Sáng 24-2, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã thăm, chúc mừng Sở Y tế Hà Nội nhân kỷ niệm 68 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam.
Không để xảy ra các vụ ngộ độc lớn
Báo cáo với lãnh đạo Thành ủy, bà Trần Thị Nhị Hà - giám đốc Sở Y tế Hà Nội - cho biết trong năm 2022, sở đã bảo đảm cung ứng thuốc thiết yếu cho công tác khám, chữa bệnh. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác khám, chữa bệnh, góp phần rút ngắn thời gian chờ khám của người bệnh.
Cũng theo bà Hà, hiện 100% cơ sở khám, chữa bệnh tại Hà Nội đã triển khai ứng dụng VssID và thẻ căn cước công dân gắn chip khi người dân đến khám, chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế.
Đồng thời, định hướng các bệnh viện chuyên khoa đầu ngành phát triển các kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu, mũi nhọn; tăng cường chỉ đạo tuyến, hướng dẫn các bệnh viện tuyến dưới triển khai các kỹ thuật mới.
Hiện sở cũng đã thành lập mạng lưới khám, chữa bệnh từ xa, bao gồm 4 bệnh viện tuyến trên, 157 đơn vị bệnh viện tuyến dưới nhằm thực hiện đề án "Khám chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025" của Bộ Y tế.
"Ngành y tế Hà Nội cũng đã bảo đảm an toàn thực phẩm, không để xảy ra các vụ ngộ độc lớn trên địa bàn" - bà Hà nói.
Cũng trong khuôn khổ buổi gặp gỡ, các cán bộ chủ chốt ngành y tế Hà Nội đã thay mặt đội ngũ y, bác sĩ để chia sẻ tâm tư, nguyện vọng, nêu những khó khăn, vướng mắc của ngành y trong thời gian vừa qua.
Ngành y tế khó khăn, lãnh đạo TP trăn trở
Phát biểu chúc mừng, bí thư Thành ủy Hà Nội ghi nhận, đánh giá cao ngành y tế Hà Nội về những kết quả công tác nổi bật trong năm qua, đặc biệt là công tác phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Ông đánh giá mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thử thách "chưa có tiền lệ" trong thời gian qua, nhưng đội ngũ y, bác sĩ, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành y tế thủ đô đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, y đức. Ông cho rằng những đóng góp trên là "rất vinh quang, vẻ vang".
Về những khó khăn của ngành y tế như việc đội ngũ y, bác sĩ... liên tiếp nghỉ việc, khó khăn của y tế cơ sở... người đứng đầu Thành ủy Hà Nội cho biết đây cũng là vấn đề mà lãnh đạo TP trăn trở.
"Lãnh đạo TP đã, đang và sẽ tìm cách tháo gỡ để xây dựng ngành y tế thủ đô thực sự mạnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân" - ông Dũng nói.
Ông Dũng cho biết hiện Hà Nội đã quyết định ưu tiên đầu tư giai đoạn 2022-2025 và những năm tiếp theo vào 3 lĩnh vực, trong đó có y tế, với tổng vốn đầu tư hơn 49.200 tỉ đồng. Ngoài ra, TP cũng đã chỉ đạo xây dựng đơn giá, tăng cường tự chủ tài chính cho các bệnh viện...
"TP cũng đang đề xuất đưa quy định về chính sách thu hút nhân tài, tự chủ tài chính ở mức cao hơn, đặc biệt hơn vào Luật thủ đô (sửa đổi)" - Bí thư Đinh Tiến Dũng nói thêm.
Sở Y tế hiện có 78 đơn vị trực thuộc, gồm: 2 chi cục, 5 trung tâm chuyên khoa, 41 bệnh viện, 30 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã (579 trạm y tế xã, phường, thị trấn, 4 nhà hộ sinh và 53 phòng khám đa khoa) với hơn 26.000 công chức, viên chức và người lao động.
Đồng thời, sở đang quản lý nhà nước đối với 42 bệnh viện tư nhân, hơn 3.000 phòng khám tư nhân và gần 10.000 nhà thuốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận