Học sinh lớp 12 tiêm vắc xin mũi 2 trước khi đi học lại - Ảnh: TỰ TRUNG
Chiều 2-12, bên lề Hội nghị Thành ủy TP.HCM mở rộng, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã chia sẻ với báo chí về kế hoạch thí điểm dạy học trực tiếp từ ngày 13-12 đối với lớp 1, 9, 12 trong 2 tuần.
Ông Nên nói lúc đầu TP có tính và lấy ý kiến phụ huynh về việc cho học sinh đi học lại. Nhiều phụ huynh rất quan ngại do chưa biết rõ mức độ, tính chất và tốc độ lây nhiễm của chủng mới Omicron ra sao. Chủng mới lây lan rất nhanh, để con ra ngoài, phụ huynh không yên tâm.
"Sự ủng hộ của phụ huynh đối với việc cho học sinh đi học lại không cao nên thí điểm với các lớp có sự đồng thuận lớn, quản lý được. Thật ra thành phố cũng muốn chờ tình hình diễn biến thế nào. Trong bối cảnh dịch COVID-19 như vậy phải thí điểm, còn làm sớm mà không kiểm soát được hoặc có vấn đề gì đó sẽ tạo sự bất an với hàng ngàn gia đình", ông Nên chia sẻ.
Trước đó, UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch tổ chức học tập trực tiếp tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Theo đó, các trường sẽ thí điểm dạy học trực tiếp từ ngày 13-12 đối với lớp 1, 9, 12 trong 2 tuần. Từ tuần thứ 2 sẽ thí điểm đối với trẻ mẫu giáo 5 tuổi.
Đối với huyện Cần Giờ, Trường mầm non Thạnh An, tiểu học Thạnh An, THCS - THPT Thạnh An học trực tiếp ở tất cả các khối lớp từ ngày 13-12.
UBND TP chỉ đạo từ ngày 27-12 sẽ tổ chức hội nghị sơ kết, rút kinh nghiệm 2 tuần thí điểm dạy học trực tiếp. Căn cứ kết quả này, Sở Giáo dục và đào tạo phối hợp với Sở Y tế tham mưu UBND TP xem xét việc quyết định tiếp tục mở rộng dần đối tượng hoặc tổ chức dạy học trực tiếp toàn TP từ ngày 3-1-2022.
Kết luận Hội nghị Thành ủy TP.HCM lần thứ 10, Bí thư Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ sắp tới là "Quan tâm công tác giáo dục và đào tạo, giữ vững chất lượng dạy và học. Trước mắt cần thí điểm dạy học tập trung trong điều kiện “bình thường mới” đối với lớp 1, 9, 12".
Đánh giá lại cán bộ một cách thực chất
Cũng trao đổi bên lề, Bí thư Nguyễn Văn Nên đã chia sẻ thêm về chủ đề công tác xây dựng Đảng năm 2022 của TP.HCM là: “Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, phát huy tính tiên phong, gương mẫu, tinh thần dũng cảm, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cán bộ, đảng viên”.
Theo ông Nên, khâu đánh giá cán bộ trước giờ vẫn là khâu yếu. Việc đánh giá chưa đủ cơ sở về mặt định lượng. Do vậy, TP từng bước tịnh tiến theo hướng đánh giá cán bộ thực chất.
Hiện nay TP đã đề ra một số tiêu chí, ví dụ muốn đưa một cán bộ lên để đào tạo phát triển phải có một bảng báo cáo suốt 150 ngày chống dịch vừa qua họ làm gì, ở đâu hay hoạt động ra sao.
"Phải đánh giá lại trên cơ sở sản phẩm công việc cụ thể, gắn đánh giá đó là các quy trình theo công tác cán bộ. Đánh giá để sàng lọc, đào tạo, quy hoạch, bố trí sử dụng cán bộ. Nếu đánh giá đúng sẽ sử dụng hiệu quả", ông Nên nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận