24/04/2018 07:11 GMT+7

Bí quyết tuyển dụng: giỏi kiến thức chưa hẳn giỏi nghề

TƯỜNG NGUYỄN
TƯỜNG NGUYỄN

TTO - Những phẩm chất thuộc về con người, tạo nên tính cách và cách ứng xử của một con người là những kỹ năng mềm mà các nhà tuyển dụng nên chú ý.

Bí quyết tuyển dụng: giỏi kiến thức chưa hẳn giỏi nghề - Ảnh 1.

Khả năng giao tiếp, giúp đỡ người khác, giải quyết vấn đề... xứng đáng được cân nhắc trong quá trình tuyển dụng - Ảnh: Top10hub

Hiện nay, trên các trang tuyển dụng nở rộ những thông tin tuyển cho rất nhiều ngành nghề hấp dẫn: chuyên viên phân tích dữ liệu, nghiên cứu khoa học, kỹ sư công nghệ thông tin về "máy học" (machine learning), phát triển phần mềm về "dữ liệu lớn" (big data)… 

Yêu cầu về trình độ cũng không ngừng được đòi hỏi cao, hẳn ứng viên phải có kiến thức thấu đáo, thuần thục nhiều kỹ năng về toán học, khoa học tự nhiên và công nghệ cao.

Trước đây, những nhóm tuyển dụng của Google luôn đặt trọng tâm chấm điểm sơ khảo các ứng viên qua các kết quả học tập của họ về các môn được gọi chung là STEM, viết tắt của 4 chữ Science, Technology, Engineering, Maths (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học).

Lý do? Một nhân viên muốn được tỏa sáng khi làm việc cho doanh nghiệp đỉnh cao về công nghệ như Google, bản thân trước hết phải tự tỏa sáng là một tài năng công nghệ. 

Đội ngũ chuyên trách tuyển dụng của Google từng phát triển một thuật toán, nói chung là một "cỗ máy tuyển người", để sàng lọc và chỉ giữ lại những sinh viên ưu tú nhất, tốt nghiệp từ các đại học hàng đầu về khoa học tự nhiên.

Thế nhưng, sau nhiều năm "ủy quyền" cho máy tuyển dụng, Google đã tiến hành một đợt khảo sát sâu rộng về kết quả đạt được để "chấm điểm" máy, xem có tuyển đúng người, đúng việc hay không. Thật ngạc nhiên: giỏi kiến thức chưa hẳn đã giỏi nghề!

Bí quyết tuyển dụng: giỏi kiến thức chưa hẳn giỏi nghề - Ảnh 2.

Nhà tuyển dụng cần "soi" nhiều tính cách của ứng viên - Ảnh: Hppy

Doanh nghiệp lớn chỉ cần kỹ năng nhỏ: kỹ năng mềm 

Trên nhật báo The Washington Post, bà Cathy N. Davidson, sáng lập viên trung tâm The Futures Initiative giải thích thế nào là kỹ năng mềm cần thiết trong khâu tuyển dụng mà một ứng viên cần có. Đó là những phẩm chất thuộc về con người, tạo nên tính cách và cách ứng xử của một con người.

Ngoài việc giỏi nghề chuyên môn, bạn cần phải biết kỹ thuật giúp đỡ, huấn luyện người khác, biết giao tiếp và biết lắng nghe, biết nhận ra và chấp nhận những phẩm chất của người khác (kể cả những quan điểm hay những giá trị trí tuệ khác), có khả năng đọc và hiểu suy nghĩ của người khác, có đầu óc phê bình, biết tự giải quyết vấn đề, và có khả năng kết nối những ý tưởng phức tạp để đúc kết vấn đề. 

Đó là những kỹ năng quan trọng mà "vô hình" để một nhân viên có thể thành công trong môi trường làm việc.

Từ đó, không ngạc nhiên khi những chuyên gia về nhân loại học và nhân chủng học đề xuất doanh nghiệp (dù là làm chuyên môn khoa học tự nhiên) mở rộng phạm vi tuyển dụng sang các ứng viên tốt nghiệp các ngành khoa học xã hội, và nghệ thuật, thậm chí cả ngành quản trị tổ chức - vốn là một chuyên ngành mà các sáng lập viên của Google là Larry Page và Sergey Brin rất coi khinh!

Phải hiểu ngôn ngữ của con người hơn là hiểu ngôn ngữ của máy

Trong khi Google từng đặt cược hàng đầu về chuyên môn quản trị doanh nghiệp, để phát triển công ty, đội ngũ tuyển dụng đã chú ý đến những ứng viên có ý tưởng sáng tạo và cải tiến mang tính phát kiến mang lại lợi nhuận ở những đối tượng có kỹ năng chuyên môn đôi khi chỉ ở mức trung bình. 

Nhân viên làm việc hiệu suất cao, những người luôn thành công trong công việc và góp phần phát triển công ty là những người có tư duy bình đẳng, tinh thần rộng lượng, biết cầu thị, giàu cảm xúc, biết tôn trọng người khác, không áp đảo hay gây áp lực lên đồng nghiệp. Đó là kỹ năng mềm.

Để thành công, mỗi một thành viên trong tập thể phải được cảm thấy thoải mái và tự do phát biểu ý kiến hoặc được phép phạm sai lầm, nhưng họ phải cảm thấy mình được lắng nghe và được thấu hiểu.

Mặt khác, bà Cathy N. Davidson cũng nhắc lại những kết luận từ một khảo sát trên 260 doanh nghiệp thuộc Hiệp hội phi lợi nhuận về ngành nghề của Mỹ là The National Association of Colleges and Employers (trong đó có IBM là một thành viên), trong đó đặt kỹ năng giao tiếp tốt là quy chuẩn trong top 3 những phẩm chất ưu tiên mà một nhà tuyển dụng đòi hỏi ứng viên có được. 

Người có kỹ năng giao tiếp tốt là biết cách đối thoại với đồng nghiệp, và cả những kỹ năng biết tạo điều kiện thuận lợi giúp công ty phát triển hoặc những giao tiếp lịch lãm trong xã hội ngoài công việc chuyên môn.

Tổ chức phi lợi nhuận The Partnership for 21st Century Learning  nêu lên hàng đầu nguyên tắc 4C (critical thinking, communication, collaboration, creativity), tức biết đánh giá phê bình, biết giao tiếp, biết hợp tác và có đầu óc sáng tạo, và coi đó là bốn tiêu chí nền để một nhân viên có thể thành công trong nghề nghiệp.

Thêm vào đó, quyển sách có tựa đề Becoming Brilliant còn nêu thêm hai tiêu chuẩn nữa là có kiến thức tốt và có niềm tin.

"Đừng học ngành đó, không tìm được việc làm đâu"

Bà Cathy N. Davidson có lời khuyên các bạn trẻ như sau: không ai cấm bạn chọn học một ngành nghề (mà bạn đang ham thích) với lý do là ngành đó ra trường sẽ không tìm được việc làm.

Bà cũng nhấn mạnh đến nhu cầu cần phải tự trang bị cho mình những kiến thức chuyên môn kỹ thuật đi kèm với kiến thức văn hóa và xã hội.

Sáng lập viên của platform Whaller là Thomas Fauré cũng phản đối ý tưởng có phần sai lệch của Facebook, và nêu lên một trong những sai lầm phổ biến nhất hiện nay là chúng ta cứ nhồi nhét vào giới trẻ, cả trẻ còn rất nhỏ, vô vàn ký hiệu, mật mã mà bỏ qua, thậm chí xem thường những giá trị thuộc về văn hóa (kể cả văn hóa trong sử dụng công nghệ thông tin).

Ông phê phán việc giới trẻ được đào tạo tốt về chuyên môn, nhưng đôi khi lại mang vẻ mặt ngu ngơ, vô cảm trong công ty, bởi chỉ biết nhập liệu, cài đặt mã số, nhưng lại không biết giao tiếp tương tác trong tập thể. Ông khuyến cáo phải khơi gợi lại tư duy văn hóa và đặt nền tảng giáo dục trong những doanh nghiệp chuyên về kỹ thuật công nghệ hiện nay.

Sếp bất công, bắt chẹt, nhân viên lũ lượt nghỉ

TTO - Nhiều người thắc mắc: “Vì sao anh A, cô B nhảy việc?”… Trong các lý do, thái độ, cách làm việc của sếp với nhân viên là yếu tố quan trọng quyết định một người có gắn bó với công việc hay không.

TƯỜNG NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Tuyển dụng