Trang, ông Nguyễn Khắc Toàn cho rằng: "Theo quy trình, lẽ ra cơ quan tố tụng phải có kiến nghị xử lý nhưng sao không thấy có kiến nghị. Vì vậy, việc này sẽ kiểm tra lại".
Cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân, giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Khánh Hòa Trần Thu Mai đều cho biết "sẽ cho kiểm tra lại" việc bị cáo Lê Huy Toàn vẫn còn giữ chức phó chủ tịch UBND TP Nha Trang.
Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng
Dự án khu đô thị Hoàng Long rộng 24,9ha, được triển khai từ năm 2009. Dự án hiện đang dang dở bởi các vi phạm trong việc bồi thường, cấp đất tái định cư.
Theo cáo trạng, ông Lê Huy Toàn - phó chủ tịch UBND TP Nha Trang - đồng thời là chủ tịch hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án này. Từ năm 2011-2016, hội đồng bồi thường đã quyết định thông qua 5 đợt bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho 127 trường hợp, trong đó có 77 trường hợp được duyệt cấp đất tái định cư.
Việc xét duyệt bồi thường đã bị người dân khiếu nại, tố cáo. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã xác minh, phát hiện tới 49 hồ sơ giả nên đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, trong đó có bị can Lê Huy Toàn.
Hành vi vi phạm của các bị can trên là đã lập hồ sơ khống, giả mạo nguồn gốc đất đai, quá trình sinh sống... trình cho hội đồng bồi thường do ông Toàn chủ trì, xét duyệt.
Hành vi sai phạm của các bị can làm thiệt hại gần 280 triệu đồng; 71/77 trường hợp đã có quyết định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải hủy bỏ để làm lại từ đầu, tạo dư luận phức tạp trong nhân dân, làm ảnh hưởng đến uy tín của Nhà nước.
Tháng 2-2020, TAND tỉnh Khánh Hòa đã xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Lê Huy Toàn 9 tháng tù về "tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Bốn bị cáo còn lại bị tòa tuyên từ 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến 1 năm 6 tháng tù giam. Sau đó, cả năm bị cáo đều kháng cáo. Vụ án được TAND cấp cao tại Đà Nẵng dự kiến xét xử phúc thẩm vào ngày 29-5.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận