Khi xảy ra tai nạn, người lao động phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?
Cách đây gần một tháng, anh Nguyễn Minh Chuẩn (sinh viên năm 3 Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn) bị điện giật tử vong trong lúc làm thêm ở quán KT (Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Người thân lo lắng anh Chuẩn sẽ không được bồi thường tai nạn lao động.
Thiệt mạng khi đi làm thêm
Theo tìm hiểu, khoảng 16g ngày 16-10 anh Chuẩn đến quán để bắt đầu giờ làm việc. Anh cất giày rồi đi chân trần để giội nước lau dọn quán.
Thông tin ban đầu cho thấy thùng đựng bia hơi cạnh đó bị hở điện nên anh Chuẩn đã bị điện giật. Anh được một số nhân viên của quán đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi. Vụ việc đang được Công an Q.Bình Thạnh làm rõ.
Gia đình anh Chuẩn ở Đồng Tháp rất nghèo. Anh trai và em gái của anh bị mắc bệnh tim và hội chứng Down. Mẹ anh đi bán vé số, cha làm mướn.
Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên anh Chuẩn phải đi làm thêm để trang trải tiền ăn ở, học hành tại thành phố. Anh đi làm thêm chưa đầy một tháng thì xảy ra sự việc. Lương được tính 3 triệu đồng/tháng nhưng anh vẫn chưa kịp nhận.
Theo bà Đặng Vân Anh - chủ quán KT, anh Chuẩn đang thử việc tại quán, thời hạn thử việc là một tháng. Sau khi xảy ra sự việc, phía quán đã hỗ trợ chi phí mai táng cho gia đình anh Chuẩn. Về việc bồi thường, bà cho biết sẽ căn cứ vào kết luận điều tra từ phía cơ quan chức năng.
Hiện vẫn chưa rõ cái chết của anh Chuẩn do lỗi từ phía nào vì sự việc còn liên quan đến đơn vị cung cấp thùng đựng bia hơi. Bà Vân Anh cho biết bà cũng đang liên hệ với đơn vị này để đề nghị cùng giải quyết vụ việc.
Tương tự, nhiều vụ tai nạn lao động thương tâm đã xảy ra khiến người trong cuộc hoang mang về việc hỗ trợ, bồi thường thiệt hại.
Ngày 10-11, anh (33 tuổi, quê Vĩnh Long, công nhân công trình xây dựng tại khu dân cư ở TP Biên Hòa, Đồng Nai) tử vong khi đang điều khiển cọc nhồi.
Khoảng 11g cùng ngày, khi xe ép cọc bêtông đang ép, anh Duy Em thò đầu qua sợi dây cáp nhìn cọc bêtông vô tình bị vướng vào dây cáp. Anh bị cáp kéo lên khoảng 3m, va vào khung máy tử vong.
Được bồi thường
Theo luật sư Huỳnh Văn Nông, trường hợp anh Chuẩn tử vong vẫn được bồi thường theo quy định của pháp luật.
Luật lao động đã quy định hình thức của hợp đồng lao động có thể bằng văn bản hoặc lời nói. Điều 16 Bộ luật lao động quy định đối với công việc tạm thời có thời hạn dưới 3 tháng thì hình thức hợp đồng có thể bằng lời nói.
Vì vậy trường hợp giữa anh Chuẩn và chủ quán đã tồn tại một hợp đồng lao động bằng lời nói.
“Do đó chủ quán phải có nghĩa vụ của một người sử dụng lao động đối với trường hợp tử vong này. Theo điều 145 Bộ luật lao động, chủ quán phải bồi thường cho gia đình anh Chuẩn ít nhất 30 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động” - luật sư Nông cho biết.
Cũng theo luật sư Nông, trường hợp anh Chuẩn đang làm thêm, có thời gian làm việc không ổn định. Những trường hợp này hiếm khi thuộc diện bắt buộc tham gia bảo hiểm xã hội.
Do vậy, nếu tai nạn không do lỗi của anh Chuẩn thì người nhà được bồi thường 30 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động như đã nói trên.
Còn theo luật sư Lê Trung Phát, anh Chuẩn có thể nhận trợ cấp một lần khi tử vong do tai nạn lao động theo điều 53 Luật an toàn vệ sinh lao động hoặc có thể nhận trợ cấp mai táng theo điều 66 Luật bảo hiểm xã hội, trợ cấp tuất hằng tháng theo điều 67 Luật bảo hiểm xã hội.
Tương tự, theo các chuyên gia pháp lý, trường hợp của anh Duy Em cũng sẽ được bồi thường. Mức bồi thường tùy vào việc tai nạn đó do lỗi của người lao động hay người sử dụng lao động.
“Nếu do lỗi của chính người lao động thì vẫn được trợ cấp tai nạn lao động với mức ít nhất bằng 40% tính trên mức 30 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và được hưởng trợ cấp một lần khi chết do tai nạn lao động, trợ cấp mai táng, trợ cấp tuất hằng tháng” - luật sư Phát nói.
Phải có hợp đồng lao động
Theo luật sư Nông, người sử dụng lao động và người lao động bắt buộc phải có giao kết bằng hợp đồng lao động.
Đối với trường hợp thời gian làm việc trên 3 tháng mà người chủ sử dụng lao động không ký hợp đồng lao động bằng văn bản thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính 500.000 - 20 triệu đồng theo quy định tại điều 1 nghị định 88/2015.
Luật sư Phát lưu ý hiện nay nhiều người đi làm thêm, làm thời vụ... không ký hợp đồng lao động. Khi xảy ra sự cố, họ gặp khó khăn trong việc bồi thường.
Pháp luật quy định rất rõ về trách nhiệm của người sử dụng lao động, đặc biệt là việc cần phải tuân thủ việc thực hiện ký kết hợp đồng. Hợp đồng lao động phải có đầy đủ thông tin về người sử dụng lao động, người lao động, thời gian làm việc, lương, nội dung công việc...
Người lao động nên lưu ý điều này để nếu xảy ra việc không may, họ có căn cứ rõ ràng để yêu cầu hỗ trợ hoặc bồi thường.
Nếu trong trường hợp không ký hợp đồng lao động, để bảo vệ mình, người lao động cần có cơ sở cho việc xác định thời gian làm việc.
Việc này có thể nhờ đến những người cùng làm chung đứng ra làm chứng. Đồng thời căn cứ vào cơ sở lương trả hằng tháng để làm căn cứ người lao động có làm việc ở nơi đó.
Những người làm chung nên lưu giữ thông tin của nhau, nhằm khi cần thiết có thể cung cấp thông tin cho tòa án hoặc các cơ quan chức năng để thu thập thông tin khách quan.
Có thể khởi kiện Trong trường hợp chủ sử dụng lao động và người lao động không tự thỏa thuận được về việc hỗ trợ hoặc bồi thường tai nạn lao động, có thể khởi kiện theo quy định tại điều 32 Bộ luật tố tụng dân sự để yêu cầu bồi thường về bảo hiểm tai nạn lao động với các chế độ được hưởng. Đối với trường hợp chủ sử dụng lao động không trang bị bảo hộ lao động, để xảy ra tai nạn nghiêm trọng, chủ sử dụng lao động có thể bị khởi tố hình sự. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận