Sáng 4-1, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã đi kiểm tra hiện trường, họp Ban chỉ đạo để nghe báo cáo về tình hình triển khai dự án tại tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên.
Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn cùng chủ trì.
Trước phiên họp, trong sáng cùng ngày, ông Đinh Tiến Dũng đã cùng đoàn đi kiểm tra hiện trường tại vị trí giao QL38 (km88+100 thuộc xã Hoàng Xá, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) và vị trí giao cắt giữa tuyến dự án đường vành đai 4 và đường Lê Văn Lương (thôn Khúc Lộng, xã Vĩnh Khúc, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên).
Cần Chính phủ sớm bổ sung nguồn vốn
Trong cuộc họp, lãnh đạo 3 tỉnh, thành có đường vành đai 4 đi qua đã trao đổi, thảo luận, kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án.
Trong đó, kiến nghị Bộ Công Thương quan tâm, xem xét, tạo điều kiện sớm có văn bản thẩm định đối với hồ sơ thiết kế thi công di dời hệ thống điện 110kV, 220kV và 500kV trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh xong trước ngày 10-1.
Bộ Xây dựng hướng dẫn phương pháp xác định giá vật liệu tại mỏ, khai thác theo cơ chế đặc thù làm cơ sở để các địa phương công bố giá vật liệu phục vụ công tác thanh, quyết toán cho nhà thầu...
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa đề nghị Chính phủ chỉ đạo sớm bổ sung nguồn vốn phục vụ dự án thành phần giải phóng mặt bằng thu hồi đất. Ông Nghĩa cho biết hiện tỉnh đã giải ngân đạt 100%, để thực hiện phải sử dụng vốn của dự án khác để hỗ trợ cho dự án đường vành đai 4.
Chọn phương án tốt nhất để làm
Phát biểu sau đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đánh giá kiểm tra ở hai tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, tiến độ triển khai dự án đường vành đai 4 "rất khả quan".
Theo ông Dũng, kinh nghiệm từ việc thực hiện các dự án vành đai trước đây cho thấy "phải làm sớm được ngày nào tiết kiệm ngày ấy và đã làm phải làm đồng bộ mới hợp lòng dân".
Về công tác giải phóng mặt bằng, người đứng đầu Thành ủy Hà Nội yêu cầu cần tập trung phấn đấu di dời xong các mộ trước ngày 23 tháng chạp; di dời xong các công trình hạ tầng chìm, nổi trước 30-6-2024. Đối với di dời đất ở, nếu không xong kịp các khu tái định cư, có thể vận dụng phương án tạm cư.
Về vật liệu, ông Dũng cho biết hiện khó khăn lớn nhất là thiếu đất đắp phục vụ dự án ở hai tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, tuy nhiên như trả lời của đại diện các bộ có thể thay thế bằng cát đắp.
Còn với cát đắp, Bí thư Hà Nội cho rằng Hà Nội đã chỉ đạo rà soát bổ sung các mỏ phía đông sát hai tỉnh để sẵn sàng hỗ trợ.
"Vấn đề phải thực hiện đúng cơ chế, chính sách, đúng quy định. Làm sao chọn phương án rẻ nhất, tốt nhất, minh bạch nhất để làm" - ông Dũng nói.
Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu và đánh giá cao cách làm của huyện Mê Linh khi vận động người dân cho mượn đất làm đường công vụ phục vụ thi công dự án. Từ đó, đề nghị các địa phương khác ở Hà Nội và cả hai tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên vận dụng để giúp nhà thầu thi công tăng thêm đường công vụ, tăng thêm mũi thi công để góp phần đẩy nhanh tiến độ dự án.
Báo cáo tại cuộc họp cho thấy đến nay Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên đã phê duyệt phương án và thu hồi đất được 1.306,06/1.390,63ha (đạt 93,92%) và di chuyển 11.540/15.556 ngôi mộ (đạt 74,18%).
Trong đó, Hà Nội thu hồi đất 764,0/791,35ha (đạt 96,54%) và di chuyển 8.718/10.082 ngôi mộ (đạt 86,42%). Đã khởi công và tổ chức xây dựng 12/13 khu tái định cư, trong đó huyện Thường Tín đã tổ chức bốc thăm cho 137 hộ dân đủ điều kiện bố trí tái định cư.
Tỉnh Hưng Yên đã thu hồi đất 195,6/230,2ha (đạt 85%) và di chuyển 2.587/3.743 ngôi mộ (đạt 69%). Đã tổ chức thi công xây dựng 5/11 khu tái định cư và 2/7 khu cải tạo mở rộng nghĩa trang, các khu tái định cư và khu cải tạo mở rộng nghĩa trang còn lại, hiện đang tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công.
Tỉnh Bắc Ninh đã thu hồi đất 346,46/369,08ha (đạt 93,87%) và di chuyển 1.071/1.731 ngôi mộ (đạt 61,87%). Đã tổ chức thi công xây dựng 2/12 khu tái định cư, các khu còn lại dự kiến triển khai xây dựng trong quý 2-2024.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận