29/05/2016 10:05 GMT+7

Bí thư chỉ đạo, dự án "treo" 45 năm vẫn không nhúc nhích

XUÂN LONG (xuanlong@tuoitre.com.vn)
XUÂN LONG ([email protected])

TTO - Dự án “treo”, quy hoạch “treo” công viên Tuổi Trẻ - phường Thanh Nhàn, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội là điển hình về chuyện người dân khổ cực vì bị “treo” quyền xây nhà, cấp sổ đỏ suốt hơn 40 năm qua.

Hơn 40 năm qua, gần 600 hộ dân ở khu dân cư số 4, P.Thanh Nhàn phải sống “treo” trong những căn nhà xập xệ như thế này  - Ảnh: Nam Trần
Hơn 40 năm qua, gần 600 hộ dân ở khu dân cư số 4, P.Thanh Nhàn phải sống “treo” trong những căn nhà xập xệ như thế này - Ảnh: Nam Trần

Thậm chí hơn một năm trước, bí thư Thành ủy Hà Nội lúc đó là ông Phạm Quang Nghị đã trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ, nhưng đến nay người dân phản ảnh việc tháo gỡ vẫn chưa xong.

45 năm không nhúc nhích

Ông Nguyễn Hữu Căn (nhà số 2C, ngõ 98 Kim Ngưu) cho biết câu chuyện gần 600 hộ dân khu dân cư số 4 phường Thanh Nhàn chịu cảnh sống khổ cực hơn 40 năm qua đã được nhiều tờ báo nêu.

“Chúng tôi cũng đã nhiều lần gửi đơn đến các cơ quan của thành phố nêu nguyện vọng, nếu tiếp tục làm dự án công viên Tuổi Trẻ giai đoạn 2 thì trả lời cho người dân bao giờ thu hồi đất, bao giờ giải phóng mặt bằng, bao giờ chuyển người dân đi tái định cư để chúng tôi còn ổn định cuộc sống.

Còn nếu không triển khai thì trao quyền xây dựng nhà cửa, cấp sổ đỏ cho người dân. Vậy mà những câu hỏi này suốt bao nhiêu năm qua không cơ quan nào trả lời” - ông Căn bức xúc.

Theo ông Căn, khu dân cư số 4 phường Thanh Nhàn bị đưa vào vùng quy hoạch công viên Tuổi Trẻ từ những năm 1970. Đến năm 2000 Hà Nội có tiếp quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 dự án công viên Tuổi Trẻ.

Tuy nhiên, vấn đề đáng nói nhất là từ năm 2000 đến nay dự án này không triển khai làm thêm công trình nào.

“Vì lỡ nằm trong vùng quy hoạch đã có quyết định thu hồi đất và cũng vì quy hoạch vẫn treo không triển khai nên người dân có đất mà mất các quyền sở hữu, quyền xây dựng đến tận bây giờ” - ông Căn nói.

Ông Căn cho biết ngày 24-4-2015 ông đã mang câu chuyện về cuộc sống khổ cực của gần 600 hộ dân phản ảnh trực tiếp đến ông Phạm Quang Nghị - bí thư Thành ủy Hà Nội, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội - khi tiếp xúc cử tri.

“Khi đó, ông Nghị đã chỉ đạo trực tiếp UBND thành phố, Sở Quy hoạch - kiến trúc phải quyết liệt giải quyết nguyện vọng của người dân về xóa bỏ quy hoạch treo. Vậy mà đến nay đã hơn một năm, việc xây dựng nhà cửa, cấp sổ đỏ cho người dân vẫn tiếp tục... không nhúc nhích” - ông Căn bất bình.

Cơ quan không vội

Gặp lại những hộ dân trong khu dân cư số 4 phường Thanh Nhàn, nhiều hộ dân nói họ không biết các cơ quan của thành phố đã làm gì, nhưng hiệu quả bằng câu trả lời bao giờ người dân được xây nhà, bao giờ người dân được cấp sổ đỏ, hoặc làm tiếp dự án thì bao giờ giải phóng mặt bằng... vẫn không có văn bản nào nhắc đến.

“Ngày 10-9-2015, báo Tuổi Trẻ nói lên nỗi khổ của chúng tôi qua bài viết “45 năm sống treo giữa thủ đô”, nhiều báo sau đó cũng lên tiếng.

Đến ngày 6-12-2015, lãnh đạo Sở Xây dựng báo cáo trước HĐND thành phố về việc các sở đã báo cáo UBND thành phố dừng thực hiện giai đoạn 2 của dự án công viên Tuổi Trẻ.

Lãnh đạo Sở Xây dựng nói rõ là trên cơ sở ý kiến của người dân qua khảo sát, qua phát phiếu điều tra, nguyện vọng của người dân nằm trong quy hoạch giai đoạn 2 của công viên Tuổi Trẻ, tất cả 100% các hộ dân đều không muốn di chuyển.

Vì vậy, các ngành đã báo cáo UBND thành phố cho phép thực hiện dự án công viên Tuổi Trẻ theo phương án hẹp với diện tích 12ha như hiện nay, không thực hiện tiếp giai đoạn 2 của dự án mở rộng thêm 26ha nữa.

Vậy nhưng từ cuối năm 2015 đến nay không có thêm một tháo gỡ nào trong thực tế cho người dân, cảnh sống “treo” vẫn tiếp diễn” - ông Đinh Xuân Tế, trưởng ban công tác Mặt trận khu dân cư số 4 phường Thanh Nhàn, than vãn.

Theo ông Tế, việc lãnh đạo Sở Xây dựng báo cáo trước HĐND thành phố về việc dừng thực hiện dự án công viên Tuổi Trẻ giai đoạn 2 từ cuối năm 2015 là tin vui với người dân, nhưng gần 600 hộ dân đã mừng hụt, vì thực tế việc tháo gỡ vẫn chỉ là lời nói.

“Họ nói với việc dừng thực hiện giai đoạn 2 thì người dân phường Thanh Nhàn nằm trong quy hoạch sẽ có điều kiện cải tạo, xây mới nhà ở, thành phố cũng nói sẽ giảm được nguồn kinh phí 2.000 tỉ đồng phục vụ tái định cư. Vậy nhưng, mọi việc đến nay vẫn chỉ là nói miệng” - một hộ dân khu dân cư số 4 thất vọng.

Ông Triệu Như Long, phó chủ tịch UBND phường Thanh Nhàn, cho biết hiện nay các cơ quan có thẩm quyền vẫn chưa quyết định chính thức ra sao nên cũng không có thông tin trả lời người dân. “Mọi việc vẫn đang dừng ở kiến nghị trước đây” - ông Long cho hay.

Trả lời Tuổi Trẻ về việc đã giải quyết ra sao về nguyện vọng của người dân, ông Lâm Anh Tuấn, phó chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng, nói rằng quận đã làm theo đúng yêu cầu của thành phố.

“Quận đã khảo sát và lấy ý kiến toàn bộ dân cư trong vùng quy hoạch, đã trình lên thành phố. Hiện nay Sở Quy hoạch - kiến trúc đang lấy ý kiến thống nhất với liên ngành. Còn quận không có thẩm quyền quyết định việc này mà phải hỏi Sở Quy hoạch - kiến trúc” - ông Tuấn nói.

Ngôi nhà 12m2 là nơi ở hơn 40 năm qua của ba thế hệ gia đình ông Nguyễn Văn Xuân ở ngõ 281 Trần Khát Chân, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội - Ảnh: Nam Trần
Ngôi nhà 12m2 là nơi ở hơn 40 năm qua của ba thế hệ gia đình ông Nguyễn Văn Xuân ở ngõ 281 Trần Khát Chân, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội - Ảnh: Nam Trần

Treo đường, treo cả hộ khẩu

Dự án mở rộng đường Nguyễn Phong Sắc dài 1,1km (từ đường Xuân Thủy đến đường Hoàng Quốc Việt, Q.Cầu Giấy, Hà Nội) với tổng mức đầu tư hơn 133 tỉ đồng.

Dự án được khởi công từ năm 2007, từ đó tới nay một nửa tuyến đường (từ nút giao với đường Nghĩa Tân đến đường Hoàng Quốc Việt) chưa được thi công mở rộng do khiếu nại của người dân về chỉ giới đường.

Những người dân mua nhà trong khu vực đường chờ mở rộng này đến nay chưa được nhập hộ khẩu về phường Nghĩa Tân (Q.Cầu Giấy) vì chưa biết ngôi nhà của họ đã mua phải đi hay ở.

Theo Ban quản lý dự án giao thông - đô thị (Sở GTVT Hà Nội - chủ đầu tư dự án), giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành việc mở rộng đường Nguyễn Phong Sắc đoạn từ đường Xuân Thủy đến đường Nghĩa Tân rộng 40m.

Tuy nhiên, việc mở rộng đường Nguyễn Phong Sắc rộng 40m trong giai đoạn 2 từ Nghĩa Tân đến Hoàng Quốc Việt đến nay chưa thực hiện được do người dân ở nhà K2, K3, C10 cho rằng phạm vi mở rộng tuyến đường vượt quá chỉ giới do kiến trúc sư trưởng thành phố phê duyệt từ nhiều năm trước.

Ông Nguyễn Văn H. - một người dân mua nhà ở đường Nguyễn Phong Sắc - cho rằng dự án mở rộng đường Nguyễn Phong Sắc đến nay đã trở thành một dạng quy hoạch “treo”, quy hoạch nửa vời.

“Đến giờ người dân không có thông tin là sẽ làm tiếp dự án hay không. Tôi có nhà ở đây nhưng không thể nhập hộ khẩu về phường Nghĩa Tân vì nhà trong diện giải tỏa làm đường.

Bây giờ có làm hay không, làm đến đâu cần công bố cho dân biết, không nên để dở dang nhà không phá, hộ khẩu không được nhập từ nhiều năm nay” - ông H. nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ về số phận dự án, ông Nguyễn Chí Cường - giám đốc Ban quản lý dự án giao thông - đô thị - cho hay dự án thuộc diện đình hoãn mấy năm nay, đến thời điểm này vẫn chưa được bố trí vốn để làm tiếp.

Ban quản lý dự án đang tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền bố trí vốn trong kế hoạch trung hạn để thực hiện tiếp.

Tuy nhiên, về phương án mở rộng đường về phía nào, các nhà K2, K3 có phải di dời không thì do các cấp quyết định, đến nay ban quản lý dự án chưa được rõ.

TUẤN PHÙNG

XUÂN LONG ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên