Bí thư Thành uỷ TP.HCM Đinh La Thăng nêu vấn đề tự chủ trong ngành giáo dục của thành phố để các sở ban liên quan của TP.HCM cùng gỡ vướng mắc - Ảnh: THUẬN THẮNG |
“TP.HCM cũng là nơi khởi nguồn đổi mới của cả nước. Và giáo dục đào tạo càng phải như vậy” |
Đây là cuộc làm việc của Ban Thường vụ và Thường trực Thành ủy về thực hiện tự chủ, công tác xã hội hóa trong giáo dục và định hướng phát triển ngành giáo dục TP đến năm 2020.
Ông Lê Hồng Hồng Sơn, giám đốc Sở GD-ĐT TP, nêu hai vướng mắc lớn nhất trong vấn đề tự chủ trong giáo dục ở TP: “Tự chủ tài chính nhưng vẫn có mức trần. Tự chủ nhưng biên chế vẫn bị giao chỉ tiêu”.
Bí thư Thành ủy trả lời ngay mức trần học phí là cần thiết, bởi đã đầu tư cho giáo dục thì không tính đến lợi nhuận và phải đúng định hướng về nội dung. Tuy nhiên mức trần biên chế thì phải bỏ.
Đừng bao giờ khoanh tay
“Tại sao tự lo kinh phí mà còn lo biên chế? Đừng có biên chế gì cả, trường tự chủ muốn tuyển 1.000 giáo viên cũng được, miễn là đủ khả năng trả lương và đảm bảo chất lượng. Quan trọng là mức giá trần, thứ hai là chương trình đúng định hướng. Đã là tự chủ thì quyền của người ta chứ!” - Ông Thăng nói.
Bí thư Thành ủy cho rằng quá coi trọng chuyện biên chế sẽ khó cho cả trường lẫn giáo viên. Phải coi các thầy cô như một người lao động, được trả công xứng đáng với công việc giảng dạy. Khi trả lương cao thì sẽ thu hút người giỏi và nhà nước không cần đưa ra định mức giáo viên cho các trường tự chủ.
Tiếp tục chuyện vướng cơ chế, ông Nguyễn Văn Hiếu, phó giám đốc Sở GD-ĐT, tiếp tục kêu về chuyện trả lương cho giáo viên tiếng Anh.
Cụ thể, giáo viên Philippines được trả tới 2.000 USD/ tháng, nhưng giáo viên của trường thì không trả cao được vì vướng quy định bậc lương. Mặc dù nhiều giáo viên có chất lượng ngang bằng và hơn cả giáo viên Philippines.
Với bậc tiểu học, từ 20 năm trước TP.HCM đã có tiếng Anh tăng cường. Các giáo viên được TP tuyển từ Hội đồng Anh có chất lượng tốt, nhà trường dành 80% học phí tiếng Anh để trả cho giáo viên nên các giáo viên rất thích, dạy rất tốt.
Tuy nhiên, gần đây Bộ GD-ĐT lại đưa ra quy định là giáo viên tiểu học phải dạy đủ 23 tiết của tất cả các môn, sau đó mới được trả thêm thù lao.
“Giáo viên tiếng Anh nản quá, bỏ nghề rất nhiều” - ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết.
Trước thông tin này, Bí thư Thành ủy nói: “Vô lý thật, trả cho Tây được mà trả cho ta không được. Như vậy khác nào chảy máu ngoại tệ”.
Ông Đinh La Thăng cho rằng Sở GD-ĐT phải tìm cách vận dụng, kiến nghị với Bộ GD-ĐT chứ không thể khoanh tay.
Chẳng có gì bó buộc mãi
Ông Đinh La Thăng nói không có cơ chế nào bó buộc mãi, nếu biết tìm cách vận dụng.
Ông Thăng dẫn ví dụ về việc dù Bộ GD-ĐT chưa cho cơ chế tuyển giám thị, nhưng ngành giáo dục TP vẫn linh động tuyển dụng, trả lương từ nguồn xã hội hóa. Không sai quy chế, nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu của phụ huynh và học sinh. Điều đó chứng tỏ nếu biết vận dụng thì vẫn có thể tháo gỡ.
Trở lại chuyện vướng mắc trong trả lương cho viên tiếng Anh, Bí thư Thành ủy nói: “Học sinh thích học, phụ huynh thấy tốt, xã hội được hưởng lợi. Tốt quá đi chứ, đây cũng là một sáng tạo của TP. Giáo dục TP vượt trội hơn chỗ khác chính là ở đây, người quản lý phải kiên trì, giáo viên phải chuyên tâm”, ông Đinh La Thăng yêu cầu
Bí thư Thành ủy yêu cầu những gì còn vướng mắc, bất cập trong ngành giáo dục TP thì Sở GD-ĐT phải đề xuất, xin thí điểm.
Ông khẳng định việc đổi mới, xin thí điểm với giáo dục TP.HCM có đầy đủ cơ sở pháp lý. Đó là Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục; Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM năm 2020, trong đó có cho phép TP khi cần thiết sẽ xin Chính phủ thí điểm các vấn đề mới.
“Vướng thì phải xin cơ chế. TP là đầu tàu cả nước về giáo dục, học sinh cả nước đến đây học. TP cũng là nơi khởi nguồn đổi mới của cả nước và giáo dục đào tạo càng phải như vậy” - Bí thư Đinh La Thăng khẳng định.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM Lê Hồng Sơn báo cáo tình hình ngành giáo dục của thành phố - Ảnh: THUẬN THẮNG |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận