Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết phát biểu tại cuộc gặp - Ảnh: HỮU HẠNH
Tại cuộc gặp, giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng đã nêu ra những khó khăn, thách thức mới xuất hiện trong giai đoạn hậu dịch COVID-19.
Khi cường độ làm việc cao, phải có người lãnh đạo chia sẻ, thấu cảm, làm điểm tựa cho anh em chiến đấu. Đây là vắc xin tinh thần, năng lượng tình cảm. Chúng ta phải yêu thương nhau thì mới vượt qua được.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên
Khủng hoảng nhân lực hậu dịch COVID-19
Đó là nguy cơ dịch chồng dịch; thiếu thuốc, vật tư y tế; biến động nguồn nhân lực y tế do nhân viên y tế nghỉ việc, trong đó có một số cán bộ quản lý; và sự lo lắng kéo dài trong một bộ phận nhân viên y tế.
Theo thống kê của Sở Y tế, từ đầu năm đến nay, TP.HCM có 891 viên chức cơ sở xin nghỉ việc. Tổng số người làm việc năm 2021 của ngành y tế công TP là 42.914 người; số người làm việc 6 tháng đầu năm là 42.608 người, giảm 306 người.
"Tuy số chênh lệch nghỉ không nhiều, nhưng gây khó khăn không nhỏ cho cơ sở y tế công lập vì hầu hết người nghỉ việc là người có thâm niên, có kinh nghiệm, còn những người mới được tuyển cần có thời gian đào tạo, thực hành", ông Thượng nói.
Thực tế cho thấy tại các tuyến y tế cơ sở, tình trạng thiếu nhân lực đang diễn ra trầm trọng. Điển hình là tại Trạm y tế phường 12, quận Gò Vấp, theo bà Kim Nhật Lệ Anh - trưởng trạm, trong giai đoạn trước dịch từ năm 2018 - 2020, trạm y tế phường đã thực hiện trạm y tế mô hình điểm với 10 nhân sự.
Tuy nhiên, sau dịch COVID-19, trạm y tế rơi vào tình trạng khó khăn về nguồn nhân lực. Hiện trạm chỉ còn 7 nhân sự gồm 1 cử nhân y tế công cộng, 2 điều dưỡng, 2 y sĩ, 1 dược sĩ đại học và 1 nữ hộ sinh.
"Nhờ vào nghị quyết 01 của HĐND TP, Trạm y tế phường 12, quận Gò Vấp đã kịp thời bổ sung thêm được nguồn nhân lực là các bác sĩ thực hành 18 tháng hỗ trợ cho công tác khám chữa bệnh tại trạm y tế", bà Anh cho biết.
Trước thực trạng thiếu nguồn nhân lực y tế, ông Tăng Chí Thượng kiến nghị không giảm số biên chế của ngành y tế, đánh giá lại khả năng tự chủ của các đơn vị để cấp kinh phí hoạt động phù hợp.
Mong hỗ trợ để nhân viên y tế yên tâm
Tại buổi gặp gỡ, giám đốc Bệnh viện Hùng Vương Hoàng Thị Diễm Tuyết đã bật khóc khi nói đến tiền lương của cán bộ y tế hiện nay.
"Tôi có hai con cũng là nhân viên của ngành y tế. Khi con bước vào ngành này, một trong những điều đầu tiên tôi nói là nếu con muốn làm giàu thì hãy chọn ngành khác, đừng chọn ngành y. Nếu chọn ngành y thì phải giàu tình thương, sự chia sẻ.
Bác sĩ phải học nhiều năm, điểm thi rất cao, nhưng ra trường lương chỉ có 7 - 8 triệu đồng/tháng. Có thể chấp nhận được trong 2 năm, 5 năm nhưng 10 năm, 20 năm thì không thể", bà Tuyết nói.
"Tôi biết là TP.HCM phải chịu sự trói buộc rất nhiều chính sách, nhưng mong TP có những cơ chế hỗ trợ thêm, để mỗi nhân viên y tế yên tâm cống hiến lâu dài và đặc biệt là hãnh diện khi làm việc cho ngành y tế TP", bà Tuyết nghẹn ngào nói.
Sau buổi gặp gỡ với Bí thư Thành ủy, ông Trần Văn Khanh, giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh, chia sẻ dù thời gian không nhiều nhưng cuộc gặp gỡ này đã tạo ra một không khí trao đổi một cách thẳng thắn để giải quyết những khó khăn, vướng mắc của ngành y tế.
"Từ cuộc gặp sẽ tìm ra giải pháp trong thời gian tới để ngành hoạt động hiệu quả hơn", ông Khanh chia sẻ.
Luôn đồng hành, sát cánh cùng cán bộ, nhân viên ngành y
Phát biểu cuối buổi gặp gỡ, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhìn nhận các ý kiến chia sẻ đã khái quát bức tranh chung về những bất cập và thử thách của ngành y tế TP đang đối mặt.
Ông Nên khẳng định lãnh đạo TP luôn đồng hành, sát cánh với đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành y tế bằng những giải pháp cụ thể.
Trước tiên, ông Nên yêu cầu ngành y tế cần bám sát chiến lược y tế mà TP đã ban hành, để cụ thể hóa các vấn đề về nhân lực, chế độ chính sách, cơ sở vật chất... đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Về chính sách đãi ngộ, ông đề nghị Ban tổ chức Thành ủy phối hợp với Sở Nội vụ bàn giải pháp tăng thu nhập cho tình nguyện viên, sinh viên ra trường về làm việc ở trạm y tế phường; đồng thời nghiên cứu các chính sách thi đua khen thưởng linh hoạt; rà soát cơ sở vật chất để báo cấp trên giải quyết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận