Người đứng đầu Thành ủy Hà Nội cho biết hiện lãnh đạo TP đang triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng, có tính chiến lược liên quan tới việc phát triển thủ đô lâu dài như việc tổng kết Luật Thủ đô năm 2012, kiến nghị xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi cho giai đoạn tới.
Đồng thời, tiến hành lập quy hoạch thủ đô thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến 2050 theo quy định của Luật Quy hoạch.
"Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2045 tầm nhìn đến 2065 và ba nội dung này cũng dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10 năm nay" - Bí thư Thành ủy Hà Nội nói.
Về những dự án trọng điểm, ông Đinh Tiến Dũng cho biết TP đang triển khai rất quyết liệt, đặc biệt là dự án vành đai 4 - vùng thủ đô.
TP đặt mục tiêu đến 30-6-2023 sẽ bàn giao cơ bản 70% mặt bằng và tổ chức khởi công dự án kể trên; thời điểm 31-12-2023, Hà Nội sẽ bàn giao 100% mặt bằng.
Về chi phí tái định cư, giải phóng mặt bằng, bao gồm phần đường cao tốc, đường song hành hai bên và cả 30m chiều ngang dự trữ cho đường sắt quốc gia khoảng 13.000 tỉ đồng. Về đường song hành hai bên của dự án trên, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết sẽ xây dựng mỗi bên hai làn xe, tổng mức kinh phí khoảng 5.400 tỉ đồng.
"Tôi cộng lại là trên 18.000 tỉ, chia cho 58km thì chỉ có 328 tỉ/km. Đường vành đai 2,5 nối từ Nguyễn Trãi sang Đầm Hồng có hơn 1km nhưng 2.500 tỉ. Đường vành đai 1 từ Hoàng Cầu - Voi Phục hơn 1km nhưng 7.600 tỉ, nói như vậy để thấy chúng ta làm sớm, đồng bộ ngày nào là sẽ rẻ ngày đấy".
Về chỉ số cải cách hành chính của TP năm 2022, ông Dũng cho biết Hà Nội đứng thứ 3/63 tỉnh, thành; tăng được 7 bậc, năm 2021, Hà Nội đứng thứ 10.
Có được kết quả trên, ông Đinh Tiến Dũng đánh giá là do Hà Nội đã xây dựng và thông qua đề án phân cấp, phân quyền. Trước đó, qua rà soát, Hà Nội có hơn 1.900 thủ tục hành chính các cấp từ HĐND TP, UBND TP, chủ tịch UBND TP; sở, ngành; quận huyện… thuộc thẩm quyền.
Riêng các sở, ngành TP có trên 1.154 thủ tục hành chính.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận