Phóng viên Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến của các giáo viên để học sinh tham khảo.
Ngữ văn: không chỉ học thuộc lòng
Cô Nguyễn Kim Anh - giáo viên ngữ văn Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) - cho rằng cách ôn văn không phải cứ cầm vở học thuộc những gì giáo viên đã dạy trên lớp mà cũng cần ôn tập theo "công thức".
"Tùy theo hướng dẫn của giáo viên, học sinh có thể tóm tắt các bước triển khai các dạng bài/câu hỏi như một công thức để dễ nhớ. Khi thi, các em chỉ cần nhớ công thức sẽ triển khai mạch ý một cách đầy đủ, mạch lạc, không bị lan man, lạc đề dẫn tới thiếu thời gian làm bài" - cô Kim Anh chia sẻ.
Tuy nhiên, với định hướng giữ ổn định như năm trước, đề thi tham khảo môn ngữ văn sẽ vẫn sử dụng ngữ liệu là tác phẩm văn học trong chương trình sách giáo khoa cho phần làm văn. Vì thế theo cô Kim Anh, học sinh tự hệ thống kiến thức theo dạng bảng biểu hay sơ đồ tư duy để ghi nhớ tác phẩm văn học nằm trong phạm vi có thể ra đề.
Ngoài ra, học sinh cần nắm khái quát về bối cảnh lịch sử ra đời tác phẩm, dòng văn học, phong cách của các tác giả, những tác phẩm tiêu biểu để có nền tảng kiến thức dễ dàng cho việc phân tích, so sánh khi làm bài thi.
Toán: ôn theo chủ đề
Ở môn toán, thầy Lê Văn Cường - giáo viên toán Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) - khuyên học sinh nên ôn tập theo chủ đề/dạng bài với các cấp độ khác nhau, tương ứng với các cấp độ trong ma trận đề thi tham khảo.
Ôn tập kỹ theo chủ đề/dạng bài giúp học sinh nhận biết khi tiếp cận đề thi và nắm được hướng giải quyết. Chủ động hệ thống lại, ôn tập theo chủ đề/dạng bài giúp học sinh nắm vững kiến thức cơ bản.
"Các em cần chốt kiến thức trọng tâm và có thói quen ghi nhớ vắn tắt nội dung kiến thức cốt lõi trong quá trình ôn tập, luyện đề. Các em cần ghi nhớ cả những nội dung dễ nhầm lẫn, từng xảy ra sai sót để tránh lặp lại" - thầy Cường lưu ý.
Lịch sử: "5W - 1 How"
Cô Ngô Thị Thành - giáo viên lịch sử, phó hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội - chia sẻ: Để tránh học vẹt ở môn lịch sử, học sinh có thể học theo công thức "5W - 1 How".
Trong đó, What - sự kiện gì đã xảy ra, When - sự kiện lịch sử đã xảy ra vào thời điểm nào, Who - sự kiện gắn liền với ai - nhân vật, giai cấp, tầng lớp, tổ chức nào... Where - gắn với địa điểm, không gian nào và How - diễn ra như thế nào?
Theo cô Thành, học sinh hệ thống hóa kiến thức lịch sử bằng các bảng tổng kết, so sánh để dễ ghi nhớ kiến thức. Ví dụ xây dựng các sơ đồ tư duy để hệ thống hóa kiến thức đã học.
Với các câu hỏi về diễn biến trận đánh, nên có bảng chia giai đoạn và kết quả chính. Trong đó cần ghi nhớ các từ khóa để dễ nhận biết khi trả lời các câu hỏi trắc nghiệm.
Địa lý: rèn kỹ năng khai thác Atlat
Với 15 câu hỏi trong đề thi tham khảo môn địa, nhiều giáo viên địa lý lưu ý học sinh cần rèn kỹ năng khai thác Atlat, biết các kỹ năng vẽ bản đồ, đồ thị, phân tích dữ liệu hiển thị trên bản đồ, đồ thị. "Với các biểu đồ địa lý, các em cần chú ý nhận diện theo "từ khóa".
Ví dụ biểu đồ thể hiện cơ cấu có hình tròn, biểu đồ cột, biểu đồ thể hiện tốc độ tăng trưởng là đường tương đối" - cô Nguyễn Thị Châu Loan, giáo viên địa lý Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội, chia sẻ.
Vật lý: luyện đề tổng hợp
Theo thầy Vũ Lữ Hoàng Anh - giáo viên vật lý, Trường THPT Ngô Quyền, Hải Phòng - luyện đề tổng hợp giúp học sinh ghi nhớ kiến thức sâu hơn, rèn luyện tốc độ làm bài nhanh. Vì theo quy định bài thi có 40 câu hỏi làm trong 50 phút, trung bình mỗi câu hỏi chỉ làm trong 1,25 phút.
Nếu nắm chắc kiến thức cơ bản, các em có thể rút ngắn thời gian làm các câu hỏi ở mức nhận biết, thông hiểu. Các em có thể dành thời gian làm thử các đề tổng hợp có tính giờ để rút kinh nghiệm trong việc phân bố thời gian và rèn kỹ năng làm bài.
Hóa học: cẩn thận phương án gây nhiễu
Theo thầy Nguyễn Hoàng Lâm - giáo viên hóa Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội) - trong các môn thi trắc nghiệm các phương án đưa ra có một phương án nhiễu. Đây là "cái bẫy" dễ khiến học sinh bị nhầm lẫn.
Vì thế khi luyện đề, các em cần xác định cả phương án đúng và phương án nhiễu, rút kinh nghiệm nếu bị nhầm lẫn để tránh khi làm bài thi thật.
Giáo dục công dân: Ba điểm cần ghi nhớ
Thứ nhất, nắm chắc kiến thức sách giáo khoa (SGK). Việc nắm chắc chuẩn kiến thức trong SGK với chín bài trong SGK lớp 12 và bốn bài trong SGK lớp 11 giúp các em dễ dàng đạt mức 8 điểm.
Thứ hai, cần hiểu được các từ khóa. Mỗi phần kiến thức sẽ có các từ khóa khác nhau, các em xây dựng thành chuỗi hay bảng hệ thống các từ khóa, sau đó lưu giữ vào trí nhớ theo bài để tạo sự logic không bị quên, bỏ sót.
Nếu các em chỉ học thuộc mà không hiểu thì khi gặp đáp án nhiễu tương tự đáp án đúng các em sẽ không phân biệt được hoặc rất mất thời gian phân biệt.
Thứ ba, vận dụng kiến thức lý thuyết để xử lý tình huống. Trong quá trình học, các em cần tiếp cận với nhiều tình huống thực tiễn để biết cách xử lý dựa trên các kiến thức mình đã được học.
Cô giáo Trương Thị Thanh Vân (giáo viên Trường THPT Ngô Quyền, Hải Phòng)
Cần có sự vận dụng, liên hệ
Nhiều giáo viên cho rằng với đề tham khảo Bộ GD-ĐT đã công bố, học sinh cần thay đổi cách học mới đáp ứng được yêu cầu của đề.
"Các em học sinh cần học - hiểu chứ nếu học thuộc lòng sẽ khó có thể giải quyết được các câu hỏi của đề thi. Ví dụ như với môn sinh, đề tham khảo của Bộ GD-ĐT tuy có khoảng 70% các câu hỏi thuộc dạng nhận biết, thông hiểu; 30% còn lại thuộc dạng vận dụng và vận dụng cao.
Tuy nhiên, trong đó có khá nhiều câu hỏi yêu cầu thí sinh phải biết cách vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề thực tiễn của cuộc sống.
Vì vậy, tôi khuyên các em học sinh khi học bài cần có sự vận dụng, có sự liên hệ với những vấn đề thực tế chứ không học thuộc lòng một cách máy móc" - thầy Nguyễn Quang Minh, tổ trưởng tổ sinh Trường THPT Nguyễn Công Trứ, quận Gò Vấp, TP.HCM, chia sẻ.
Tương tự, cô Nguyễn Thị Mai - tổ trưởng tổ địa Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, TP.HCM - cũng cho rằng:
"Đề tham khảo môn địa năm nay có phần khó hơn và hay hơn so với đề thi tốt nghiệp THPT 2022. Cần lưu ý đề thi năm nay yêu cầu thí sinh phải có tư duy tổng hợp, liên kết các kiến thức đã học để trả lời câu hỏi.
Đặc biệt, một số câu hỏi cần hiểu biết thực tế chứ không chỉ trong sách giáo khoa. Tóm lại, để đạt điểm cao môn địa học sinh cần mở rộng kiến thức từ thực tế, biết phân tích, vận dụng để trả lời câu hỏi...".
H.HG.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận