Taxi là phương tiện được phần lớn hành khách đi lại qua sân bay Tân Sơn Nhất (Q.Tân Bình, TP.HCM) lựa chọn. Nhưng thời gian gần đây, nhiều người rất ngại đi taxi vì sợ bị tài xế hành |
Không ít lần báo chí đã phản ánh chuyện tài xế taxi chửi khách vì đi đoạn đường quá ngắn; nghe điện thoại, nhắn tin khi đang lái xe hay cố tình chạy lòng vòng để tăng tiền cước.
Trong những trường hợp như vậy, ai bảo vệ quyền lợi khách hàng - những người trả tiền để sử dụng dịch vụ vận tải. Và câu hỏi về văn hóa ứng xử của một bộ phận tài xế taxi một lần nữa được đặt ra.
Đuổi, đòi thêm tiền vì chạy cự li ngắn
Trong chuyến công tác tại Hà Nội, bạn Nhất Nguyên đón taxi đi từ phố Hàng Gai (Q.Hoàn Kiếm) đến đường Nguyễn Chí Thanh (Q.Ba Đình) nhưng chỉ mới đi được một đoạn thì bị đuổi xuống xe với lý do: Có khách quen gọi, phải chạy đi đón bây giờ.
Chị Hà My kể chuyện mình đón taxi từ sân bay về đường Lê Văn Sỹ, Q.3, TP.HCM cùng một người bạn nước ngoài, vừa ra khỏi cổng sân bay thì tài xế nói: Đây qua đó gần quá, cho 200.000 đồng đi. Không hài lòng, chị My nói đồng hồ tính cước hiển thị bao nhiêu chị sẽ trả bấy nhiêu. Lúc này, tài xế liền thể hiện thái độ bực dọc, lầm bầm chửi, mở cửa sổ, không bật máy lạnh và chỉ lái xe bằng một tay.
Khi gần đến điểm dừng, tài xế tấp vào bên kia đường và yêu cầu hành khách tự băng qua đường. Với lý do giữa đường có taluy rất cao lại mang vác hành lý cồng kềnh, chị My yêu cầu tài xế quay đầu xe đến đúng điểm dừng của mình. Đến khi trả tiền, số tiền hiển thị trên đồng hồ là 130.000 đồng, cộng với 10.000 đồng tiền ra vào sân bay là 140.000 đồng, chị đưa 200.000 đồng và yêu cầu trả lại tiền thừa thì tài xế liền nói không có tiền lẻ, tự đi đổi đi.
“Mình đi đổi tiền, gửi đúng số tiền 140.000 đồng và yêu cầu tài xế đọc số điện thoại đường dây nóng để mình gọi phản ảnh, tài xế liền thách thức: "Gọi đi!".
Sau đó mình có gọi đến đường dây nóng của hãng, đại diện của hãng có gọi xin lỗi và nói đã có hình thức kỷ luật tài xế rồi nhưng sau lần đó, mình không bao giờ dám đón taxi của hãng đó nữa. Người bạn nước ngoài của mình cứ thắc mắc tại sao tài xế taxi ở VN chỉ lái xe một tay, lại còn kỳ kèo trả giá và bất lịch sự với hành khách như vậy”, chị My kể.
Mất uy tín với khách hàng là tự hủy hoại mình
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Thái - phó trưởng khoa vận tải - kinh tế ĐH Giao thông vận tải Hà Nội, theo quy luật thị trường, doanh nghiệp nào có dịch vụ tốt hơn thì doanh nghiệp đó thắng cuộc trong việc tạo uy tín với khách hàng, bảo đảm sự tồn tại và phát triển.
“Sự cạnh tranh của các doanh nghiệp không chỉ trên góc độ giá cả mà còn ở chất lượng dịch vụ. Khách hàng thường từ chối sử dụng dịch vụ của các doanh nghiệp không có uy tín, bởi họ hiểu khi xảy ra tranh chấp hoặc thiệt hại về quyền lợi thì không ai đứng ra bảo vệ” - ông Nguyễn Hồng Thái phân tích.
Theo ThS Nguyễn Thị Minh Ngọc - khoa du lịch ĐH Văn hóa, hành vi đuổi khách xuống dọc đường của tài xế taxi là một ứng xử tiêu cực, thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với khách hàng.
Hành vi trên chắc chắn để lại ấn tượng xấu đối với khách du lịch, sẽ làm mất thiện cảm của họ đối với một thành phố, một địa danh hoặc thậm chí là một đất nước.
Ở góc độ quản lý, LS Thái Văn Chung cho rằng dịch vụ taxi là một trong những loại hình dịch vụ công cộng mà Nhà nước phải có trách nhiệm quản lý để đảm bảo quyền lợi cũng như an toàn về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm cho khách hàng.
“Tài xế taxi nếu không được quản lý chặt chẽ sẽ rất dễ xảy ra trường hợp chạy theo ngẫu hứng, theo cảm tính, ngang nhiên chiếm đoạt tiền của khách hàng, gây nên tình trạng lộn xộn, ảnh hưởng đến hình ảnh văn minh đô thị, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.
Luật pháp đã có đầy đủ các quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ taxi. Cơ quan quản lý nhà nước cần kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh, nếu phát hiện sai phạm cần giải quyết kịp thời và công khai. Trong trường hợp cần thiết có thể tước giấy phép hành nghề của tài xế sai phạm hoặc chế tài doanh nghiệp kinh doanh nếu để xảy ra nhiều trường hợp tài xế không tôn trọng khách hàng”, LS Chung nói.
Không dung túng
Đối với những tài xế có đạo đức nghề kém, chúng tôi không dung túng - đó là chia sẻ của ông Tạ Long Hỷ, chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM.
Theo ông Hỷ, Hiệp hội Taxi TP và các hãng taxi lớn rất quan tâm đến vấn đề nâng cao đạo đức nghề nghiệp, văn hóa ứng xử với khách hàng… Mỗi tháng đều có những lớp đào tạo, rèn luyện cho đội ngũ tài xế về vấn đề này.
Bên cạnh việc nâng cao đạo đức nghề nghiệp là công tác trong sạch hóa nội bộ lái xe để phân loại, theo dõi và xử lý những tài xế có vấn đề về đạo đức nghề nghiệp.
“Chúng tôi luôn chú ý và theo dõi sát sao những tài xế có các biểu hiện như: luôn chứng tỏ mình là dân “anh, chị”, ăn hiếp các lái xe khác; có lối sống buông thả, tác phong kém; không nhiệt tình, thiếu trách nhiệm với nghề; lợi dụng việc lái taxi để làm những chuyện xấu như ghi đề….
Bên cạnh đó, những tài xế không trung thực, gian lận với khách hàng, có dấu hiệu đánh bài hoặc nghi sử dụng chất kích thích cũng nằm trong diện theo dõi đặc biệt và xử lý ngay khi có vấn đề. Hàng ngàn tài xế tốt nhưng chỉ một tài xế xấu thì cũng ảnh hưởng đến hình ảnh chung”, ông Hỷ nói.
Theo ông Tạ Long Hỷ, đã là tài xế taxi thì đạo đức nghề nghiệp phải tốt, nếu không thì “xin mời làm việc khác”.
Về kỷ luật đối với tài xế, ông Hỷ nói: rất dứt khoát.
“Nếu tài xế chê cuốc khách gần, chúng tôi đình tài 15 ca (nghĩa là cho nghỉ một tháng). Nếu khách hàng phản ảnh tài xế chạy lòng vòng, gian lận cước, chúng tôi sẽ căn cứ tình hình và cắt 5-10 ca, đồng thời yêu cầu tài xế đến gặp khách hàng để xin lỗi và trả lại tiền. Nếu khách hàng đồng ý bỏ qua thì thôi, còn không thì vẫn tiếp tục bị cắt ca chạy”, ông Hỷ nói.
Về phía khách hàng, ông Tạ Long Hỷ chia sẻ rất mong mỏi được lắng nghe những chia sẻ, phản ảnh của khách hàng nếu không hài lòng về thái độ phục vụ của tài xế taxi.
“Chúng tôi rất cầu thị và sẽ xử lý ngay khi nhận được thông tin. Có như vậy mới thanh lọc được lái xe xấu và cũng từ đó răn đe, uốn nắn đội ngũ tài xế taxi”, ông Hỷ chia sẻ.
Có thể tìm được tài xế thông qua GPS Ngay sau khi tiếp nhận phản ánh từ báo Tuổi Trẻ, Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết sẽ thông tin đến các doanh nghiệp taxi để họ có biện pháp giải quyết trong trường hợp tài xế gây mất lòng tin của khách hàng. Theo Hiệp hội Taxi Hà Nội, các hãng taxi tại Hà Nội đều có hệ thống quản lý lái xe thông qua định vị vệ tinh GPS. Do đó khách hàng chỉ cần cung cấp thông tin về lộ trình và hành vi của tài xế, các hãng sẽ tìm được cụ thể biển kiểm soát xe và tên tài xế để có căn cứ xử lý vi phạm. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận