13/10/2015 08:00 GMT+7

Bị nghỉ dạy vì... sinh dày

MINH TRÂN (minhtran@tuoitre.com.vn)
MINH TRÂN ([email protected])

TT - Đó là trường hợp của cô giáo dạy văn Hồ Thị Hằng (30 tuổi, ở thôn Đắc Nhơn 3, xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận).

Do bị trường cho nghỉ dạy, hiện nay cô Hồ Thị Hằng sinh sống bằng việc chăm sóc vườn rau và hằng ngày đem bán rau cải ở chợ thôn - Ảnh: M.Trân
Do bị trường cho nghỉ dạy, hiện nay cô Hồ Thị Hằng sinh sống bằng việc chăm sóc vườn rau và hằng ngày đem bán rau cải ở chợ thôn - Ảnh: M.Trân

Cô bị lãnh đạo Trường THPT Phạm Văn Đồng (huyện Ninh Phước) cho nghỉ dạy vì sinh hai con trong bốn năm làm việc ở trường.

Cô Hằng được ông Nguyễn Văn Biên, hiệu trưởng Trường THPT Phạm Văn Đồng, ký hợp đồng làm việc lần đầu thời hạn 12 tháng (từ 1-9-2009 đến 1-9-2010).

Ký hợp đồng ba lần, vẫn ghi... lần đầu!

Sau một năm, cô Hằng lại được ký tiếp hợp đồng lần hai thời hạn 12 tháng (từ 1-9-2010 đến 1-9-2011) nhưng trong nội dung lại ghi là hợp đồng lần đầu.

Trong thời gian này, sau bốn tháng nghỉ sinh con đầu, cô tiếp tục vào dạy. Đến ngày 1-9-2012, ông Biên ký tiếp hợp đồng làm việc lần ba với cô Hằng, thời hạn 12 tháng (trong nội dung cũng ghi hợp đồng lần đầu), đồng thời ký quyết định nâng lương cho cô Hằng từ bậc 1 hệ số 2,34 lên bậc 2 hệ số 2,67 theo ngạch giáo viên trung học, mã số ngạch 15.113.

Ngày 10-8-2013, sau ba tháng nghỉ hè, cô Hằng sinh con thứ hai. Nửa tháng sau, trong lúc ở nhà nghỉ sinh, cô Hằng được đồng nghiệp cùng trường cho biết: trong buổi họp hội đồng nhà trường, lãnh đạo đã thông báo cho cô Hằng nghỉ dạy, vì mới về trường dạy bốn năm mà đã sinh hai con.

Đến ngày 5-2-2014, ông Biên hiệu trưởng đã ký quyết định chấm dứt hợp đồng làm việc với cô Hằng. Cầm quyết định bị thôi dạy trên tay, cô Hằng hụt hẫng: “Tôi không may vì vỡ kế hoạch nên phải sinh con. Hoàn cảnh tôi đã khổ, trường cho nghỉ dạy nên còn khổ hơn”.

Từ đó, cô Hằng đã nhiều lần đến gặp ông Biên xin dạy lại thì được ông hứa sẽ cho cô dạy lại vào dịp khai giảng năm học 2014 - 2015. Khi khai giảng, cô Hằng đến trường thì ông Biên hẹn tiếp sẽ cho dạy vào học kỳ II.

“Nhưng sau đó, đến hẹn, ông Biên trả lời rằng Sở GD-ĐT tỉnh Ninh Thuận không cho trường tự ký hợp đồng làm việc nữa”- cô Hằng nói.

Sáng 12-10, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Biên cho rằng trường cho cô Hằng nghỉ dạy vì cô chỉ có chứng chỉ sư phạm, chứ không tốt nghiệp ngành sư phạm chính quy.

Thế nhưng trước đó, trong nhiều lần trao đổi với cô Hằng, ông Biên nói lý do không ký hợp đồng nữa vì cô... sinh dày.

Mới đây, tại buổi hòa giải giữa hai bên, có sự chứng kiến của đại diện Sở GD-ĐT tỉnh, ông Biên cũng lý giải: cho cô Hằng nghỉ vì “thấy cô giáo mới vào dạy có bằng tốt nghiệp sư phạm, khá hơn cô Hằng và thấy cô Hằng sinh hơi... dày!”.

Sai quy trình, sai luật

Lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Ninh Thuận cho rằng việc hiệu trưởng Trường THPT Phạm Văn Đồng đã tự ký kết hợp đồng làm việc với giáo viên, mà không thành lập và thông qua hội đồng tuyển dụng (thi tuyển, xét tuyển) là sai quy trình tuyển dụng.

Về tính pháp lý trong vụ việc này, ông Ngô Văn Thương - trưởng phòng phổ biến giáo dục pháp luật kiêm chi hội trưởng Chi hội Luật gia của Sở Tư pháp tỉnh Ninh Thuận - nói: “Đây là một tình huống pháp lý ít ai chú ý. Trước hết cần phân định rõ nội dung hợp đồng làm việc, và xác định cô Hằng thuộc đối tượng được điều chỉnh theo luật định nào để áp dụng”.

Ông Thương phân tích về ba hợp đồng làm việc mà nhà trường đã ký với cô Hằng (vào các năm 2009, 2010 và 2012) đều căn cứ nghị định 116/2003/NĐ-CP ngày 10-10-2003 của Chính phủ về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, như vậy nhà trường đã công nhận cô Hằng là viên chức.

Cũng theo ông Thương, việc hiệu trưởng ký quyết định nâng lương cho cô Hằng như đã nói ở trên, một lần nữa đã nghiễm nhiên công nhận cô Hằng là viên chức đơn vị sự nghiệp công lập.

“Vì vậy, việc trường ra quyết định chấm dứt hợp đồng làm việc với cô Hằng mà không thông báo cho cô bằng văn bản trước 45 ngày, và đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc đối với cô trong thời gian cô đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi là sai luật định”- vị luật gia này nói.

Khởi kiện ra tòa

Sáng 12-10, cô Hằng cho biết cô đã nộp đơn khởi kiện tại TAND huyện Ninh Phước về quyết định chấm dứt hợp đồng làm việc của Trường THPT Phạm Văn Đồng đối với cô. Theo cô Hằng, việc cô khởi kiện là muốn nhà trường có một cơ chế tuyển dụng rõ ràng, đúng luật nhằm giúp những giáo viên khác an tâm giảng dạy lâu dài.

Ông Nguyễn Bá Ninh - giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Ninh Thuận - cho biết cô Hằng đã khởi kiện thì tòa án thụ lý xét xử. Vừa qua, TAND huyện Ninh Phước có văn bản yêu cầu sở có ý kiến trả lời về vấn đề này, sở đã chỉ đạo bộ phận chuyên môn tham mưu để trả lời tòa.

Theo ông Ninh, trước đây sở đã giao quyền tự chủ cho trường nhận giáo viên vào dạy, nhưng phải đúng quy định. Tuy nhiên, những năm qua, việc ký hợp đồng làm việc giữa Trường THPT Phạm Văn Đồng với giáo viên, trường không báo về sở nên sở không biết.

“Khi vụ cô Hằng xảy ra, sở đã yêu cầu các trường THPT trong tỉnh chuyển hết các loại hợp đồng đã ký với giáo viên về sở, để sở xem xét lại việc thực hiện có đúng quy định hay không”- ông Ninh nói.

MINH TRÂN ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên