Liên quan tới việc UBND TP Hà Nội tính khôi phục tàu du lịch hoạt động trên hồ Tây, chiều 28-3, tại phiên họp của ban chỉ đạo quản lý tổ chức bộ máy, biên chế TP, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết quan điểm chỉ đạo của Thường trực Thành ủy đối với công tác quản lý hồ Tây là trước mắt không xem xét đưa du thuyền hoạt động trở lại.
"Tôi đề nghị các đồng chí tập trung di dời hết các tàu cũ còn lại, bảo đảm cảnh quan, môi trường của khu vực hồ Tây.
Việc đưa du thuyền hoạt động trở lại chưa vội tính đến. Sau này nếu có tính toán đến việc này thì cũng phải xem xét rất kỹ đến mọi mặt, nhất là tuyệt đối bảo đảm lâu dài, bền vững môi trường nước, giữ gìn sinh thái trong hồ" - bí thư Thành ủy Hà Nội nói.
Trước đó, Tuổi Trẻ Online đưa tin về việc sau 6 năm tạm dừng, hiện Hà Nội đang lấy ý kiến về việc khôi phục tàu du lịch và các loại hình dịch vụ tại hồ Tây.
Điều đáng nói, trong khi Hà Nội tính khôi phục tàu du lịch hoạt động trên hồ Tây, các tàu cũ nát từ năm 2017 đến nay vẫn đang "án ngữ" giữa lòng hồ Tây, gây mất mỹ quan đô thị và các vấn đề về môi trường.
Dự thảo của UBND TP Hà Nội về quy định quản lý hồ Tây trong đó có 12 loại hình dịch vụ được phép hoạt động.
Các loại hình dịch vụ được phép hoạt động trong nội dung dự thảo gồm kinh doanh tàu du lịch, thuyền, xuồng ca nô, xe đạp nước trên hồ (không lưu trú qua đêm); dịch vụ bơi thuyền (gồm chèo thuyền sup, thuyền kayak, thuyền peritxoa, chèo thuyền rồng, thuyền truyền thống); vận chuyển hành khách bằng phương tiện thủy (kết hợp các công ty lữ hành du lịch quốc tế và nội địa trong khu vực); hoạt động thuyền lướt ván, thuyền buồm; bơi lặn...
Đồng thời, UBND TP Hà Nội cũng muốn hồ Tây phát triển nhiều dịch vụ du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, thể thao; biểu diễn nhạc nước; khinh khí cầu; bay dù lượn; kinh doanh sân tập golf nước trên hồ.
Vào năm 2015, TP Hà Nội chỉ đạo quận Tây Hồ rà soát, yêu cầu các đơn vị có phương tiện thủy nội địa cũ nát không sử dụng di chuyển khỏi khu vực hồ Tây.
Đến năm 2017, TP Hà Nội yêu cầu chấm dứt hoàn toàn hoạt động kinh doanh dịch vụ, thể thao du lịch, vui chơi giải trí, nuôi trồng khai thác thủy sản ở hồ Tây.
Đồng thời, yêu cầu các chủ tàu phải tháo dỡ, di dời toàn bộ các phương tiện thủy nội địa vi phạm ra khỏi lòng hồ Tây. Tuy nhiên, qua 6 năm, vẫn còn 4/147 tàu vi phạm vẫn chưa được di dời.
Về lý do 4/147 tàu chưa thể di dời, trao đổi với Tuổi Trẻ Online trưa 23-3, ông Nguyễn Đình Khuyến - chủ tịch UBND quận Tây Hồ - cho biết hiện quận đang gặp vướng mắc trong cách thức di dời các tàu kể trên, nên dẫn tới việc chậm tiến độ.
"Hiện các doanh nghiệp sở hữu tàu đòi đền bù nhưng không có cơ sở đền bù, doanh nghiệp không chịu thì chắc chắn sẽ cưỡng chế, những sẽ thực hiện trong quý 2-2023. Quận cũng rất quyết liệt, khó nhất là tàu thì 400 - 500 tấn, nhưng di chuyển cả đi thì không di chuyển được, nếu cắt ra thì vướng về mặt kiện cáo, nên mâu thuẫn giữa chính quyền và doanh nghiệp.
Hiện đang vướng mắc giữa việc tháo dỡ hay phá dỡ, tháo thì không tháo được vì không có đường nào chở được, còn phá dỡ thì sẽ vướng kiện cáo" - ông Khuyến thông tin.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận