Bị "phong sát" vì bênh vực Palestine

NGUYỄN VŨ 29/10/2023 11:18 GMT+7

TTCT - Cuộc chiến ở Dải Gaza đã lan ra khắp mọi địa hạt đời sống.


Biểu tình ủng hộ Palestine trước khuôn viên Đại học Harvard, Mỹ. Ảnh: Getty

Biểu tình ủng hộ Palestine trước khuôn viên Đại học Harvard, Mỹ. Ảnh: Getty

Không dễ hiểu hết mọi ngóc ngách của cuộc xung đột Trung Đông hiện nay, vì thế đi kèm tin tức thời sự thường là các bài giải thích nguyên nhân sâu xa, những vấn đề cội rễ, nhân quả của các chính sách từ cả hai bên. 

Thế nhưng có một hiện tượng đáng ngạc nhiên: mọi biểu hiện bênh vực người dân Palestine, lên án Israel của giới trí thức Mỹ, từ sinh viên đại học đến nhà văn, nghệ sĩ... đều bị "phong sát" và "xóa sổ".

Cãi nhau ở trường đại học

Ngay đêm xảy ra vụ lực lượng Hamas thảm sát 1.400 người dân Israel, khi thông tin chưa rõ ràng, một liên minh gồm 30 hội đoàn sinh viên Đại học Harvard đã công bố bức thư ngỏ cho rằng Israel chịu "hoàn toàn trách nhiệm" vì các chính sách trước đó với người dân Palestine ở Dải Gaza. 

Dù thư không gắn kèm tên tuổi sinh viên, mạng xã hội sôi sục, nhiều doanh nghiệp đòi công khai danh tính các sinh viên đằng sau lá thư để sau này đưa vào danh sách cấm tuyển dụng.

Tại Đại học Pennsylvania, những nhà tài trợ yêu cầu hiệu trưởng và chủ tịch hội đồng trường từ chức sau khi một hội thảo các nhà văn Palestine tổ chức tại trường đã mời những nhân vật được cho là bài Do Thái. 

Khi Đại học Harvard chưa lên tiếng về vụ sinh viên viết thư ngỏ, một số tỉ phú tài trợ đã rút lui, còn cựu hiệu trưởng Lawrence Summers phê phán Harvard lừng khừng, chậm trễ. Tại nhiều trường, các cựu sinh viên gốc Do Thái gây áp lực yêu cầu trường lên tiếng về cuộc xung đột và trừng phạt sinh viên nào ủng hộ Palestine.

Có thể hiểu được phản ứng của nhiều người trong những ngày đầu nổ ra cuộc xung đột khi lực lượng Hamas tràn qua lãnh thổ Israel đã giết hại nhiều thường dân, kể cả những thanh niên tham dự đêm diễn ca nhạc, hoàn toàn không có vũ khí trong tay. 

Thế nhưng sau này, khi Israel trả đũa bằng cách liên tục giội bom Dải Gaza làm chết hàng ngàn người dân Palestine, cuộc "phong sát" những người lên tiếng phản đối việc giết hại dân thường là khó lòng biện minh.

Và trên văn đàn

Nhà văn người Mỹ gốc Việt từng đoạt giải Pulitzer Nguyễn Thanh Việt có ký tên một bức thư ngỏ về tình hình ở Palestine, kêu gọi Israel chấm dứt sử dụng "bạo lực bừa bãi, chưa từng có" tại Gaza. Một ngày sau, buổi nói chuyện, đọc sách của ông dự định tổ chức tại địa điểm 92NY, thành phố New York đã bị nơi này hủy bỏ. 

Sự kiện sau đó phải chuyển sang một tiệm sách ở Manhattan, ở đó nhà văn Nguyễn Thanh Việt đối thoại với nhà văn Min Jin Lee về cuốn hồi ký của ông mới xuất bản. 

Chủ địa điểm 92NY là một tổ chức của người Do Thái, sau động thái trên đã bị dư luận phê phán là bóp nghẹt các tiếng nói trái chiều với họ. Riêng ông Việt viết trên Instagram, "ngay cả văn chương và nghệ thuật từ Palestine hay cảm thông với họ cũng đang bị bịt miệng".

Paddy Cosgrave, giám đốc điều hành Web Summit, một trong những hội nghị công nghệ lớn nhất châu Âu, thì phải từ chức sau khi một loạt doanh nghiệp lớn như Alphabet, Meta và Intel tuyên bố sẽ không tham dự hội nghị do Web Summit tổ chức vào tháng sau. Nguyên do là Cosgrave đã viết trên X (trước kia là Twitter) phê phán các nước phương Tây ủng hộ Israel.

Không chỉ người nổi tiếng và các sếp lớn, nhân viên bình thường cũng không thoát cảnh "xóa sổ". Một nhà thiết kế làm việc cho Google đăng trên trang LinkedIn video cô hát để "cảm thương cho những người bạn Palestine và trẻ em vô tội đã mất mạng do các cuộc ném bom của Israel". 

Chỉ mấy ngày sau, website "Các nhân viên chống Israel" đã liệt kê tên tuổi, chỗ làm, chức vụ của cô; còn trên LinkedIn là một bình luận bên dưới video đe dọa: "Sự ủng hộ của cô với chủ nghĩa khủng bố đang bị theo dõi và ghi nhận. Chúc tương lai kiếm được chỗ làm!". ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận