Tháng 3-2012 tôi được công nhận là đội viên dự án 600 phó chủ tịch xã, đã được đi học lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước ba tháng, được cấp giấy chứng nhận đạt loại khá sau khi hoàn thành khóa học. Vì lý do không thực hiện lệnh gọi nhập ngũ năm 2011 nên tôi đã bị rút tên khỏi danh sách này, như vậy liệu có đúng luật? Bây giờ mọi việc đã lỡ làng. Tôi băn khoăn một điều là việc tôi không thực hiện lệnh gọi nhập ngũ năm 2011 có được xóa, được bỏ qua không? Với một lý lịch như trên, tôi có còn làm trong cơ quan nhà nước được không?
Ý kiến của luật sư Bùi Quang Nghiêm:
Thân gửi bạn Lê Văn Cường,
Theo quy định tại điểm a, khoản 2, mục II, phần 2 dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm phó chủ tịch UBND xã thuộc 62 huyện nghèo (*) thì một trong những tiêu chuẩn và điều kiện của đội viên dự án 600 là phải có phẩm chất đạo đức tốt và ưu tiên những thanh niên đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự.
Bạn đã lựa chọn và quyết định ở lại làm việc cho một doanh nghiệp để có tiền trả nợ cho gia đình mà không thực hiện nghĩa vụ quân sự là bạn đã đặt lợi ích của cá nhân, của gia đình bạn lên trên lợi ích của quốc gia. Do đó, việc hội đồng tuyển chọn rút tên bạn ra khỏi danh sách đội viên và thay vào đó là một thanh niên ưu tú hơn, đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự là có cơ sở thực tiễn.
Bạn đã không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ vào tháng 6-2011, theo tôi biết, ngay sau đó bạn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính, đồng thời buộc phải chấp hành lệnh gọi nhập ngũ theo quy định của pháp luật (điều 9 nghị định số 151/2003/NĐ-CP ngày 9-12-2003 của Chính phủ). Tuy nhiên, theo thông tin bạn cung cấp thì có thể hiểu là bạn vẫn chưa bị xử phạt vi phạm hành chính. Như vậy, bạn “khá may mắn” khi thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính chỉ là một năm, kể từ thời điểm xảy ra hành vi vi phạm, đến nay đã hết.
Theo tôi, sang năm nếu bạn vẫn còn trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, bạn chuẩn bị tinh thần và thể chất đi khám sức khỏe để thi hành nghĩa vụ quân sự. Đó rất có thể là cơ hội để bạn thể hiện ý thức trách nhiệm của một công dân đối với Tổ quốc thân yêu của mình.
Bạn Lê Văn Cường ạ, với lý lịch của bạn như đã nêu trên, theo tôi nghĩ, bạn vẫn có nhiều cơ hội. Bạn đã đi khám sức khỏe và tôi hiểu là bạn có khát vọng cống hiến. Bạn vẫn có cơ hội được làm việc trong các cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, đường đời muôn nẻo, sau này dù bạn có đi nghĩa vụ quân sự hay không, dù bạn không trúng tuyển để được làm việc trong cơ quan nhà nước, bạn cũng đừng buồn. Tôi mong bạn sẽ chọn cho mình một công việc phù hợp với năng khiếu và ý thích của mình, phù hợp với khả năng sức khỏe, nghề nghiệp của bản thân và truyền thống của gia đình. Nếu bạn yêu công việc mình sẽ chọn hoặc sẽ gặp, tôi tin bạn sẽ may mắn và thành công.
Trân trọng.
(*) Ban hành kèm theo quyết định số 170/QĐ-TTg ngày 26-1-2011 của Thủ tướng Chính phủ.
Kể từ số báo hôm nay, trang Pháp luật (tên cũ: Pháp luật & cuộc sống) sẽ ra mắt bạn đọc Tuổi Trẻ ba kỳ/tuần vào các ngày thứ ba, thứ năm và thứ bảy. Ngoài các chuyên mục quen thuộc như Ký sự pháp đình, Câu chuyện pháp luật, Chuyện pháp luật thế giới, Góc tư vấn..., trang Pháp luật sẽ có thêm một mục mới hoàn toàn dành cho bạn đọc viết: Chuyện của tôi. Chuyện của tôi sẽ dành đất để bạn đọc kể về câu chuyện của chính mình. Đó có thể là một bế tắc không giải quyết được, một xung đột trong cuộc sống, trong mối quan hệ gia đình chưa biết sẽ ngã ngũ về đâu, một bất hạnh khi vướng vào oan án hay ngược lại, một niềm vui khi công lý được thực thi... Tùy từng vấn đề cụ thể bạn đọc nêu lên trong Chuyện của tôi, trang Pháp luật sẽ mời chuyên gia, luật sư hoặc người có trách nhiệm ở các cơ quan chức năng để tham vấn cùng giải quyết với bạn đọc. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận