24/07/2012 07:25 GMT+7

Bí quyết thành công của các cung thủ Hàn Quốc

NGUYỆT PHƯƠNG
NGUYỆT PHƯƠNG

TT - Nếu Brazil là quốc gia bóng đá vĩ đại nhất thế giới và New Zealand thống trị các sân cỏ bóng bầu dục, thì Hàn Quốc là “nhà vua” trong vương quốc của bộ môn bắn cung.

Q8U1xRgU.jpgPhóng to

Cung thủ Im Dong Hyun của Hàn Quốc nhắm tới HCV cá nhân và đồng đội tại Olympic London 2012 - Ảnh: Reuters

Kể từ khi Seo Hyang Soon trở thành cung thủ Hàn Quốc đầu tiên giành huy chương vàng Thế vận hội tại Olympic 1984, các VĐV và đội tuyển cung thủ Hàn Quốc đã đem về cho quê nhà thêm 15 chiếc huy chương vàng khác. Đội tuyển cung thủ nữ Hàn Quốc giành chiến thắng ở sáu kỳ thế vận hội liên tiếp, kể từ khi môn bắn cung đồng đội được đưa vào Olympic 1988 tại Seoul. Đội tuyển nam cũng giành 4/6 huy chương vàng. Hết Olympic này đến Olympic khác, cung thủ các nước phải cạnh tranh trong cuộc đấu khốc liệt chỉ để giành một vị trí thấp hơn các đối thủ đến từ Hàn Quốc.

Cung thủ nước Anh Larry Godfrey - người sẽ tranh tài tại Olympic London - nói với Hãng tin BBC: “Bắn cung là môn thể thao quốc gia của Hàn Quốc, cũng như bóng đá đối với nước Anh. Ở Anh chỉ có hai cung thủ là tôi và Simon Terry từng ghi trên 1.350 điểm một vòng, nhưng tại Hàn Quốc có ít nhất 50 người đạt được thành tích đó. Điều đó nói lên sức mạnh của họ”.

Theo Godfrey, người Hàn Quốc làm quen với môn bắn cung từ lớp mẫu giáo. Những đứa trẻ có năng khiếu thường luyện tập khoảng hai giờ mỗi ngày. Quy trình tuyển chọn tiếp diễn ở cấp tiểu học, trung học, đại học. Và những tài năng lớn nhất được các đội bắn cung của các tổ chức như Hãng xe Hyundai tuyển chọn.

Theo BBC Sports, khoảng 30% ngân sách của Hiệp hội Bắn cung Hàn Quốc (KAA) xuất phát từ Ủy ban Olympic Hàn Quốc. Nhưng sức mạnh tài chính thật sự của môn bắn cung Hàn Quốc đến từ 33 CLB của các công ty. Các CLB này tuyển dụng cung thủ, trả lương và tiền hưu trí cho họ. Các cung thủ Anh phải đáp ứng các tiêu chuẩn về thành tích để được hỗ trợ tài chính, còn ở Hàn Quốc các cung thủ chuyên nghiệp vẫn được trả lương kể cả khi không được gọi vào đội tuyển quốc gia.

Do đó, gần như tất cả quốc gia tranh tài tại Olympic 2012 chỉ có thể cử một số lượng hạn chế cung thủ đến London. Còn Hàn Quốc có tới 147 VĐV xuất sắc. Đó cũng là điều dễ hiểu bởi Hàn Quốc đầu tư vào bắn cung rất lớn. Ví dụ, nước này đã xây dựng một sân bắn cung 5.000 chỗ ngồi giống hệt địa điểm phục vụ Olympic Bắc Kinh 2008 để các cung thủ luyện tập cả năm trước khi tranh tài ở Olympic 2012.

Ngoài ra, phương pháp huấn luyện hiện đại của Hàn Quốc cũng là chìa khóa giúp các cung thủ thành công. Kisik Lee - cựu HLV trưởng đội tuyển bắn cung Hàn Quốc - cho biết ông và các đồng sự luôn nghiên cứu rất kỹ để rèn giũa kỹ thuật của các cung thủ theo cách hiệu quả nhất. Theo ông Lee, sự chuẩn bị về tâm lý cũng đóng vai trò rất quan trọng để thành công. Ông Lee tiết lộ đã sáng tạo cách tư duy giúp cung thủ bắn tên theo cách chuẩn nhất. Báo Wall Street Journal dẫn lời giám đốc Hiệp hội Bắn cung Hàn Quốc Seo Geo Won cho biết các cung thủ Hàn Quốc thường luyện tập tại các sân vận động bóng chày đông khán giả để có thể giữ sự bình tĩnh ở các cuộc tranh tài. Họ cũng luyện tập nhiều kỹ thuật ngắm bắn khác nhau.

“Chúng tôi sở hữu những giá trị Olympic đặc biệt. Điều đó khuyến khích chúng tôi luyện tập hằng ngày” - VĐV bắn cung xuất sắc nhất thế kỷ 20 Kim Soo Nyung, người giành bốn huy chương vàng Olympic và bốn danh hiệu vô địch thế giới, nói.

* Các nhà dự báo thời tiết ở nước Anh cho biết buổi lễ khai mạc Olympic London 2012 nhiều khả năng diễn ra trong điều kiện thời tiết có mưa.

* Chủ tịch Ủy ban Olympic Libya Ahmed Nabil al-Taher al-Alam vừa được trả tự do vào ngày 23-7, sau gần một tuần bị một nhóm vũ trang bắt cóc ở thủ đô Tripoli, Libya.

* Đức Giáo hoàng Benedict XVI cho biết sẽ cầu nguyện cho Olympic London diễn ra trong hòa bình và hữu nghị.

* Siêu sao điền kinh Usain Bolt tuyên bố đã sẵn sàng để bảo vệ chức vô địch ở đường chạy 100m và 200m nam tại Olympic London 2012, sau khi hoàn toàn bình phục chấn thương.

* Đoàn thể thao Vương quốc Anh hi vọng đoạt 50 HCV ở Olympic London.

* VĐV người Thụy Điển Carolina Kluft từng ba lần vô địch thế giới bảy môn phối hợp đã quyết định không tham dự Olympic London, vì không muốn mạo hiểm sau khi bị chấn thương đùi.

NGUYỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên