04/08/2024 10:23 GMT+7

Bị nhiễm liên cầu lợn đe dọa tính mạng nghi do ăn tiết canh dê

Người đàn ông ở Huế bị nhiễm liên cầu lợn và nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch nghi do ăn tiết canh dê.

Bệnh nhân N.V.A. được điều trị đặc biệt, lọc máu liên tục mới thoát khỏi cửa tử khi bị nhiễm liên cầu lợn - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bệnh nhân N.V.A. được điều trị đặc biệt, lọc máu liên tục mới thoát khỏi cửa tử khi bị nhiễm liên cầu lợn - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Ngày 4-8, lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế cho biết bệnh nhân N.V.A. (51 tuổi, trú xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế) bị nhiễm liên cầu lợn đã dần hồi phục.

Trước đó bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt cao, nôn, đi cầu phân lỏng nhiều lần. Qua lời kể của bệnh nhân, trước đó có ăn tiết canh dê và thịt dê.

Dù được truyền dịch, kháng sinh nhưng tình trạng bệnh vẫn không thuyên giảm, toàn thân bắt đầu nổi vân tím xuất huyết dưới da và dần rơi vào tình trạng nguy kịch đến tính mạng.

Sau khi được xét nghệm, bệnh nhân được xác định suy đa tạng do nhiễm khuẩn liên cầu lợn.

Các bác sĩ đã tiến hành lọc máu liên tục, sử dụng kháng sinh đặc hiệu điều trị liên cầu lợn kèm chế độ dinh dưỡng tốt.

Sau 20 ngày điều trị, bệnh nhân dần ổn định và sắp xuất viện.

Theo bác sĩ tại Bệnh viện Trung ương Huế, có thể bệnh nhân này mắc liên cầu lợn do ăn phải tiết canh dê có pha với tiết canh lợn, dẫn đến mắc phải vi khuẩn liên cầu lợn.

Vị bác sĩ này khuyến cáo người dân nên ăn chín uống chín, không ăn thịt lợn chết không rõ nguồn gốc, không ăn tiết canh… để tránh nhiễm các loại vi khuẩn gây bệnh, có thể gây chết người.

Thông tin người bệnh nhiễm liên cầu lợn do ăn bánh ướt thịt heo là chưa chuẩn xác

Trước đó có nhiều thông tin bệnh nhân N.V.A. bị nhiễm liên cầu lợn là do ăn bánh ướt thịt lợn - một món đặc sản nổi tiếng xứ Huế.

Ông Nguyễn Lê Tâm, phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thừa Thiên Huế, cho biết sau khi ghi nhận trường hợp ông A. bị nhiễm liên cầu lợn, trung tâm đã cho điều tra dịch tễ bệnh nhân.

Trước khi nhập viện 1 tuần, gia đình ông A. không sử dụng bất cứ chế phẩm gì từ thịt lợn. Trước khi nhập viện 2 ngày, ông A. có ăn bánh ướt thịt lợn tại nơi làm việc cùng 6 người khác.

Sau khi có kết quả xét nghiệm từ bệnh viện, Trung tâm Y tế huyện Quảng Điền đã tiến hành kiểm tra đàn lợn quanh gia đình và những người có liên quan đến bệnh nhân. Kết quả là tất cả đều bình thường, không ghi nhận trường hợp có lợn chết vì bệnh hay người thân của ông A. đau ốm khác thường.

Những người cùng ăn bánh ướt thịt lợn với ông A. đều bình thường, không có biểu hiện đau sốt.

Theo lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế, thông tin bệnh nhân N.V.A. bị nhiễm liên cầu lợn do ăn bánh ướt thịt lợn là chưa thật chuẩn xác.

"Thông thường thịt lợn trong món ăn này được nấu chín bằng nước sôi nên khả năng mắc liên cầu lợn rất thấp", vị lãnh đạo này nói.

Không ăn thịt chua, tiết canh, người đàn ông vẫn nguy kịch vì nhiễm liên cầu lợnKhông ăn thịt chua, tiết canh, người đàn ông vẫn nguy kịch vì nhiễm liên cầu lợn

Sau khi đi mổ lợn về, người đàn ông ở Yên Bái sốt nhẹ, tăng huyết áp, phát ban toàn thân,… sau đó được chuyển đến bệnh viện do mắc liên cầu lợn.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên