09/03/2016 12:33 GMT+7

Bí thư huyện ủy Hóc Môn kêu oan

 VIỄN SỰ - MAI HOA (viensu@tuoitre.com.vn)
VIỄN SỰ - MAI HOA ([email protected])

TT - Bị thường trực UBND H.Hóc Môn, TP.HCM đánh giá “đồng chí bí thư gây mất đoàn kết nội bộ”, ông Nguyễn Cư đã dành gần 20 phút để kêu oan.

Ông Nguyễn Cư - Bí thư huyện ủy Hóc Môn - Ảnh: Tự Trung
Ông Nguyễn Cư - Bí thư huyện ủy Hóc Môn - Ảnh: Tự Trung
Ảnh: Thuận Thắng
Ông Dương Ngọc Hải - phó viện trưởng Viện KSND TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng

Tại Hội nghị triển khai công tác phòng chống tham nhũng năm 2016, do Thành ủy TP.HCM tổ chức ngày 8-3, ông Nguyễn Cư - bí thư Huyện ủy Hóc Môn - đã dành gần 20 phút trình bày những bức xúc liên quan việc ông bị thường trực UBND H.Hóc Môn đánh giá “đồng chí bí thư gây mất đoàn kết nội bộ”.

Cụ thể, từ tháng 11-2014, ông Cư phát hiện dấu hiệu vi phạm trong công tác quản lý đất đai như tách thửa phân lô trên 2.000 nền đất, phá vỡ quy hoạch Hóc Môn, có dấu hiệu lợi ích nhóm nên đã yêu cầu UBND huyện báo cáo nhưng UBND huyện luôn khẳng định đã thực hiện đúng.

Sau đó, ông báo cáo với thường trực Thành ủy và Ban cán sự Đảng UBND TP. Thành ủy đã lập đoàn kiểm tra dấu hiệu vi phạm của tập thể, cá nhân H.Hóc Môn về tình hình quản lý đất đai, trật tự xây dựng.

Tuy nhiên sau khi đoàn kiểm tra làm việc, thường trực UBND huyện họp và đánh giá “đồng chí bí thư gây mất đoàn kết nội bộ”.

“Vậy người đứng đầu phải làm sao? Nói trách nhiệm người đứng đầu nghe dễ lắm, nhưng khi làm thì ai ủng hộ?

Tôi kiến nghị Ủy ban kiểm tra Thành ủy nên kiểm tra làm rõ đúng sai vấn đề này, có mất đoàn kết nội bộ không, quyết định phân lô tách thửa mà UBND làm là đúng hay sai? Nếu có dấu hiệu tội phạm đề nghị cơ quan điều tra làm rõ, truy tố xét xử tới nơi tới chốn.

Phải rõ ràng như thế thì tôi mới có thể tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình trên địa bàn H.Hóc Môn” - ông Cư kiến nghị.

Minh bạch để chống tham nhũng

Cũng tại hội nghị này, Thiếu tướng Phan Anh Minh - phó giám đốc Công an TP.HCM đã nêu vấn đề: "Một số vụ án đã có ý kiến của thường trực Thành ủy cho tiếp cận bản kê khai tài sản của cán bộ, nhưng đến nay Công an TP không tiếp cận được. Thế thì bản kê khai tài sản đó đi đâu?” 

Theo ông Phan Anh Minh, ngay tại Công an TP, hơn 1/3 biên chế đã kê khai tài sản, nhưng kê khai xong thì bộ phận tổ chức đút vô hộc tủ cất. Còn kê khai đúng hay không, có hợp lý hay không thì không ai biết!

Ông Phan Anh Minh cho rằng điều này đã “không mang lại hiệu quả răn đe, ngăn ngừa nào”, đồng thời đề nghị nghiên cứu hoàn chỉnh các quy định về phòng chống tham nhũng, bởi kể cả khi thực hiện đúng tất cả quy định hiện nay cũng chưa đủ để ngăn chặn tham nhũng.

Chẳng hạn, đối với vấn đề kê khai tài sản, ông Minh kiến nghị phải có kết luận hằng năm về việc kê khai đó.

Nếu có những điểm bất hợp lý phải yêu cầu bổ sung, đặc biệt là nguồn gốc tài sản, nộp thuế thu nhập để chứng minh là tài sản hợp pháp. Đồng thời phải có biện pháp chế tài, thậm chí xử lý hình sự nếu kê khai bất minh.

Trong khi đó, ông Dương Ngọc Hải - phó viện trưởng Viện KSND TP.HCM thừa nhận: “Công tác phát hiện tham nhũng được đưa ra xử lý còn hạn chế, chưa phản ánh được tình hình tham nhũng xảy ra”.

Cũng theo ông Hải, việc hủy án, điều tra bổ sung nhiều lần khiến việc xử các án tham nhũng kéo dài là do “lỗi của những người tham gia tố tụng còn phổ biến”.

Công tác phát hiện tham nhũng được đưa ra xử lý còn hạn chế, chưa phản ánh được tình hình tham nhũng xảy ra

Ông DƯƠNG NGỌC HẢI  (phó viện trưởng Viện KSND TP.HCM)

 

Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng kết luận tại hội nghị - Ảnh: Thuận Thắng

Công khai được cái gì thì phải công khai

Phát biểu kết luận, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng yêu cầu Sở Tài chính phải công khai minh bạch các khoản thu, chi của TP.

“Ít nhất người dân phải biết được TP năm nay chi cho giáo dục, y tế, môi trường, giao thông... là bao nhiêu tiền, chi vào đâu để họ giám sát. Công khai được cái gì phải công khai” - ông Thăng nói.

Theo ông Thăng, việc xử lý tham nhũng cũng phải nhanh, đúng luật và công khai, ai là người chịu trách nhiệm phải có tên và địa chỉ. Vấn đề nào rút kinh nghiệm, vấn đề nào xử lý hành chính, việc nào chuyển cơ quan điều tra là phải kết luận sớm.

“Có minh bạch mới tạo ra làn sóng đổi mới, khởi nghiệp trong toàn TP” - ông Thăng nhấn mạnh.

Cũng tại hội nghị, ông Lê Minh Trí - phó trưởng Ban Nội chính trung ương - cho rằng phòng chống tham nhũng là việc phải làm đồng bộ, trước hết từ hệ thống thể chế và pháp luật, đồng thời đề nghị TP.HCM tăng cường việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

“Nếu không lắng nghe thấu đáo những bức xúc sâu thẳm kéo dài trong lòng dân sẽ dẫn tới bất ổn về xã hội. Làm tốt công tác này vừa góp phần an dân, đồng thời phòng ngừa tiêu cực tham nhũng” - ông Trí nói.

VIỄN SỰ - MAI HOA ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên