Đồng tình với các quy định về trách nhiệm nhà đầu tư tại các dự án nhà ở thương mại, song ông Dũng cho rằng cần bổ sung thêm chế tài do thực tiễn đang có nhiều vướng mắc.
Nêu rõ hơn, ông nói nhà đầu tư phải đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội của dự án để đảm bảo tiến độ và đồng bộ. Bởi thực tế, có dự án đã làm nhà và bán cho khách hàng, nhưng "quay đi quay lại" vẫn thiếu hạ tầng xã hội, thiếu trường học, bệnh viện.
Có chế tài như thu hồi dự án không đầu tư đồng bộ hạ tầng
"Có dự án nhà ở 20 năm nay mà chưa xây trường học, người dân đã vào ở kín mít. Đó là thực tế ở ngay thủ đô. Thậm chí thiếu cả hạ tầng khác như bãi đỗ xe. Cần bổ sung chế tài bắt buộc đầu tư hạ tầng xã hội" - ông Dũng nói.
Để khắc phục tình trạng này, bí thư Hà Nội cho hay thành phố đang thực hiện theo hướng với những dự án không đầu tư đồng bộ sẽ thu hồi, đề nghị tiếp tục đầu tư.
Việc đầu tư có thể bằng ngân sách, hoặc kêu gọi nhà đầu tư thứ phát. Mục tiêu là nhằm phải hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.
Về quy định với nhà tái định cư, Bí thư Dũng nêu ra thực trạng "thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu”, bởi thời gian qua dù có một loạt dự án nhưng người dân không nhận nhà và nhận tiền. Tuy nhiên, Luật Đất đai quy định phải có nhà tái định cư mới được triển khai dự án.
"Nên chăng có hướng mở hơn trong luật này, hoàn toàn giao cấp tỉnh có thể bố trí từ nhà tái định cư sang nhà ở xã hội và ngược lại theo hướng linh hoạt hơn" - ông Dũng gợi mở. Ông cũng cho rằng thực trạng trên dẫn tới một loạt nhà tái định cư đang thừa, ách tắc trong triển khai dự án giao thông, dự án trọng điểm.
Trong cải tạo chung cư cũ, bí thư Hà Nội đề nghị cân nhắc quy định việc cải tạo thực hiện bằng ngân sách, tức bằng tiền đầu tư công, trong khi chung cư là sở hữu của người dân.
"Ngân sách địa phương sao làm được? Tôi cho là sẽ trái luật khác, nhất là Luật Ngân sách. Chung cư cũ thuộc sở hữu người dân, sở hữu cá nhân, làm sao bỏ ngân sách đầu tư vào được? Việc này phải gắn với tái thiết đô thị và có thời hạn quy định mới giải quyết được vấn đề", ông nói.
Quy định thời hạn nhà chung cư để ràng buộc trách nhiệm các bên
Từ thực tiễn Hà Nội, ông nói không thể quy hoạch lại nhà chung cư cũ, mà phải làm cuốn chiếu từng khu.
Đơn cử như khu Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng ở Hà Nội, chỉ nên làm một vài tòa cao tầng. Các khu chung cư này nên cải tạo theo hướng xây cao tầng, bên dưới là không gian thương mại, dịch vụ để người dân sinh hoạt, vừa có doanh thu cho nhà đầu tư.
"Để hẳn một khu làm thương mại thì nhà đầu tư mới có lợi ích, người dân cũng có không gian sống đảm bảo. Như hiện nay, chung cư cũ vừa chen chúc, cơi nới rất nhiều vấn đề. Phải đưa ra đây chủ trương phải cải tạo. Lâu nay mình làm rất dở", ông Dũng nói.
Với những quan điểm như trên, ông Dũng cho rằng nhà chung cư cần có thời hạn sử dụng, để Nhà nước có trách nhiệm bảo vệ cuộc sống người dân. Đến thời hạn, hoặc đến sát thời hạn mà nhà chung cư xuống cấp, người dân tự nguyện đồng tình, Nhà nước sẽ làm.
"Khi quy định thời hạn, người dân hiểu mua chung cư cũng chỉ có thời hạn đấy thôi. Nếu vô hạn, đến lúc xuống cấp, hỏng hóc thì Nhà nước lại phải chịu trách nhiệm. Tôi thấy hài hòa lợi ích ở đây cũng phải tính toán. Dứt khoát phải gắn với tái thiết đô thị và phải có thời hạn", ông Dũng nêu quan điểm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận