Ông Liếc thân tình với các già làng - Ảnh: T.B.D.
Và điều đặc biệt, tác giả cuốn sách này lại chính là Bh’riu Liếc - bí thư Huyện ủy Tây Giang, Quảng Nam.
Đằng sau những trang sách tưởng chừng lẫn lộn trong thư viện sách nghiên cứu về văn hóa các tộc người là cả kỳ công của một "công dân chính gốc Cơ Tu", với hành trình ròng rã 10 năm đi tìm nguồn cội. Tự bỏ tiền túi ra làm sách, ông đã lưu giữ được báu vật của một tộc người.
Một công trình nghiên cứu tổng hợp
Không lạ lẫm gì với dân Quảng Nam và giới nghiên cứu văn hóa các tộc người, Bh’riu Liếc được biết đến như một trong những già làng, thủ lĩnh có công gìn giữ gần như nguyên vẹn từng gốc gỗ rừng pơmu trên dải Trường Sơn dọc biên giới Việt - Lào.
Bh’riu Liếc đằng hắng giọng khi nói về những bộ sách và khá nhiều công trình nghiên cứu về người Cơ Tu: "Chúng tôi không phủ nhận công sức của các nhà dân tộc học. Nhiều học giả đã công phu viết ra các bộ tài liệu về ngôn ngữ, văn hóa, tộc người Cơ Tu, nhưng đa số trong đó là không đầy đủ hoặc sai lệch quá nhiều".
Dẫn dụ về một cuốn sách đề cập bộ ngôn ngữ Cơ Tu do một học giả chấp bút mà mặt Bh’riu Liếc đỏ lên: "Tôi là ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, cũng là người Cơ Tu. Nhưng khi được tham vấn ý kiến về cuốn sách đó, chúng tôi không ngờ rằng tỉ lệ sai lệch tới 70%. Họ viết về tiếng Cơ Tu mà ngay cả tôi là người Cơ Tu cũng không hiểu".
Bh’riu Liếc không phủ nhận tâm huyết và giá trị các cuốn sách nghiên cứu văn hóa dân tộc mình. Nhưng theo ông, sự chuyển tải một cách dễ dãi và hời hợt sẽ khiến văn hóa đích thực của tộc người bản địa bị hiểu sai và mai một dần.
Trăn trở điều này, ông đã tự đi điền dã, lục tìm tài liệu thư viện và uống rượu, trò chuyện với người Cơ Tu đến căng bụng để cho ra đời cuốn Prá Cơ Tu. Cái tiêu đề dễ gây sự tò mò, liên tưởng tới một điển tích trong văn hóa tộc người trú ngụ ở mạn tây dãy Trường Sơn. Nhưng khi được đề nghị dịch nghĩa, ông cười phá lên: "Cuốn sách mà tôi viết cũng như một món... thập cẩm, tất tần tật về người Cơ Tu".
Lật từng trang sách, gần như mọi tín ngưỡng, văn hóa, tập tục của người Cơ Tu được ông lý giải. Đặc biệt, ông dành hẳn 1/3 số trang sách để giải nghĩa bộ chữ viết và ngôn ngữ người Cơ Tu. Trong lời giới thiệu về sách, Bh’riu Liếc khá thẳng thắn: "Tuy chưa thể đáp ứng đầy đủ mọi nguyện vọng nghiên cứu về người Cơ Tu, nhưng cuốn sách là một công trình nghiên cứu tổng hợp tương đối đầy đủ về ngôn ngữ, văn hóa Cơ Tu". Điều quan trọng nhất để tạo niềm tin cho những gì mình viết, Bh’riu Liếc khẳng định: "Tác giả chính là người con dân tộc Cơ Tu".
Sự tỉ mỉ và am hiểu thể hiện rất rõ trong sách. Tác giả tâm huyết lớn lao vào công trình mình làm. Tôi được xem nhiều công trình tương tự, nhưng thực sự tâm phục khẩu phục Bh’riu Liếc.
Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam Hà Thanh Quốc nhận xét. Theo ông Quốc, sách này sẽ được làm tài liệu phục vụ giảng dạy, nghiên cứu cho giáo viên khi dạy ngôn ngữ Cơ Tu trong các trường mầm non, tiểu học ở Quảng Nam.
Điền dã và lấy tư liệu từ... chính mình
Nhìn bí thư Huyện ủy Tây Giang bây giờ, hiếm ai biết Bh’riu Liếc từng là thầy giáo, nhiều năm lặn lội dạy chữ ở vùng biên giới và hiểu sâu sắc tộc người mình.
Cuốn sách được ông hoàn thành trong vòng 10 năm, nhưng nó được hun đúc từ cả một đời ông sinh ra và lớn lên bên mái Gươl, ngôi nhà chung của làng. Theo Bh’riu Liếc, những năm 2006-2008, nhiều dự án nghiên cứu văn hóa tộc người Cơ Tu được triển khai tại Quảng Nam.
Lần lượt sau đó, nhiều cuốn sách được cho xuất bản với mong muốn góp thêm tư liệu cho kho sách về dân tộc này. Tuy nhiên, là người được sinh ra ở làng, ông "ngượng đỏ tai" khi thấy quá nhiều trang sách không có sự lăn lộn điền dã, hời hợt, thậm chí sai lệch.
Năm 2008, ông bắt đầu kế hoạch tự mình tìm tài liệu, góp nhặt những buổi trò chuyện với già làng, người lớn tuổi để viết sách "prá" về dân tộc mình. Thời điểm đó, ông đang là chủ tịch UBND huyện Tây Giang, một người không có học vị chuyên môn thật khó thuyết phục các nhà xuất bản về kế hoạch viết sách khảo cứu tộc người.
Một bản làng Cơtu ở Quảng Nam - Ảnh: T.B.D.
"Nhưng tôi có một thứ quý báu nhất đối với bất kỳ nhà nghiên cứu văn hóa nào: đó là sự hiểu biết tới gốc rễ và máu thịt đối với Cơ Tu. Và Cơ Tu chính là tôi. Không một nhà nghiên cứu Cơ Tu nào có sự điền dã bằng cả một đời người như tôi" - ông khẳng định.
Tuy nhiên, sự tự tin vẫn chưa đủ. Đặc biệt là người viết sách, sự am hiểu của bản thân chỉ phản ánh một góc cạnh của vấn đề. Bh’riu Liếc hiểu rằng công trình nghiên cứu có thể là "cảo thơm", nhưng cũng có thể là "tai họa" nếu cẩu thả, không biết mà viết, hoặc viết mà không tìm hiểu hết các mặt của vấn đề. Khi quyết định viết về "prá" dân tộc mình, ông dự tính hoàn thành trong 4-5 năm.
Nhưng cuốn sách phải thai nghén và nhiều lần chỉnh lý mới có thể cho ra đời vào năm 2018. 10 năm làm sách, cứ ngoài giờ ở phòng làm việc, ông lại vượt qua các ngọn núi để vào tận từng làng. Nhiều khi ông uống rượu đến say bí tỉ với già làng, đồng bào Cơ Tu để kết thân, thu thập tư liệu quý giá, ghi chép dày đặc trong hàng chục cuốn sổ tay.
Tháng 8-2018, qua nhiều vòng phản biện, góp ý, chỉnh lý, cuốn sách của ông được UBND tỉnh Quảng Nam cấp giấy xác nhận công trình nghiên cứu khoa học. Dễ thường nghĩ một bí thư huyện ủy làm khoa học để "lấy tiếng" và đương nhiên từ kinh phí nhà nước. Nhưng không. Công trình "prá" của ông được ghi rõ trong giấy xác nhận là "không sử dụng ngân sách nhà nước". Nó là tâm huyết của cả đời ông...
Mang rau rừng đi... xin góp ý sách
Ngoài công việc, ông Liếc đam mê nghiên cứu văn hóa - Ảnh: T.B.D.
Suốt 10 năm ròng rã làm sách, ông Bh’riu Liếc không thể nhớ hết mình đã đi bao nhiêu chuyến, mất bao nhiêu tiền, cặm cụi viết bao nhiêu đêm để tới ngày thấy sách. Ông tự đề xuất không sử dụng ngân sách mà tự bỏ tiền túi, từ chi phí điền dã, lăn lộn, chi phí thành lập hội đồng phản biện cho tới in ấn.
Ông vừa kể vừa cười: "Tôi không ghi chép đã hết bao nhiêu tiền cho cuốn sách, nhưng riêng tiền xăng xe đi lại từ huyện xuống thành phố để xin góp ý cũng đã quá nhiều. Mà mình không thể đến tay không được, dù người được lấy ý kiến chẳng đòi hỏi. Mỗi lần như vậy, tôi thường tự đi vào làng mua mật ong, rau rừng cho tiết kiệm, để tặng cho người góp ý như lời cảm ơn của núi rừng Cơ Tu".
Ngoài cuốn Prá Cơ Tu, ông còn viết 3 cuốn sách khác. Tất cả đều xoay quanh văn hóa đời sống người dân mình. Sau khi cuốn Prá Cơ Tu được phát hành, ông chuẩn bị tổ chức lớp hàng đêm để làm thầy giáo giảng dạy về văn hóa, đời sống, ngôn ngữ Cơ Tu bản địa cho cán bộ, giáo viên trên toàn huyện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận