07/05/2016 08:15 GMT+7

Bí thư Sóc Trăng nói gì khi nhiều bà con mình bỏ xứ?

H.TRÍ DŨNG - TIẾN TRÌNH thực hiện
H.TRÍ DŨNG - TIẾN TRÌNH thực hiện

TTO - "Rất nhiều xóm làng, vùng quê tại ba huyện Long Phú, Trần Đề, Vĩnh Châu ở Sóc Trăng ở nhà bây giờ chỉ còn người già và trẻ em" - bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng lo lắng cho biết.

Nhiều trẻ ở ấp Kinh Ngang, xã Long Phú, huyện Long Phú (Sóc Trăng) có cha mẹ đi làm ăn xa - Ảnh: T.Trang
Nhiều trẻ ở ấp Kinh Ngang, xã Long Phú, huyện Long Phú (Sóc Trăng) có cha mẹ đi làm ăn xa - Ảnh: T.Trang

​Câu chuyện  không phải mới xảy ra, nhưng nhiều người bỏ đi đến xóm làng hiu hắt đã rộ lên trong mùa hạn mặn gay gắt này. 

Ông Nguyễn Văn Thể, bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, nhìn nhận:

- Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu khiến các tỉnh ĐBSCL đứng trước những nguy cơ hiển hiện: mất đất do sạt lở nghiêm trọng bờ biển, sông ngòi; nhiều nơi bị lún chìm do nước biển dâng và khai thác nước ngầm quá mức; tình hình xâm nhập mặn; tình trạng nghèo đói và đặc biệt là tình trạng di dân tự do do môi trường hạn mặn, người dân phải bỏ đi nơi khác tìm sinh kế dẫn đến nguy cơ bất ổn ở các địa phương.

Ông Nguyễn Văn Thể - Ảnh: T.Trình
Ông Nguyễn Văn Thể - Ảnh: T.Trình

* Thực tế này đang đặt ra điều gì và ông kiến nghị gì với Chính phủ?

- Chính phủ nên giao cho các nhà khoa học, nếu cần thiết thì thuê các nhà khoa học nước ngoài nghiên cứu, đánh giá lại “chức năng nhiệm vụ” của ĐBSCL, vai trò của khu vực này đối với bảo đảm an ninh lương thực cho cả nước.

Trên cơ sở đó, cần thiết quy hoạch lại cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Nếu giữ diện tích lúa thì giữ bao nhiêu, còn nếu chuyển đổi thì chuyển đổi ở vùng nào, nên tính hài hòa giữa cây trồng, vật nuôi.

Đi kèm với nó là các giải pháp phi công trình mới có thể đảm bảo cho ĐBSCL phát triển bền vững.

* Cuộc sống khốn khó khiến người dân ở nhiều địa phương thuộc ĐBSCL phải chấp nhận bỏ xứ đi nơi khác làm ăn. Ở Sóc Trăng chuyện này xảy ra thế nào?

- Ở nhiều địa phương, tình trạng những người trẻ rời quê, nói nôm na là tị nạn môi trường, tìm sinh kế đang gia tăng đáng lo ngại.

Riêng tỉnh Sóc Trăng tôi chưa được các cơ quan chuyên môn báo cáo số liệu cụ thể, nhưng sơ bộ anh em báo cáo là gia tăng rất đáng lo. Có ba huyện là Long Phú, Trần Đề, Vĩnh Châu có nhiều lao động trẻ bỏ xứ đi Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM... tìm sinh kế do tác động của tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn.

Rất nhiều xóm làng, vùng quê tại các huyện này do lực lượng lao động đi làm ăn xa, ở nhà bây giờ chỉ còn người già và trẻ em.

* Những hệ lụy gì đang và sẽ diễn ra ở vùng quê, thưa ông?

- Việc những người trẻ bỏ xứ đi làm ăn không đơn giản là thiếu lao động ở địa phương, mà còn ảnh hưởng đến nhiều vấn đề khác. Đó là người già ốm đau, bệnh hoạn sẽ không có người chăm sóc; trẻ em sống xa cha mẹ không có người chăm lo, dạy dỗ.

An ninh trật tự của địa phương cũng sẽ khó khăn vì không có lực lượng lao động cầm trịch... Một vùng đất được mệnh danh trù phú, góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho cả nước nhưng giờ lại thiếu lực lượng lao động và xu hướng này năm sau lại cao hơn năm trước. 

Nếu để ý có thể thấy nhiều vụ án xảy ra ở TP.HCM, Bình Dương gần đây có “dính líu” đến người dân một số tỉnh miền Tây, trong đó có tỉnh Sóc Trăng.

* Theo ông, cần có những giải pháp nào để giải quyết căn cơ những hệ lụy trên?

- Theo tôi, muốn níu chân những người lao động trẻ thì không còn cách nào khác là phải tạo công ăn việc làm tại chỗ cho họ. Trước giờ nhiều vùng chúng ta làm nông nghiệp không hiệu quả, để đất đai manh mún, tỉ lệ đất trên đầu người thấp, sản xuất không hiệu quả.

Nếu duy trì tình trạng như hiện nay thì không thể giải quyết được bài toán di dân. Thực tế thời gian qua tỉnh Sóc Trăng đã có rất nhiều chương trình của Đoàn thanh niên, Hội nông dân, Hội phụ nữ... như hợp tác hỗ trợ để tặng bò cho dân, ưu đãi về vốn cho dân sản xuất.

Tuy nhiên, những chương trình này chỉ giúp dân giải quyết khó khăn trong một giai đoạn, chứ không giải quyết được bài toán căn cơ.

Vì vậy tôi đề xuất Chính phủ mạnh dạn cho phép Sóc Trăng và một số tỉnh ở ĐBSCL có những vùng đất sản xuất không hiệu quả, đang nhiễm mặn, ở cuối nguồn, ven biển... chuyển một phần đất sang đất chuyên dùng.

Từ đất chuyên dùng hình thành nên các khu, cụm công nghiệp để thu hút nhà đầu tư có tiềm lực mạnh. Đồng thời phải có các chính sách hỗ trợ ưu đãi doanh nghiệp để nhà đầu tư về đầu tư, tạo công ăn việc làm cho người dân. Đặt các khu công nghiệp ở vùng này rất thuận tiện vì gần biển, gần các sông lớn, ở cuối nguồn...

Nếu có được những khu, cụm công nghiệp ở đây thì người địa phương sẽ không phải đi xa, những lao động trẻ có thể yên tâm ở lại trên chính mảnh đất của mình làm công nhân và hiệu quả sẽ gấp nhiều lần so với làm lúa.

 

* Trong khi chờ Chính phủ cho chủ trương, tỉnh Sóc Trăng đã có cách làm nào để níu chân lao động trẻ ở lại với tỉnh, thưa ông?

- Tỉnh rất sốt ruột nhưng tiềm lực có hạn, không làm được. Hiện nay tại Sóc Trăng đã chuẩn bị sẵn mặt bằng một khu, cụm công nghiệp 120ha ở huyện Trần Đề - khu vực bị ảnh hưởng mặn, gần sông, gần biển... không làm lúa được. Và tỉnh cũng đã có chủ trương quy hoạch dành sẵn khoảng năm cụm công nghiệp khác cho nhà đầu tư về tham gia.

tôi cần những nhà đầu tư có tiềm lực mạnh. Nếu cần, chúng tôi giao luôn cả khu đất cho nhà đầu tư làm hạ tầng, quy hoạch lại khu đất theo phương án sản xuất để họ làm nhà máy, giải quyết lao động cho địa phương.

* PGS.TS Nguyễn Văn Sánh (viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL):

Ảnh: C.Quốc
Ảnh: C.Quốc

Người dân thiếu cơ hội việc làm

Việc người dân đi tìm sinh kế mới khi có cơ hội là bình thường, trong khi cơ hội tại chỗ họ sinh sống không ổn định vì điều kiện tự nhiên hoặc vì điều kiện phát triển kinh tế - xã hội thấp.

Điều này không chỉ xảy ra ở ĐBSCL, mà cả nước và trên thế giới đều như thế. Riêng ở ĐBSCL, việc di dân như báo Tuổi Trẻ phản ánh, theo tôi, là do: người dân thiếu cơ hội việc làm và cơ hội tăng thu nhập, dễ bị tổn thương do thời tiết cực đoan, cung - cầu lao động qua đào tạo nghề, kể cả giáo dục bậc cao, kém hiệu quả...

đây thì như thế, năm nay thêm đợt hạn, mặn xảy ra nghiêm trọng thì dân ở các tỉnh ven biển, vốn dễ bị tổn thương và khó khăn về cơ hội việc làm, bỏ xứ nhiều hơn là đúng quy luật về di dân.

Quan điểm cho rằng muốn giữ chân lao động ở lại địa phương thì phải thu hút đầu tư, xây nhà máy tạo việc làm cho dân là đúng vì cần phải tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập lâu dài thì người dân mới ở lại. Tuy nhiên cần phải có chiến lược toàn diện về phát triển kinh tế - xã hội nông thôn.

Việc thu hút đầu tư để chuyển nghề từ lao động nông nghiệp sang lao động phi nông nghiệp rất quan trọng đối với vùng ĐBSCL, đặc biệt vùng nông thôn, nhưng không dễ thực hiện vì còn các yếu tố khác ảnh hưởng như cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, ổn định về chính sách, chính quyền thân thiện, vùng nguyên liệu...

Ngoài ra, địa phương lại lệ thuộc chiến lược và kế hoạch tổng thể phát triển toàn vùng nữa. Đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế hội nhập, cạnh tranh và biến đổi khí hậu tác động đến toàn vùng thì từng tỉnh rất khó giải quyết để kêu gọi đầu tư hiệu quả, dài hạn và bền vững được.

* Ông Mai Văn Huỳnh (phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang):

Ảnh: K.Nam
Ảnh: K.Nam

Nhiều lao động xa nhà là không ổn

Theo báo cáo của Sở Lao động - thương binh và xã hội tỉnh, hiện tại mỗi năm Kiên Giang giải quyết việc làm cho khoảng 35.000 lao động, khoảng 60% trong số đó đi làm ngoài tỉnh, chủ yếu ở TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu...

Về góc độ giải quyết việc làm, người lao động có được việc làm là tốt, bất kể đi làm ngoài tỉnh hay làm việc tại địa phương.

Tuy nhiên về mặt an sinh xã hội, một địa phương có quá nhiều người đi lao động xa nhà rõ ràng là chưa ổn. Chưa ổn ở chỗ nào?

nhất, chúng tôi phải thừa nhận rằng gần 20.000 lao động của Kiên Giang đang đi làm ngoài tỉnh chủ yếu là lao động phổ thông, trình độ học vấn thấp, tay nghề nếu có cũng chỉ là đào tạo ngắn hạn.

Thứ hai, người đi làm thuê xa nhà phải trả tiền nhà trọ, giá cả sinh hoạt đắt đỏ, thiếu các chính sách an sinh xã hội thiết yếu, con cái ít được tiếp cận giáo dục...

Thứ ba, với hàng chục ngàn lao động rời quê thì địa phương đang có một khoảng trống khó bù đắp về nguồn nhân lực tại chỗ.

Từ thực tế nói trên, nhiều năm qua quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Kiên Giang là tăng cường đào tạo nghề, giải quyết việc làm tại chỗ để giảm thiểu tình trạng người dân rời quê đi làm ở nơi khác.

Trên cơ sở đó, từ năm 2015 UBND tỉnh đã triển khai đề án đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh với một số chỉ tiêu cụ thể như: đến năm 2020 cả tỉnh có 22.000-25.000 lao động làm việc trên lĩnh vực du lịch, khoảng 10.000 lao động làm việc trong các khu, cụm công nghiệp của tỉnh. Trong đó tỉ lệ lao động qua đào tạo chuyên ngành du lịch đạt 50-55% vào năm 2020 và 75-85% vào năm 2030.

Với những số liệu và phân tích nêu trên, tôi cho rằng việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt lao động nông nghiệp chuyển sang phi nông nghiệp, ngay tại tỉnh nhà là hoàn toàn khả thi. 

H.TRÍ DŨNG - TIẾN TRÌNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên