05/08/2022 10:25 GMT+7

Bị phạt 2 triệu đồng vì 'nhân viên không cắt móng tay', nhà hàng nói gì?

PHẠM TUẤN
PHẠM TUẤN

TTO - Một nhà hàng tại Hà Nội bị phạt 2 triệu đồng vì nhân viên "không cắt móng tay". Chủ nhà hàng này cho biết người này không phải là nhân viên của nhà hàng, chỉ là bạn của nhân viên bếp đến chơi và "đúng lúc đó thì đoàn kiểm tra đến".

Bị phạt 2 triệu đồng vì nhân viên không cắt móng tay, nhà hàng nói gì? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa - Ảnh: livestrong.com

Phó trưởng Phòng Y tế quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) Ngô Lan Hương vừa ký văn bản tổng hợp danh sách các cơ sở vi phạm hành chính về lĩnh vực an toàn thực phẩm từ ngày 16-6 đến 30-7-2022.

Theo danh sách, có 32 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn quận đã bị xử phạt vì vi phạm các lỗi như không thực hiện lưu mẫu thức ăn; không có dụng cụ thu gom, chứa rác, chất thải đảm bảo vệ sinh; không có giấy chứng nhận đảm bảo đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm; không mang găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thức ăn ngay, thực phẩm chín; nơi chế biến, kinh doanh, bảo quản có côn trùng và động vật gây hại xâm nhập; thức ăn không được che đậy ngăn chặn bụi bẩn...

Đáng chú ý, một cơ sở kinh doanh đã bị xử phạt vì "nhân viên không cắt móng tay".

Cụ thể, nhà hàng Khiêm (số 38 Hòa Mã) bị lực lượng chức năng phạt 2 triệu đồng vì “sử dụng người trực tiếp chế biến thực phẩm mà không cắt ngắn móng tay”.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sáng 5-8, ông Dương Văn Khiêm - chủ nhà hàng Khiêm - cho biết người "không cắt móng tay" không phải là nhân viên của nhà hàng.

“Trường hợp này không phải là nhân viên của nhà hàng, mà chỉ là bạn của một nhân viên làm bếp trong quán, trong lúc đang thất nghiệp thì đến cửa hàng của tôi và lên khu vực bếp để chơi với bạn. Đúng lúc đó, đoàn kiểm tra đến thì thấy người này đang cầm dao cắt cà rốt để tỉa hoa, vì để móng tay dài nên bị lực lượng chức năng lập biên bản" - ông Khiêm nói.

Sau khi lực lượng kiểm tra, lập biên bản xử phạt, ông Khiêm cho rằng nhà hàng có giải thích, tuy nhiên phía cơ quan chức năng cho rằng "không phận sự thì không được vào khu vực bếp".

Ông Khiêm khẳng định thời gian qua, cửa hàng đảm bảo đầy đủ các giấy tờ về giấy phép kinh doanh và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, và yêu cầu nhân viên đeo găng tay đầy đủ khi chế biến thức ăn.

"Chẳng lẽ bây giờ bạn của nhân viên bếp sang chơi mà cấm không cho vào thì cũng không được" - chủ nhà hàng này lý giải.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sáng 5-8, đại diện Phòng Y tế quận Hai Bà Trưng cho biết cửa hàng kinh doanh này bị xử phạt bởi lực lượng chức năng phường sau khi đi kiểm tra thực tế, sau đó gửi báo cáo tổng hợp về quận.

"Đây là những lỗi vi phạm của cơ sở mà khi đi kiểm tra, đoàn kiểm tra đã ghi nhận trong nội dung biên bản kiểm tra vi phạm hành chính về lĩnh vực an toàn thực phẩm và ra quyết định xử phạt" - đại diện phòng y tế quận nói.

Ngoài ra, cơ sở của Công ty cổ phần Inks Asia tại Hà Nội (50 Triệu Việt Vương) kinh doanh dịch vụ ăn uống không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, bị phạt 25 triệu đồng;

Cơ sở Trường Hải (109 Triệu Việt Vương) kinh doanh dịch vụ ăn uống có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm nhưng đã hết hiệu lực, phạt 12,5 triệu đồng;

Cơ sở hộ kinh doanh K.I.R.A.K.U (85 Triệu Việt Vương) kinh doanh dịch vụ ăn uống không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, mức phạt 12,5 triệu;

Nhà hàng Chops (119 Triệu Việt Vương) không bảo đảm ngăn ngừa chéo giữa thực phẩm chưa qua chế biến và thực phẩm đã qua chế biến trong bố trí bếp ăn, mức phạt 4 triệu đồng.

Quán Pizza 4PS số 2, địa chỉ tại 114 Mai Hắc Đế, bị phạt 4 triệu đồng với nội dung vi phạm "nơi chế biến, kinh doanh, bảo quản có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập".

Cơ sở Cơm gà Hải Nam, địa chỉ tại số 3 Lê Đại Hành, bị phạt 8 triệu đồng do không thực hiện đúng quy định của pháp luật về lưu mẫu thức ăn. Tương tự, cơ sở nhà hàng Nhân Sushi tại 101 Triệu Việt Vương bị phạt 8 triệu đồng.

Ngoài ra, còn nhiều cửa hàng khác cũng bị xử phạt với các lỗi tương tự liên quan tới vệ sinh an toàn thực phẩm. Với tổng số 32 cơ sở kinh doanh bị xử phạt, tổng mức tiền xử phạt thu được mà quận này báo cáo là hơn 130 triệu đồng.

Hà Nội: Người dân muốn biết cơ sở nào vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm Hà Nội: Người dân muốn biết cơ sở nào vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm

TTO - Tại Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm có hơn 1.000 cơ sở vi phạm hành chính, 39 cơ sở bị tịch thu giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Người dân tại Hà Nội cũng mong muốn biết được cơ sở nào vi phạm để từ đó có thể cảnh giác và lựa chọn.

PHẠM TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên