Ông Trần Văn Nam - bí thư Huyện ủy Bình Chánh - chia sẻ thông tin về việc phát triển Bình Chánh trong thời gian tới tại hội nghị chiều 11-11 - Ảnh: NGỌC HIỂN
Tại hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo huyện Bình Chánh (TP.HCM) với doanh nghiệp năm 2021 diễn ra vào chiều 11-11, ông Trần Văn Nam - bí thư Huyện ủy Bình Chánh - cho biết ông rất cân nhắc khi chia sẻ thông tin về quyết tâm đưa Bình Chánh trở thành quận hoặc thành phố vào năm 2025.
"Đồng chí Vượng (ông Đào Gia Vượng, chủ tịch UBND huyện Bình Chánh - PV) rất băn khoăn, ban thường vụ cũng băn khoăn về việc thông tin sớm quá thì không khéo giá đất đẩy lên, ảnh hưởng đến các dự án đầu tư", ông Nam nói.
Tuy nhiên, ông Nam cũng cho rằng nếu không thông tin cũng gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến các nhà đầu tư…
Tại hội nghị này, ông Nam chính thức thông tin "quyết tâm đưa huyện Bình Chánh trở thành quận hay thành phố vào năm 2025".
Theo ông Nam, huyện đã rà soát các tiêu chí để lên thành phố, cơ bản đạt nhiều, hiện chỉ còn một số tiêu chí, nếu từ nay đến năm 2025 phấn đấu sẽ đạt được.
"Hướng của ban thường vụ là ở phía đông thì có thành phố Thủ Đức và làm sao cố gắng phía tây nam có thành phố Bình Chánh", ông Nam nói.
Theo ông Nam, việc hướng lên quận, lên thành phố là mục tiêu phấn đấu của Bình Chánh.
Tương tự, chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Đào Gia Vượng cũng cho hay dù "nhiều khi nói trước bước không tới" nhưng nói trễ quá cũng "mất cơ hội" để doanh nghiệp tìm đến Bình Chánh, song đến nay đã xác định được các điều kiện, các tiêu chí để thực hiện đề án chuyển từ huyện lên quận, hướng tới phát triển Bình Chánh như một quận hoặc một thành phố.
Dự án treo khiến dân nuôi cá, nuôi gà không được, sửa nhà cũng không xong!
Về thực trạng tồn tại lâu nay của huyện Bình Chánh là dự án treo, bí thư Huyện ủy Bình Chánh nói rằng "nếu đếm số lượng dự án của Bình Chánh so với các quận thì không ít hơn, thậm chí rất nhiều nhưng toàn là dự án treo".
Dẫn chứng một con đường cụ thể, vị bí thư huyện ủy nói rằng khi đi dọc con đường Nguyễn Văn Linh sẽ thấy toàn các dự án "có tên nhưng lại không thực hiện".
Do đó, ông Nam hỏi ngược lại lãnh đạo các doanh nghiệp đang dự hội nghị rằng: "Nếu muốn huyện phát triển mà cứ xin dự án xong để tên đó thì huyện phát triển kiểu gì? Nuôi cá cũng không xong, nuôi gà cũng không được, làm nhà cũng không xong, không làm gì được hết trơn! Người dân thì khổ".
Theo ông Nam, cứ "xin dự án ra rồi để đó" khiến dân kiện, dân tập trung để chính quyền giải quyết, bức xúc khiến địa phương phải "hứng" trong khi lợi nhuận lại thuộc về doanh nghiệp.
"Tôi nói thật với các đồng chí, ban thường vụ vừa rồi có họp, đề nghị UBND huyện rà soát tất cả các dự án còn chậm triển khai, các vụ sai phạm phải quyết liệt, không thể kéo dài được. Nhiều dự án kéo dài làm khổ người dân, nhà thì không xây được, sửa không xong, dột, ô nhiễm, nhiều cảnh đời thấy rất khổ, thương tâm", ông Nam nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận