Ngày 7-7, đoàn công tác của tỉnh Đồng Tháp đến khảo sát vùng lõi Vườn quốc gia Tràm Chim tại các khu A1, A4, A5 - nơi sếu đầu đỏ từng về kiếm ăn và vận động nông dân trồng lúa theo hướng hữu cơ tại vùng đệm phục vụ dự án bảo tồn sếu.
Ông Nguyễn Văn Lâm - giám đốc Vườn quốc gia Tràm Chim - cho biết khu A1 từng là nơi sếu về kiếm ăn trong nhiều năm liền, và là nơi cuối cùng sếu về vào năm 2021.
Đây là khu vực nằm sâu trong vùng lõi của vườn, hệ sinh thái đa dạng, có những gò đất nhô cao hơn so với mực nước.
"Giai đoạn đầu của dự án sẽ điều tiết mực nước ổn định, thực hiện phương pháp xử lý riêng để cải tạo đồng cỏ khô nhằm phục hồi đồng cỏ năng kim và lúa ma.
Để sếu có thể trú ngụ quanh năm thì mực nước trong rừng là một trong những yếu tố then chốt và khó thực hiện, vì mỗi năm có mùa nước nổi dâng cao, cần có sự theo dõi và tính toán thêm", ông Lâm nói.
Ông Lê Quốc Phong - bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp - cho rằng vườn quốc gia nên vẽ lại bản đồ đánh giá diễn biến mực nước lũ từ 10 năm gần đây, mở các lớp tập huấn cho thanh niên và người dân bản địa có am hiểu về đặc điểm địa phương làm hướng dẫn viên; thiết kế lại tour, tuyến, đến thời gian thích hợp để du khách trải nghiệm.
"Điểm cốt lõi của dự án là làm sao phục hồi hệ sinh thái của vườn quốc gia gần giống với môi trường mà sếu có thể sinh sống; hướng tới giữ chân sếu ở lại và nhân đàn.
Khi thực hiện, cần giữ nguyên rừng tràm đã trồng, xem xét tỉa thưa tràm tái sinh tạo cảnh quan môi trường thông thoáng làm bãi đáp cho sếu", ông Phong nói.
Hiện nay, tại vùng đệm vườn quốc gia có 4 hộ mô hình canh tác 40ha lúa theo hướng hữu cơ, được trên 80 ngày tuổi.
Ông Nguyễn Văn Mẫn, nông dân xã Tân Công Sính, huyện Tam Nông, cho biết nông dân trong khu vực vùng đệm vườn quốc gia rất ủng hộ trồng lúa hữu cơ, với yêu cầu có đầu ra được bao tiêu ổn định và đảm bảo lợi nhuận.
Ông Phong nhấn mạnh sự đồng thuận của nông dân trong canh tác lúa theo hướng hữu cơ rất quan trọng, từ việc hiểu được lợi ích của mô hình bên cạnh cải thiện môi trường đất trồng lúa đến mục tiêu sau cùng là giúp nông dân có liên kết tiêu thụ sản phẩm, giảm giá thành, tăng lợi nhuận cho nông dân.
Dự án bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ nhằm mục tiêu phục hồi sinh cảnh, bảo vệ sự đa dạng sinh học.
Theo báo cáo của Vườn quốc gia Tràm Chim, dự kiến trong vòng 10 năm (2023-2033) có thể thả nuôi 100 con sếu, ít nhất 50 con còn sống trong môi trường tự nhiên quanh vùng đệm.
Dự toán tổng kinh phí thực hiện hơn 76 tỉ đồng. Trong đó, việc cải thiện môi trường sinh cảnh cho đàn sếu gần 13 tỉ đồng, sản xuất nông nghiệp hữu cơ gần 6 tỉ đồng và quảng bá du lịch gần 8 tỉ đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận